Lòng, lề đường: Từ lấn chiếm đến giữ làm của riêng. Bài 2
Xã hội - Ngày đăng : 05:44, 05/07/2023
Nếu không sớm có giải pháp căn cơ giải quyết vấn nạn lấn chiếm, lòng lề đường và giữ làm của riêng mình thì môi trường sống của thành phố sẽ thiếu văn minh, ảnh hưởng đến ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Chưa xứng tầm
Từ bài báo trước, chúng ta cứ thử một lần đi khắp thành phố, bao gồm các khu du lịch, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh quan sát môi trường, vỉa hè trên các tuyến đường giao thông. Với môi trường trong vài năm gần đây có sự cải thiện lớn nhưng vẫn còn có nơi có chỗ nhếch nhác, riêng vỉa hè bị lấn chiếm một cách không thương tiếc. Từ con đường xuống biển trong Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến những đại lộ lớn trong thành phố, ở đâu cũng thấy lấn chiếm… bất chấp quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của không chỉ thành phố mà còn cả tỉnh. Nó cũng thể hiện chưa xứng tầm thành phố thông minh trên đà phát triển và Khu du lịch quốc gia nổi tiếng, có bờ biển dài, đẹp.
Ông Nguyễn Đức Trung - tài xế chở khách của một công ty du lịch ở TP.HCM chia sẻ: “Sau khi cao tốc thông xe, nhiều người chọn đi du lịch Phan Thiết đông hơn cả Vũng Tàu, nhất là người dân ở phía Bắc, vì Phan Thiết có bờ biển dài, cảnh quan đẹp… Nhưng môi trường và những vấn đề khác chưa đẳng cấp, bài bản, tương xứng với tiềm năng du lịch. Cả thành phố chưa có một bãi đỗ xe bài bản, đúng nghĩa và chúng tôi phải chật vật tìm chỗ đỗ xe”, ông Trung nói thêm.
Điều ông Trung nói có cơ sở khi các nhà hàng, quán nhậu đang tự loay hoay giải quyết việc đậu xe. Nhà hàng Cao Phát ở khu phố 13, phường Phú Thủy là điển hình, mỗi ngày nhà hàng đón hàng trăm du khách, đồng nghĩa hàng chục chuyến xe loại 45 chỗ ngồi không có chỗ đậu. Chủ nhà hàng Đặng Thị Ngọc Nở giải quyết bằng cách khi trước cửa nhà hàng không còn chỗ đậu xe thì hướng dẫn tài xế “đổ” khách xuống nhà hàng, sau đó chạy xe qua các tuyến đường trong khu dân cư đối diện đậu, nhân viên nhà hàng sẽ cho xe qua đón tài xế về nhà hàng và ngược lại.
Cần có quy hoạch bài bản
Để Phan Thiết và Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến xứng tầm với tiềm năng, trước hết ngành chức năng phải giải quyết dứt điểm vấn đề môi trường, sau là lấn chiếm lòng, lề đường. Bởi nó liên quan trực tiếp đến “bộ mặt” thành phố vốn nhạy cảm.
Theo đó, ngoài việc làm thường xuyên liên quan môi trường thì lấn chiếm lòng, lề đường phải giải quyết dứt điểm. Quy hoạch bãi đậu xe, khu vực buôn bán, vui chơi giải trí… bài bản, có thu phí. Nếu ai chây ì không đóng phí phải xử lý nghiêm bằng cách khép vào 2 hành vi: lấn chiếm lòng, lề đường và trốn đóng phí chống lại quy định pháp luật. Tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tuyên truyền không nên mua hàng hóa hoặc ăn uống của người vi phạm... Rà soát lại các chợ, nơi nhức nhối nhất lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán, xem xét có nên cho hoạt động, để gom về một đầu mối vì hiện nay quá nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong thành phố gần nhau. Điển hình, chợ Phường trên đường Lê Hồng Phong thuộc phường Phú Trinh và một số chợ tự phát khác gần chợ Phan Thiết, có nên gom vào chợ Phan Thiết?
Ngoài ra, thành phố cần có những bãi đậu xe khi hiện nay phương tiện trọng tải lớn như xe khách 45 chỗ ngồi, chưa kể xe ô tô trọng tải nhỏ gia tăng. Điển hình, khu vực dân cư Hùng Vương, đoạn từ vòng xoay siêu thị Lotte Mart trở về phía phường Phú Hài - cửa ngõ giữa trung tâm Phan Thiết và Khu du lịch quốc gia Mũi Né đông đúc du khách tập trung thưởng thức ẩm thực. Nơi đây có nhiều khu đất đã bồi thường sau khi giải tỏa làm đường Hùng Vương và trong diện quy hoạch, hiện hàng quán tự phát mọc lên lộn xộn, mất mỹ quan. Cần phải quy hoạch lại một cách bài bản. Có bãi đậu xe sẽ quản lý tốt hơn vấn đề thu phí lòng, lề đường như ở phường Đức Nghĩa đang quản lý hai bãi giữ xe đường Trưng Trắc, Trưng Nhị. Phó Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa - Huỳnh Văn Sâm cho biết, tất cả các phương tiện lớn ra vào khu vực phường, nhất là chợ Phan Thiết đều phải vào bãi đậu xe. Ở đây có lực lượng bảo vệ trực 24/24, cứ xe nào vào bãi, lực lượng xuất hóa đơn thu phí lòng, lề đường. Nếu là xe chở khách du lịch vào nhà hàng ăn uống, chủ xe sẽ đưa hóa đơn cho chủ hàng quán nhận lại tiền. Vì chủ nhà hàng có trách nhiệm đóng phí lòng, lề đường theo quy định, thay vì trả trực tiếp cho lực lượng bảo vệ bãi xe. “Từ đầu năm đến nay phường Đức Nghĩa thu được gần 200 triệu đồng, chủ yếu từ 2 bãi đậu xe”, ông Sâm nói thêm.
Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn ủng hộ thành phố có bãi đậu xe có thu phí, bà Đặng Thị Ngọc Nở chia sẻ: “Vấn đề này chúng tôi hoàn toàn ủng hộ vì nó liên quan đến tính xây dựng, phát triển thành phố. Bởi thành phố càng văn minh xanh, sạch, đẹp, hiện đại càng thu hút người đến tham quan, chúng tôi, những người kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn cũng được hưởng lợi”.
Nếu ngành chức năng quan tâm, có giải pháp căn cơ giải quyết song hành vấn đề trên, bao gồm cả môi trường thì không chỉ phát triển bền vững du lịch mà còn làm tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố, theo tinh thần nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường… trên địa bàn của HĐND tỉnh.
Ông Trần Hải Anh - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Phan Thiết cho biết: Thực hiện Thông báo số 68/TB-HĐND ngày 20/12/2022 của Thường trực HĐND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 41/2018/NQ-HĐND tỉnh quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường... từ năm 2022 đến nay, các địa phương có các tuyến đường cho phép thu phí trên địa bàn thành phố đã thu được tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.