Theo dõi trên

Giữ môi trường cụm công nghiệp, khu dân cư ở Đông Hà: Ở thế như đi xiếc trên dây. Bài 3

13/07/2023, 05:42

Bài 3: Kiểm tra, giám sát trong áp lực đổi thay

Hiện nay tại xã Đông Hà đã hình thành các CCN, KDC Nam Hà và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Vì vậy, xét khoảng cách an toàn trong chăn nuôi thì hầu hết các trang trại nêu trên (trừ Trang trại Đông Hà) không còn đảm bảo với các CCN, KDC.

Không còn đảm bảo khoảng cách an toàn

Qua kiểm tra, xác minh, đoàn kiểm tra của tỉnh gồm các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện trong tháng 6/2023, phát hiện không chỉ trại heo Vissan đang nằm trong vùng lõi, mà 3 trại khác và 1 điểm chăn nuôi của hộ dân cũng ở vị trí rất gần các CCN, KDC ở Đông Hà. Cụ thể, trại heo Vissan tiếp giáp với KDC Nam Hà 2 với vị trí tại quạt hút sau dãy chuồng, khu xử chất thải, có tường xây bao quanh, trồng cây xanh cách ly; đồng thời cũng cách KDC Nam Hà 3 khoảng 50m, cách CCN Nam Hà 2 khoảng 150m, cách CCN Nam Hà khoảng 1.880m. Trong khi đó, Trang trại gà Ta Fa Việt tiếp giáp ranh đất KDC Nam Hà; vị trí gần nhất bố trí các quạt hút sau các dãy chuồng, nhà ủ phân của trang trại cách ranh đất của KDC Nam Hà khoảng 150m, được xây dựng tường bao quanh, trồng cây xanh cách ly. Còn Trang trại gà Đức Phát cách CCN Đông Hà bởi con đường nhựa 12m đi Gia Huynh, cách ranh đất của CCN Nam Hà khoảng 50m, có xây tường bao quanh, trồng cây xanh cách ly. Với trại heo hộ dân Phạm Văn Thành tiếp giáp với KDC Nam Hà bởi con đường nội bộ số 1 của KDC Nam Hà và trại không có tường bao quanh. Riêng Trang trại Đông Hà cách ranh đất KDC Nam Hà khoảng 1.150m, cách CCN Nam Hà khoảng 750m.

dsc_0168.jpg
Trại gà tiếp giáp KDC Nam Hà.

Đoàn ghi nhận các trang trại chăn nuôi (trừ hộ chăn nuôi heo Phạm Văn Thành) đã thực hiện các thủ tục đầu tư, đáp ứng yêu cầu về vị trí, địa điểm, khoảng cách an toàn để xây dựng trang trại chăn nuôi trước khi đi vào hoạt động, tuân thủ các quy định liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi… Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, định hướng quy hoạch huyện Đức Linh cho phù hợp quy hoạch chung của tỉnh Bình Thuận, thì hiện nay tại xã Đông Hà đã hình thành các CCN, KDC Nam Hà và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Vì vậy, xét khoảng cách an toàn trong chăn nuôi thì hầu hết các trang trại nêu trên (trừ Trang trại Đông Hà) không còn đảm bảo với các CCN, KDC.

san-bong-da-mini-trong-khu-dan-cu-nam-ha-xa-dong-ha-duc-linh-anh-n.-lan-2-.jpg
Sân bóng đá mini trong khu dân cư Nam Hà
dsc_0199.jpg
Trạm y tế Nam Hà
dsc01278.jpg
Công ty TNHH giày Nam Hà 
dsc01056.jpg
Một doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Đông Hà

Tại Công văn số 2437 ngày 5/7/2023 về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Đức Linh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều nội dung với các sở ngành, địa phương liên quan. Trong đó, có yêu cầu UBND huyện Đức Linh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các trang trại chăn nuôi gần CCN, KDC Nam Hà không gây ra mùi hôi ảnh hưởng đến xung quanh; trường hợp vi phạm xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời đó, rà soát lại sự phù hợp với quy hoạch, định hướng quy hoạch huyện Đức Linh và quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, Thông tư số 23 ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác tại Nghị quyết số 04 ngày 9/5/2023 của HĐND tỉnh và quy định pháp luật khác có liên quan để đề xuất lộ trình di dời một số trang trại chăn nuôi đến vị trí khác cho phù hợp. Trước mắt, UBND huyện tập trung hỗ trợ, tìm vị trí đất phù hợp trên địa bàn huyện để đẩy nhanh tiến độ di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận đến vị trí mới trước ngày 30/12/2023. Huyện cũng đã phân công nhiệm vụ cho các phòng ban, đơn vị liên quan. Ngoài ra, huyện sớm thành lập tổ giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và quy định khác có liên quan đến hoạt động chăn nuôi của các trang trại…

