Theo dõi trên

Bình Thuận - Còn đó sức hút nhà đầu tư

12/07/2023, 05:13

Với vị trí chiến lược là cửa ngõ quan trọng trong liên kết vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, hiện Bình Thuận đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đến tìm hiểu, hướng tới xúc tiến các dự án khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nơi đây…

Hạ tầng dần hoàn thiện

Có thể nói những “điểm nghẽn” về hạ tầng của Bình Thuận hiện đã cơ bản được khai thông, nhất là về giao thông đối ngoại khi tuyến đường bộ cao tốc đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Phan Thiết - Dầu Giây chính thức thông xe. Nhờ vậy rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến “thủ đô resort” xuống còn khoảng 2 tiếng đồng hồ, qua đó tháo gỡ nút thắt về giao thông cũng như tạo động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn mới cho Bình Thuận.

toan-canh-18-tru-2-.jpg
Bình Thuận có sức hút đầu tư trên lịnh vực năng lượng tái tạo, du lịch.... (Ảnh minh họa).

Như vậy đến thời điểm này, về đường bộ Bình Thuận có quốc lộ 1A, quốc lộ 28, quốc lộ 28B, quốc lộ 55, quốc lộ 55B kết nối với các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Đặc biệt tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 160 km vừa đưa vào khai thác giúp kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được thuận lợi hơn. Ngoài ra, địa phương cũng có tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa phận tỉnh với chiều dài khoảng 190 km, trong khi tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đoạn từ TP. Hồ Chí Minh đi Phan Thiết đến Nha Trang được đề xuất quy hoạch đầu tư trước năm 2030.

Cùng với đó, đến nay địa phương đã hình thành Cảng Quốc tế Vĩnh Tân với vị trí thuận lợi ở phía Bắc Bình Thuận (diện tích hơn 140 ha), có thể tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 DWT và trong tương lai là 70.000 DWT. Đối với Cảng chuyên dùng Sơn Mỹ được quy hoạch phát triển ở khu vực phía Nam Bình Thuận có thể tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 80.000 DWT… Riêng dự án Cảng hàng không Phan Thiết có quy mô cấp 4E với đường cất hạ cánh 3.050 m (công suất thiết kế 2 triệu lượt hành khách/năm) hiện đang triển khai đầu tư xây dựng.

Sức hút nhà đầu tư

Ngay sau khi hạ tầng dần hoàn thiện, Bình Thuận cũng đón nhận tín hiệu lạc quan về thu hút đầu tư và kỳ vọng trở thành điểm đến của hàng loạt dự án quy mô nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nơi đây. Nhất là với 3 trụ cột kinh tế đã được xác định: Công nghiệp - Du lịch - Nông nghiệp, từ đó tạo ra bước phát triển xứng tầm cho vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ.

Cụ thể gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với nhiều nhà đầu tư đến Bình Thuận tìm hiểu cơ hội xúc tiến triển khai các dự án, có thể kể đến Đoàn công tác của Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Bộ Xây dựng). Đây là đơn vị có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, quản lý và vận hành các khu công nghiệp, có thế mạnh về sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Mong muốn của Tổng Công ty Viglacera - CTCP được đầu tư kết cấu hạ tầng một khu công nghiệp có quy mô diện tích khoảng 500 ha, vị trí ở khu vực phía Nam Bình Thuận. Hay như Đoàn công tác của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) cho biết đang tiếp tục nỗ lực và cam kết hỗ trợ lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi La Gàn thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận (dự kiến công suất 3,5 GW với tổng vốn đầu tư khoảng 10,5 tỷ USD).

Giữa tháng 6/2023, Đoàn khảo sát của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (thuộc Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đến Bình Thuận nhằm tìm hiểu môi trường đầu tư. Trong đó có đại diện một số Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài (Singapore, Malaysia, Ấn Độ) tại Việt Nam và doanh nghiệp trong nước với nhu cầu đăng ký thực hiện dự án đầu tư về nhà máy đốt rác phát điện, sản xuất năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng khu - cụm công nghiệp… Còn tại Hội thảo giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vừa diễn ra cuối tháng qua cũng thu hút sự góp mặt của nhiều tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp khắp nơi. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều đánh giá cao tiềm năng của Bình Thuận, đồng thời nhận định khi giao thông đối ngoại hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ vào thời gian tới…

Ưu tiên lĩnh vực nào?

Theo định hướng, thời gian tới Bình Thuận tập trung kêu gọi đầu tư trên một số lĩnh vực như về nhà máy đốt rác phát điện, trong đó có Nhà máy xử lý rác phía Bắc Phan Thiết (thuộc địa bàn xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc), quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 12 - 20 ha. Tuy nhiên ngoài chọn lựa nhà đầu tư có năng lực, địa phương cũng xem xét tiêu chí ưu tiên hàng đầu là phải sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch nhằm bảo vệ môi trường…

Với các khu - cụm công nghiệp thì mời gọi đầu tư dự án thứ cấp sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, trong đó có lĩnh vực: Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, chế biến sâu các loại khoáng sản. Hoặc chế biến thành phẩm từ nguồn tro xỉ than (vật liệu xây dựng phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng không nung và các sản phẩm làm đường giao thông), sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện - điện tử và sản xuất các thiết bị phụ trợ phục vụ ngành năng lượng. Mặt khác còn thu hút dự án đầu tư phục vụ phát triển hạ tầng thiết yếu khu công nghiệp (trung tâm logistics, cảng cạn ICD, hệ thống trường đào tạo nghề cho lao động…), hạ tầng giao thông, hàng hải, cảng biển…

Cùng với đó, Bình Thuận cũng mời gọi đầu tư các dự án du lịch quy mô, khu vui chơi - giải trí, dịch vụ du lịch cao cấp, dự án thương mại, đô thị, khu dân cư… Theo đó ưu tiên những dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, dự án phát triển các hoạt động dịch vụ, kinh doanh hỗ trợ trong lĩnh vực du lịch vào ban đêm nhằm thúc đẩy kinh tế ban đêm của địa phương. Ở lĩnh vực nông nghiệp sẽ thu hút những dự án gắn với ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại (công nghệ tưới tự động tiết kiệm nước, công nghệ kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch…), xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và mang giá trị kinh tế cao.

Riêng với lĩnh vực năng lượng tái tạo, thời điểm này Bình Thuận không thu hút thêm các dự án năng lượng điện mặt trời (theo Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Đối với các dự án điện gió ngoài khơi và điện gió trên đất liền thì chờ Bộ Công Thương lập kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dự án…

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Du lịch - “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế huyện đảo Phú Quý
Trong bức tranh kinh tế Phú Quý nửa năm 2023, du lịch đã trở thành “điểm sáng” nổi bật và được kỳ vọng tiếp tục phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế của huyện đảo.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận - Còn đó sức hút nhà đầu tư