Bài 1: Nhức nhối nạn lấn chiếm và giữ làm của riêng
Bên cạnh việc lấn chiếm buôn bán thì một bộ phận nhà hàng, quán nhậu giữ làm của riêng mình dù không chấp hành đóng phí theo quy định.
Lấn chiếm
Lấn chiếm, lòng lề đường để buôn bán, đang như là một căn bệnh chưa có phương thuốc điều trị, không chỉ ở thành phố biển Phan Thiết mà còn ở các thành phố lớn trên cả nước. Với một số người quan niệm nó là tập tục, thói quen của người Việt Nam. Điều ấy không chính xác, bởi chúng ta đang sống trong thời đại văn minh, mọi cái xấu, lạc hậu phải thay đổi để hướng đến cái tốt đẹp hơn. Chính vì thế, không một quốc gia, lãnh thổ nào chấp nhận đường giao thông chỗ nào cũng biến thành chợ, với người mua kẻ bán, gây mất mỹ quan đô thị, ách tắc giao thông, làm mất thời gian của người khác, chưa kể tai nạn giao thông gây thương tích hoặc cướp đi mạng sống người dân...
Ngành công an được giao nhiều nhiệm vụ, bao gồm đảm bảo trật tự an toàn xã hội vẫn đang không ngừng nỗ lực đẩy đuổi người lấn chiếm lòng, lề đường để giành lại mỹ quan cho thành phố. Thế nhưng nhiều người cố tình lấn chiếm bằng một cuộc “chơi trốn tìm”, cứ thấy công an thì người lấn chiếm thu dọn hàng hóa trốn đi, sau đó lại bày ra bán khi không có công an.
Điều đó cho thấy lấn chiếm lòng, lề đường chưa có dấu hiệu giảm mà tăng lên khi người này lấn chiếm bán được thì người khác cũng làm theo, so bì giữa người này, người kia. “Chính quyền địa phương chỉ tập trung “dọn dẹp” những hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ lấn chiếm, lòng lề đường ở một số tuyến đường. Trong khi những tuyến đường khác như đường Hùng Vương bày ghế lấn chiếm hết lề đường thì không bị bắt phạt, chỉ có thể có người bảo kê thì mới vậy”, một trong nhiều người dân ở các phường, trong đó có Bình Hưng bức xúc nói.
Tuy nhiên công bằng mà nói, không thể đổ lỗi hết cho người lấn chiếm mà có sự góp phần của người mua. Người mua cứ tiện đâu mua đó nên chỗ nào có người mua thì xuất hiện lấn chiếm lòng, lề đường. Điển hình khu vực chợ mới rộng khang trang của chợ Phú Thủy, đến nay vẫn bỏ trống lãng phí vì người mua không vào trong khu vực mua mà mua bên ngoài đường Lê Văn Phấn, nơi chạy ngang qua khu vực chợ. Thực trạng buộc người đăng ký ki-ốt bán trong chợ phải ra bên ngoài đường lấn chiếm, thuê mặt bằng buôn bán, khiến con đường này biến thành chợ, xe ô tô không thể lưu thông.
Giữ làm của riêng
Giữa loay hoay giải quyết lấn chiếm, lòng lề đường thì phương tiện giao thông gia tăng, nhất là xe 4 bánh. Cả 2 đang làm cho môi trường sống thành phố trở nên chật hẹp hơn khi đường giao thông không thể mở rộng thêm vì dân cư sinh sống đông đúc, kinh phí đền bù giải tỏa hạn hẹp. Tạo nên ách tắc giao thông hoặc kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm. Điều này cũng đúng vì cứ thử làm một bài toán tính, một gia đình có 2 – 3 phương tiện giao thông với mỗi người một chiếc mà nhiều gia đình như vậy thì những con đường hoặc lòng, lề đường hiện có rộng cũng trở thành hẹp. Chưa kể buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, không cho đậu xe trước cửa nhà, hàng quán…
Nhiều tài xế xe ô tô phàn nàn đậu xe dưới lòng đường, nơi không có biển cấm đậu, một số người dân không cho đậu, có xe bị quăng rác lên xe hoặc quét sơn… vì họ cho là đậu trước cửa nhà cản trở lối ra vào. Không riêng hộ dân mà còn các nhà hàng, quán nhậu chỉ cho xe khách vào quán mình ăn đậu, còn khách của quán khác thì không, với lý do không có lối đi cho khách vào quán. Ông Nguyễn Văn Thu ở phường Phú Trinh chia sẻ, có lần đi ăn ở quán C.P, đường Hùng Vương, nơi lòng đường có kẻ vạch đậu xe tính phí, ông cho xe đậu nối tiếp theo các xe khác, thì bị một chủ quán ra ngăn chặn không cho đậu xe với lý do đã thuê, đóng phí lòng, lề đường hết khu vực này”.
Quán này được biết dưới cái tên là N.N, chủ quán tuyên bố: “Tôi thuê mặt bằng ở đây mỗi lô hơn 5 triệu đồng vừa làm quán, vừa làm bãi đậu xe, 1 tháng chi phí lớn. Những quán khác không chịu mướn mặt bằng làm bãi giữ xe, rồi khách của họ qua bên phần lòng đường quán của tôi đậu xe là không được... Còn muốn đậu thì phải vào quán của tôi ăn”. Đây không phải là quán duy nhất giữ lòng, lề đường làm của riêng mình vào giờ cao điểm buổi trưa và chiều tối mà còn nhiều quán khác, hình thành nên lối buôn bán với nhân viên bảo vệ ra giữa đường mời chào khách vào quán, kiểu “chụp giật” dọc đại lộ Hùng Vương. Điều này thể hiện sự thiếu văn minh giữa lòng thành phố biển Phan Thiết, nơi đang ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan khi cao tốc mở ra thuận tiện cho việc đi lại. Hình ảnh này gợi nhớ kiểu kinh doanh ở đường Phạm Văn Đồng ven sông Cà Ty thuộc phường Bình Hưng cách đây nhiều năm gây mất an ninh trật tự vì giành bắt khách.
Theo danh mục các tuyến đường, địa điểm được phép sử dụng tạm thời 1 phần lòng đường, hè phố có thu phí trên địa bàn tỉnh, Phan Thiết có hơn 10 tuyến đường nằm trong danh mục, trong đó đại lộ Hùng Vương. Nhiều hàng quán kinh doanh không chịu đóng phí lòng, lề đường, trong đó có cả quán N.N chúng tôi phản ánh ở trên. “Họ cố tình không chịu đóng phí lòng, lề đường mặc dù chúng tôi mang cả văn bản quy định đóng phí này của UBND tỉnh đến giải thích”, một cán bộ địa chính – xây dựng phường Phú Thủy cho biết.