So nửa đầu năm ngoái, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế của Phú Quý đều đạt kết quả thấp hơn: Sản lượng đánh bắt hải sản ước đạt 18.939 tấn (giảm 3,17% so cùng kỳ), nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi cho các tàu cá tham gia khai thác xa bờ. Đối với thu ngân sách tại địa phương, trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 13,7 tỷ đồng, bằng 59,6% dự toán tỉnh và 54,8% dự toán huyện giao (giảm gần 62% so cùng kỳ)…
Trong bối cảnh tình hình khó khăn chung, song với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói” Bình Thuận nhờ nhiều yếu tố thuận lợi thì du lịch huyện đảo cũng cho thấy bước chuyển mình đáng ghi nhận. Theo đánh giá của UBND huyện Phú Quý, kết quả nổi bật từ đầu năm đến nay là lượng khách du lịch đến huyện đảo tăng cao, đạt xấp xỉ 89.800 lượt (tăng gần 45.800 lượt so cùng kỳ). Trên lĩnh vực này, địa phương cũng quan tâm tăng cường công tác quản lý cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, ẩm thực, du lịch nhằm thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đảo diễn ra sôi động còn góp phần thu hút đầu tư phương tiện chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân lẫn du khách trên tuyến Phan Thiết - Phú Quý. Vừa qua đã có thêm 2 tàu cao tốc chuyên chở khách đưa vào hoạt động, nâng tổng số lên 6 tàu gồm: Superdong - Phú Quý I, Superdong - Phú Quý II, Phú Quý Express, Phú Quý Island, Tuần Châu Express II (Chấn Kha Phú Quý), Trưng Trắc. Qua đó không những kịp thời vận chuyển hành khách từ đất liền ra huyện đảo và ngược lại, mà còn tạo thuận lợi cho du khách lựa chọn khung giờ xuất bến phù hợp với thời gian chỉ từ 2 - 2h30’… Trong khi đó, năng lực vận tải đường bộ nơi đảo xa hiện có hơn 220 xe ô tô các loại, vì vậy tham gia đảm bảo phục vụ vận chuyển hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách trên địa bàn huyện.
Được biết theo định hướng phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua Phú Quý tập trung vào 2 trụ cột chính là ngành hải sản và ngành du lịch, thương mại - dịch vụ trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của huyện đảo. Riêng với lĩnh vực du lịch, nơi đây sở hữu khá nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh còn mang nét hoang sơ, xinh đẹp và độc đáo. Trong đó nổi bật có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia (Vạn An Thạnh - Thờ Thần Nam Hải, Đền thờ Công chúa Bàn Tranh, Chùa Linh Quang) và 7 di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra khi đặt chân lên huyện đảo, du khách đều không thể bỏ qua các điểm tham quan như Cột cờ khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, núi Cao Cát có chùa Linh Sơn với những vách đá hình thù độc đáo. Hay như 1 lần trải nghiệm du lịch lồng bè thưởng thức hải sản tươi ngon, ghé Vịnh Triều Dương và vô số điểm check - in nổi tiếng để lưu lại những kỷ niệm đẹp nơi đảo xa…
Để góp phần thúc đẩy du lịch huyện đảo phát triển xứng tầm, Phú Quý sẽ tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư và tranh thủ nhiều nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm tại địa phương. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng giao thông trên tuyến đường thủy Phú Quý - Phan Thiết (và ngược lại) theo hướng đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch… Trong thời gian tới, địa phương cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gắn với hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh. Cùng với đó tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh, điểm đến Phú Quý và tập trung đa dạng hóa các hoạt động liên quan đến du lịch sinh thái biển đảo.
Tới đây, chính quyền địa phương cũng tập trung chỉ đạo, triển khai chương trình chuyển đổi số toàn diện với mục tiêu xây dựng hình ảnh một huyện đảo số hiện đại năng động. Qua đó cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân cũng như thu hút đông đảo khách du lịch đến Phú Quý trải nghiệm, sử dụng dịch vụ du lịch nhằm phát triển hiệu quả các mục tiêu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và tăng nguồn thu cho ngân sách…