Giữ môi trường cụm công nghiệp, khu dân cư ở Đông Hà: Ở thế như đi xiếc trên dây. Bài 4
Xã hội - Ngày đăng : 05:37, 14/07/2023
Cái chính là các chủ trang trại chăn nuôi nếu hiểu thời gian tới cũng chính là thời gian vàng thu hút đầu tư với các cụm công nghiệp (CCN), khu dân cư (KDC) ở Đông Hà và kết quả đó quyết định sự cộng sinh với chính họ sau này khi chuyển đổi công năng thì thêm chút chi phí bây giờ cũng không quá nặng nề.
Hoang vắng hóa sầm uất
Nếu có một sự so sánh thì sẽ thấy rõ ràng rằng ở đâu giá đất qua mấy lần sốt rồi hạ theo sự “nóng lạnh” của những dự án sắp xuất hiện, nhưng ở vùng Đông Hà này, không như thế. Lý do bởi trong 3 năm qua, dù dịch bệnh, dù biến động thị trường xuất khẩu… nhưng tại các cụm công nghiệp Nam Hà, Nam Hà 2, Đông Hà và các khu dân cư ở đây, đại công trường của thi công xây dựng các hạng mục vẫn hoạt động liên tục. Theo thời gian, các công trình dần xuất hiện từ chợ, trường mẫu giáo, trạm y tế, công viên thể dục thể thao, khu vui chơi cho đến nhà máy xử lý nước thải, trạm điện… đã tạo ra hạ tầng CCN, KDC hoàn chỉnh, khang trang. Bên cạnh, các nhà đầu tư thứ cấp cũng đã xây dựng nhà máy. Tại CCN Nam Hà rộng 70,4 ha, nơi Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam thuê trọn diện tích, đã xây dựng hoàn chỉnh nhà máy giai đoạn 1 trên 15 ha, sẽ đón gần 7.000 công nhân đi vào hoạt động vào cuối năm nay để thực hiện các đơn hàng gia công cho Nike, thương hiệu giày nổi tiếng của Mỹ. Còn tại CCN Đông Hà rộng 38 ha đã có 7 nhà đầu tư thứ cấp vào, phần lớn đều đến từ Hàn Quốc, trong đó 3 nhà đầu tư đã xây xong nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động, 4 nhà đầu tư khác đang sắp sửa thi công nhà máy.
Với sự đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và có doanh nghiệp nước ngoài đã vào rồi nên các CCN ở đây, nhất là CCN Nam Hà 2 đang kêu gọi đầu tư các ngành nghề như: chế tạo máy, chế biến gỗ, sản xuất linh kiện điện tử… là nơi được UBND tỉnh chọn khi có các đoàn doanh nghiệp FDI khảo sát môi trường đầu tư tại Bình Thuận. Như trong tháng 6 rồi, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam thuộc Cục Đầu tư nước ngoài đã dẫn đoàn gồm các thương vụ, chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp các nước Ấn Độ, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và tổng giám đốc các công ty, tập đoàn của các nước đến CCN Nam Hà. Và đầu tháng 7 này, qua thông tin doanh nghiệp tự biết được, qua sự dẫn dắt của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, có 2 đoàn doanh nghiệp đến từ Malaysia cũng đã về đây khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Đó là những tín hiệu tốt và cả đặc biệt trong thu hút đầu tư ban đầu ở vùng giáp ranh này, mà suy cho cùng là ở 1 xã vốn thuần nông xưa nay như Đông Hà, bây giờ đã thành vùng công nghiệp khi thời cơ hội tụ về. Thời cơ như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh tại cuộc họp về tình hình thu hút đầu tư tại các CCN này vào ngày 7/7/2023 vừa qua. Đó là “hạ tầng ở đây rất có cơ hội phát triển công nghiệp và việc đấu nối cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết khiến Đức Linh trở thành huyện được đón nhận đầu tiên trong làn sóng tìm kiếm đầu tư ra Bình Thuận”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng hy vọng sự phát triển công nghiệp thuận lợi, sôi động ở đây sẽ góp phần giúp tỉnh sớm có nguồn thu ngân sách kịp theo lộ trình Trung ương đặt ra là Bình Thuận sẽ tự cân đối thu chi vào năm 2025 nhưng khuyến khích là sớm hơn 1 năm càng tốt, tức sang năm 2024.
Trong bối cảnh các khu công nghiệp mới ở các huyện khác đang còn vướng nhiều khó khăn, nhất là chưa thống nhất giá đất cụ thể để tính giá thuê đất nên doanh nghiệp chưa thể khởi công thì những vướng mắc ở các CCN, KDC ở đây là không lớn. Như chưa dứt điểm đền bù đoạn đầu khiến tuyến Đông Hà – Gia Huynh nên bị thắt cổ chai; chưa có đường cho xe container đi, lo quá khổ, quá tải hay những thắc mắc về cấp các giấy phép trước khi nhà máy đi vào hoạt động…Tại cuộc họp, các sở ngành liên quan và huyện đã giải đáp và chỉ dẫn doanh nghiệp thực hiện. Duy chỉ vấn đề môi trường là việc giải quyết còn chờ… mà như đại diện trại heo Vissan bảo nếu có đất rồi thì việc thực hiện thủ tục di dời thường cũng mất 2 năm.
Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam(Cục đầu tư nước ngoài) dẫn đoàn doanh nghiệp FDI tìm hiểu cơ hội đầu tư vào CCN Nam Hà 2.
Vận động… quyết liệt
Cái sự “chờ” này, ở khía cạnh khác đang nhấn mạnh về trở ngại trong việc xử lý hành vi thải chất gây mùi khó chịu, mùi hôi ra môi trường. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định ngưỡng giới hạn, thông số ô nhiễm môi trường đặc trưng về mùi hôi. Vì vậy, cũng không có căn cứ rõ ràng để xử phạt, dù tại Điều 20, Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có các hình thức phạt bằng tiền, thay vì chỉ cảnh cáo như trước. Trong đó, riêng hành vi thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần có mức phạt tiền chỉ từ 1- 3 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí để phun xịt, men vi sinh cho vật nuôi ăn… để không có mùi hôi phát tán ra môi trường mà chắc chắn các trang trại thường làm khi biết thời gian đoàn kiểm tra tới, lại rất cao. Thực tế, chính vì ngại tốn kém, ảnh hưởng đến lợi nhuận nên chủ trang trại để mùi hôi phát tán, chứ không phải chăn nuôi là phải có mùi đặc trưng lại bay ra ngoài môi trường…
Bằng chứng, chuyện ở Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Làng Việt Nam tại xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc là một ví dụ. Sau khi người dân ở 2 xã Hồng Sơn, Hàm Đức phản ứng gay gắt, các ngành chức năng, HĐND các cấp vào cuộc, chủ đầu tư trang trại này đã tuân thủ làm hết những công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐTM và theo yêu cầu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và ý kiến của người dân 2 xã. Cụ thể, đã bổ sung thêm nhiều giải pháp giảm thiểu mùi hôi so với báo cáo ĐTM như lắp đặt các tấm màn lưới kết hợp với hệ thống phun sương nước (có sử dụng các chế phẩm sinh học); phủ bạt, quây tôn, phun vi sinh khử mùi, bổ sung một số vi lượng vào trong thức ăn... Kết quả, từ đầu năm 2023 đến gần cuối tháng 4, không có mùi. Những ngày cuối tháng 4, theo phản ánh có mùi hôi phát sinh trong 10-15 phút vào buổi sáng, trang trại tiếp tục áp dụng biện pháp triệt để hơn nữa nên từ đó đến nay, người dân không còn phản ánh, theo thông tin từ UBND 2 xã Hồng Sơn, Hàm Đức.
Ở diễn biến khác, khi báo Bình Thuận phản ánh tình hình ô nhiễm tại các CCN, KDC ở Đông Hà thì có một số đơn vị xử lý mùi hôi trong và ngoài nước đã tìm đến đây bảo đảm xử lý mùi chăn nuôi triệt để với chi phí không cao. Điều đó cho thấy để không phát tán mùi hôi ra môi trường, dù trong hoàn cảnh chờ di dời, sắp xếp, chuyển đổi công năng, cũng không phải là quá khó. Cái chính là các chủ trang trại chăn nuôi nếu hiểu thời gian tới cũng chính là thời gian vàng thu hút đầu tư với các CCN, KDC ở Đông Hà và kết quả đó quyết định sự cộng sinh với chính họ sau này khi chuyển đổi công năng thì thêm chút chi phí bây giờ cũng không quá nặng nề. Hơn nữa, như trại heo Vissan có cổ phần của Nhà nước nên chuyện xử lý triệt để mùi hôi của trại chăn nuôi của công ty để ủng hộ cho sự phát triển công nghiệp thuận lợi của 1 vùng đất mới là điều nên làm đầu tiên. Vì thế, giải pháp chính mà Đức Linh phải làm vẫn là giám sát chặt chẽ cùng vận động, thuyết phục một cách quyết liệt.
Mấy ngày qua, nghe thông tin trên nhiều người dân sành giá đất trong xã Đông Hà kháo nhau rằng, nếu nhà nước hỗ trợ chuyển đổi công năng thì các trại chăn nuôi trúng lớn. Như đất trại heo Vissan theo giá thị trường hiện tại đã lên 100 tỷ đồng. Còn hộ chăn nuôi Phạm Văn Thành thổ lộ mới bán được 1 ha đất trong khuôn viên trại heo liền kề đường số 1 KDC Nam Hà mà có tiền mua đất xây chuồng ở Tây Ninh. Rồi nhân viên trại gà Đức Phát bảo rằng ông chủ là người làm trong nhà nước nên tính là nuôi xong lứa gà đã ký kết thì sẽ dừng chăn nuôi, chuyển sang đất ở. Còn trại gà Tafa Việt thì có diện tích quá lớn nên việc hưởng lời từ giá đất tăng là không nhỏ.