Theo dõi trên

Đất trồng rừng phủ xanh đồi trọc đang bị lấn chiếm. Bài 1.

22/06/2023, 05:21

Bài 1: Trồng hoa màu, sang nhượng trái phép trên đất trồng rừng

Vào thượng tuần tháng 6 này, gần 20 người đàn ông, phụ nữ cầm cuốc ung dung xợt cỏ, tỉa tót cho mấy đám dưa trồng vội đầu mùa đã “bò giăng” mặt đất trồng rừng ở xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, như đất của họ sản xuất ổn định nhiều năm nay.

Khi thấy cán bộ, lực lượng bảo vệ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cùng đơn vị thành viên Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận vào tới nơi tuyên truyền, giải thích đất Nhà nước giao đơn vị trồng rừng lâu nay, vài người tỏ ra lớn tiếng, cự cãi ngay khu vực đất trồng rừng họ đã tự ý trồng hoa màu những năm qua.

Canh tác trên đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng

Buổi sáng hôm ấy, trong nhóm người tự ý trồng dưa trên khu vực đất trồng rừng thuộc địa bàn xã Sông Bình, ông Xích Biển (ngụ ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình) lớn tiếng nói rằng: “Khá nhiều người dân xã Phan Thanh lên đây khai phá, trồng hoa màu lâu nay ở khu vực đất này thuộc xã Sông Bình. Tôi vào đây khai phá, canh tác từ năm 1986, dần dần mở rộng diện tích đến nay lên hơn 10 ha, vừa trồng màu hàng năm vừa giữ đất, tạo thu nhập cho gia đình. Nay nhà nước thu hồi đất giao công ty trồng rừng phải bồi thường công khai phá, hoa màu thỏa đáng cho bà con!”. Chúng tôi hỏi thăm: “Bác kiến nghị công ty bồi thường ra sao?”, ông Xích Biển suy nghĩ một hồi, rồi nói: “Phải 50 triệu đồng cho mỗi ha!”. “Bác nói canh tác lâu năm mà đã được UBND huyện Bắc Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa?”, chúng tôi hỏi thêm. Ông Xích Biển chỉ ậm ừ, không trả lời thẳng câu hỏi, nói rằng: “Tôi cũng như nhiều bà con xã Phan Thanh lên đây chỉ biết sản xuất bấy lâu nay thôi, chưa có giấy tờ chứng nhận gì!”.

img_8389.jpg
 Người dân tự ý trồng hoa màu khu vực 367 ha nay thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Bình Thuận

Ở gần đó, ông Xích Văn Diễn (cũng ngụ ở Phan Thanh) đang cầm cây cuốc dài đi qua đi lại bên cạnh mấy luống dưa đang phủ trên mặt đất, khi chúng tôi hỏi thăm cũng nói rằng: “Đất ở đây người dân xã Phan Thanh lên sản xuất trồng màu lâu nay, nhà nước thu hồi phải bồi thường công khai phá. Riêng tôi canh tác khoảng 2 – 3 ha khu vực này”, ông Xích Văn Diễn ước lượng đất mình làm. Những người dân xã Phan Thanh có mặt hôm ấy trên diện tích đất trồng rừng nay thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận quản lý, họ đều tranh thủ trồng ít nhiều dưa trước đó trên đất này; nay kiến nghị công ty bồi thường hoa màu, công khai phá khoảng 50 triệu đồng/ha! Riêng vụ mùa năm trước họ trồng mì đã thu hoạch. Tuy nhiên, tất cả diện tích trồng màu mấy năm gần đây của người dân xã Phan Thanh xâm canh trên đất trồng rừng xã Sông Bình đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc giấy tờ hợp lệ gì.

