Theo dõi trên

“Đường lớn đã mở” và sức hút nhà đầu tư đến với Bình Thuận

21/06/2023, 05:57

Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Bình Thuận (Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết) được đưa vào sử dụng không chỉ thúc đẩy du lịch phát triển mà còn tạo động lực mới trong thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Có thể thấy, du lịch Bình Thuận là ngành hưởng lợi rõ nhất khi thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến “thủ đô resort” được rút ngắn xuống còn khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nhờ đó cũng tháo gỡ nút thắt giao thông đối ngoại để khơi nguồn phát triển kinh tế trong giai đoạn mới cho tỉnh nhà, đặc biệt TP. Phan Thiết dần trở thành tâm điểm trong “tứ giác vàng” về du lịch của phía Nam, bao gồm TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu - Đà Lạt - Nha Trang. Cùng với thế mạnh nghỉ dưỡng và thể thao giải trí trên biển, ngay khi cao tốc chính thức thông xe đã giúp du lịch tỉnh nhà ghi nhận cột mốc ấn tượng: Chỉ trong 1 tháng (tháng 5/2023), toàn tỉnh đón hơn 800.000 lượt khách. Tính chung nửa đầu năm nay, địa phương đón khoảng 4,5 triệu lượt khách, tăng gần 90% so cùng kỳ năm ngoái với doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 11.348 tỷ đồng, gấp 2,52 lần so cùng kỳ…

z4352670287655_d216da52cb17999d03628bccb9c59cc5-1-.jpg
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua địa bàn Bình Thuận đã liền mạch.
img_2663.jpg
Đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đến Bình Thuận khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư.

“Đường lớn đã mở” cũng nhanh chóng tạo ra sức hút nhà đầu tư khắp nơi thẳng tiến về Bình Thuận tìm cơ hội khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Mới đây chỉ trong một buổi chiều vào giữa tháng 6/2023, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở ngành, đơn vị liên quan đã lần lượt tiếp đón Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Bộ Xây dựng) và Đoàn khảo sát của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (thuộc Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đến làm việc. Qua giới thiệu cho thấy, đây đều là các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và thiện chí với mong muốn tìm hiểu cơ hội triển khai thực hiện dự án quy mô ở những lĩnh vực mà Bình Thuận đang nắm giữ lợi thế, hoặc đem lại hiệu quả cao.

Trong đó, Tổng Công ty Viglacera - CTCP là đơn vị có kinh nghiệm về đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, quản lý, vận hành các khu công nghiệp và có thế mạnh về sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Đến nay đã triển khai thành công 15 khu công nghiệp tại một số tỉnh phía Bắc (Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình…) với quy mô khoảng hơn 4.000 ha và thu hút gần 500 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia… Với Đoàn khảo sát của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, bên cạnh những tập đoàn trong nước còn có đại diện lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài (Singapore, Malaysia, Ấn Độ) tại Việt Nam, Thương vụ trực thuộc Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh.

Đến với vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ, hầu hết nhà đầu tư đánh giá cao những lợi thế của Bình Thuận sau khi tuyến cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh đã liền mạch, theo quy hoạch vài năm nữa sẽ có thêm Cảng hàng không Phan Thiết. Thế nên sắp tới đây, sức hút nhà đầu tư đến với địa phương dự báo còn mạnh mẽ hơn bởi xu hướng chuyển dịch đầu tư từ khu vực lõi vùng Đông Nam bộ sang Bình Thuận… Về phía địa phương cũng luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của đối tác trong việc tìm hiểu môi trường đầu tư, xúc tiến khảo sát thực tế để hướng tới đăng ký thực hiện dự án khai thác các tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn tỉnh. Nhất là với những lĩnh vực trụ cột kinh tế: Công nghiệp (hiện Bình Thuận đã quy hoạch 9 khu công nghiệp - 36 cụm công nghiệp, là “điểm đến” của nhiều dự án sản xuất năng lượng tái tạo); Du lịch (sở hữu chiều dài bờ biển 192 km - đứng thứ 5 trong cả nước, có nhiều phong cảnh thiên nhiên, bãi biển đẹp, thời tiết nắng ấm quanh năm); Nông nghiệp (đất sản xuất nông nghiệp chiếm xấp xỉ 45% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, với vùng biển là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước)…

Liên quan công tác này, hiện địa phương cũng xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư theo trọng tâm, trọng điểm với chủ đề “Bình Thuận - Kết nối tiềm năng, khơi thông nguồn lực”, chủ động phối hợp tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư. Song song đó chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện và cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp hướng đến thành công. Đồng thời tiếp tục phát huy lợi thế về giao thông đối ngoại, qua đó duy trì sức hút để góp phần đưa Bình Thuận trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng, hấp dẫn, an toàn và hiệu quả trong thời gian tới.

QUỐC TÍN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Kinh tế ban đêm: Cần thí điểm để tạo bước đi đầu tiên
Kinh tế ban đêm đang dần trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế mới. Thông qua đó, thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nghề kinh doanh, cả truyền thống và phi truyền thống; tận dụng tối đa thời gian để gia tăng các hoạt động kinh tế, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.
Nổi bật
Cử tri kiến nghị cần quy định mức nồng độ cồn phù hợp với thực tế
BTO-Sáng 6/5, Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đại biểu Quốc hội Đặng Hồng Sỹ - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh để ghi nhận ý kiến của cử tri trước kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XV.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Đường lớn đã mở” và sức hút nhà đầu tư đến với Bình Thuận