Trước giờ G

Sau khi đi kiểm tra thực tế ngoài hàng rào các trang trại chăn nuôi gần CCN, KDC tại xã Đông Hà nắm tình hình cũng như nghe ý kiến của các thành phần tham gia vào ngày 7/7/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Đức Linh phải thành lập ngay tổ kiểm tra giám sát môi trường ở khu vực này. Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh Huỳnh Văn Tú cho biết huyện đã làm việc với các chủ trang trại, hộ chăn nuôi này và hiện đã có hướng giải quyết trước mắt. Cụ thể, chỗ hộ chăn nuôi Phạm Văn Thành đề nghị cho sắp xếp để chuyển heo về trại heo ở Tây Ninh và sẽ sớm dừng hoạt động. Chỗ Trang trại gà Tafa Việt sẽ sớm di dời nhà kho chứa phân gần khu dân cư Nam Hà qua chỗ khác trong khuôn viên rất rộng của trang trại vào tháng 9/2023, đồng thời bố trí thêm tôn che chắn. Còn Trang trại gà Đức Phát thì rất khó gặp chủ nhưng huyện đã có kế hoạch phải gặp để có hướng xử lý. Còn riêng trại heo Vissan thì từ năm 2020 huyện đã ban hành rất nhiều văn bản đề nghị và đốc thúc đẩy nhanh tiến độ di dời sang vị trí mới nhưng chưa khởi động. Thêm nữa, việc di dời này cần phải thực hiện hàng loạt thủ tục liên quan, nên phải có thời gian. Huyện cũng đã phân công nhiệm vụ cho các phòng ban, đơn vị để giải quyết vấn đề môi trường ở đây.

Lúc này, động thái của các trang trại chăn nuôi cũng có nhiều điều đáng chú ý. Trong các cuộc họp có nội dung liên quan lẫn những cuộc gặp, các chủ trang trại này đều nhấn mạnh rằng họ được mời gọi vào đầu tư ở vùng này trước, còn chủ đầu tư CCN, KDC vào sau. Thêm nữa, ngay từ đầu khu vực này chủ yếu là đất trồng cây cao su, được quy hoạch là khu chăn nuôi tập trung đã duyệt. Họ chọn nơi này, vì bảo đảm khoảng cách an toàn vật nuôi, an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh. Thế nhưng, bây giờ thì xảy ra xung đột môi trường giữa chăn nuôi và công nghiệp, khu dân cư. Có sự chồng lấn quy hoạch ở đây không?

Bí thư Huyện ủy Đức Linh Nguyễn Văn Húy, người có công lớn cho việc hình thành vùng công nghiệp ở xã Đông Hà cho biết, ở đây không có chuyện chồng lấn quy hoạch trước hay quy hoạch sau. Vì trong quá trình phát triển, theo xu thế phát sinh và phù hợp với quy hoạch tỉnh, việc bổ sung quy hoạch cho những ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn là việc bình thường. Nếu các trang trại chăn nuôi thực hiện tốt đánh giá tác động môi trường, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường xung quanh thì đã không có mùi hôi thối, ruồi nhặng để nhân dân, nhà đầu tư phản ánh. Chứng tỏ các chủ trang trại thực hiện không nghiêm túc, không bỏ chi phí đầu tư bảo đảm môi trường cho hoạt động khiến khó hòa hợp với phát triển công nghiệp, khu dân cư cũng như ảnh hưởng an toàn sinh học vật nuôi nên phải tính đến phương án di dời, khi vòng đời dự án chưa kết thúc. Chính quyền cũng đang vào cuộc tính toán chính sách hỗ trợ cho di dời thế nào, hy vọng nhất là hỗ trợ pháp lý trong quy hoạch… Bởi tính rõ ra khi các trang trại chăn nuôi này được chuyển đổi công năng sang thổ cư thì lời hơn là lỗ. Vì giá đất ở đây đã tăng gấp nhiều lần so thời điểm các trang trại xuất hiện.

Bí thư Huyện ủy Đức Linh Nguyễn Văn Húy cũng lo ngại trong thời gian chờ các trang trại chăn nuôi này di dời, chuyển đổi công năng, nếu các chủ trang trại ở đây vẫn cố tiết giảm chi phí, với lý giải chăn nuôi phải có mùi ẩn nấp trong 2 từ “đặc trưng” thì dù tổ kiểm tra giám sát tốt đến đâu cũng khó ngăn chặn phát tán mùi hôi ra môi trường CCN, KDC kề bên. Với doanh nghiệp nước ngoài, từ những tình huống đầu tư ở một số nơi cho thấy, họ không chịu nghe mình giải thích. Vì thế, việc giữ môi trường ở đây trong thời gian này giống như đi xiếc trên dây.

Bài 1: Nước đã tràn ly

Bài 2: Vì sao chậm di dời trại heo Vissan?

Bài 3: Kiểm tra, giám sát trong áp lực thay đổi

Bài 4: “Thời gian vàng” thu hút đầu tư

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giữ môi trường cụm công nghiệp, khu dân cư ở Đông Hà: Ở thế như đi xiếc trên dây. Bài 1
Thật khó chấp nhận, nếu vì mùi hôi khiến những đoàn doanh nghiệp nước ngoài tìm đến các cụm công nghiệp ở xã Đông Hà, huyện Đức Linh để tìm cơ hội đầu tư mà bỏ đi hoặc những doanh nghiệp đã vào rồi mà ngại đầu tư nhà máy giai đoạn 2.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ môi trường cụm công nghiệp, khu dân cư ở Đông Hà: Ở thế như đi xiếc trên dây. Bài 3