Có mặt trong buổi sáng hôm ấy, anh Trần Văn Hùng (ngụ thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình), vẻ mặt bần thần cho biết: “Năm ngoái, tôi nhận sang nhượng 7 ha đất ở khu vực này từ một người dân xã Hồng Thái, với giá chỉ 20 triệu đồng/ha. Việc sang đất chỉ nói miệng, đất không có giấy tờ gì. Nay tôi được biết đất mình mua thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận giao Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận trồng rừng, tôi chỉ mong công ty hỗ trợ cho diện tích mè đã trồng vào đầu mùa mưa này!”. Tuy nhiên, không phải ai nhận sang nhượng đất trái phép ở đây cũng hiểu được vấn đề cốt lõi như anh Trần Văn Hùng. Trước đó, một người khác trong huyện Bắc Bình lên khu vực này ở Sông Bình mua đất trái phép giá rẻ 20 triệu đồng/ha, làm hàng rào giữ đất. Ngay sáng hôm ấy, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đã cho tháo dỡ hàng rào trái phép này, để đưa đất vào kế hoạch trồng rừng trong năm nay đã được đơn vị phê duyệt.

img_8414.jpg
 Những người vác cuốc tỏ ra thách thức cán bộ Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đến tuyên truyền, vận động.

Đất xâm lấn nằm trong đất trồng rừng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích đất trồng dưa, trồng màu mấy năm nay ở khu vực trên thuộc xã Sông Bình do một số người dân xã Phan Thanh lên lấn chiếm, nằm trong dự án 367 ha trước đây UBND huyện Bắc Bình giao Công ty cổ phần Sữa Thông Thuận triển khai trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao. Gần 2 năm trước, UBND huyện đã có Quyết định số 4047, ngày 10/8/2021, thu hồi dự án trên, giao lại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận trồng rừng. Ông Hà Việt Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận cho biết: “Thực trạng hiện nay có khoảng 184 ha trong diện tích dự án 367 ha nói trên đã bị người dân lấn chiếm, tác động lấn chiếm. Trong đó có hơn 60 ha gốc bạch đàn bị người dân san ủi, hủy hoại gốc đã trồng điều, rào ranh gần 10 ha trong số này; hơn 54 ha rừng trồng bị chặt phá; hơn 69 ha đất trống bị tác động, khoanh vùng, chiếm đất trái phép. Bằng nhiều biện pháp, chúng tôi đang nỗ lực giữ đất để trồng rừng theo nhiệm vụ công ty giao hàng năm trồng khoảng 150 ha. Tuy nhiên, hiện xí nghiệp gặp không ít khó khăn bởi việc người dân tác động lấn chiếm diện tích khá lớn trong thời gian qua!”.

img_8396.jpg
 Anh Trần Văn  Hùng ngụ Lương Sơn (thứ 2 bên phải) nhận sang nhượng đất trái phép chỉ mong được bồi thường hoa màu.

Do vậy, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đang xúc tiến phối hợp các cấp chính quyền địa phương huyện Bắc Bình ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đang diễn ra phức tạp mấy năm nay, thuộc khu vực dự án 367 ha trước đây thuộc xã Sông Bình. Đơn vị này đang tập trung mọi nguồn nhân lực, vật lực để bảo vệ đất trồng rừng trước việc người dân lấn chiếm đất để trồng trọt hoa màu hàng năm, sang nhượng trái phép, gây không ít khó khăn cho đơn vị được tỉnh giao đất trồng rừng. Họ cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương để lập lại trật tự này.  

Bài 2: Cần “tiếng nói” chung trong xử lý

ĐIỀU TRA: THÁI KHOA - THỤY KHANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Đường lớn đã mở” và sức hút nhà đầu tư đến với Bình Thuận
Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Bình Thuận (Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết) được đưa vào sử dụng không chỉ thúc đẩy du lịch phát triển mà còn tạo động lực mới trong thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Nổi bật
Mang quà tết ra quần đảo Trường Sa
BTO-Chiều 26/12, tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), các tàu đi thăm, động viên, chúc tết quân - dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu vươn khơi. Những tàu ấy không chỉ có hàng hóa, nhu yếu phẩm mà còn mang theo tình cảm, sự quan tâm, nghĩa tình của nhân dân cả nước hướng về quần đảo Trường Sa – vùng biển đảo thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất trồng rừng phủ xanh đồi trọc đang bị lấn chiếm. Bài 1.