Người dân làm du lịch: Thấy gì qua cuộc gia nhập “thần tốc”?. Bài 2
Du lịch - Ngày đăng : 05:42, 09/08/2023
Cuộc “đi trước” vừa mừng, vừa lo
Ở góc độ nào đó cho thấy sự thay đổi từ tự phát du lịch ấy đã khiến không chỉ người dân trong vùng bán được nông sản, có việc làm giúp tăng thu nhập, mà còn đưa giá đất ở đây lên cao.
Như ở xã La Ngâu, một vùng quê xa của huyện Tánh Linh cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi có quốc lộ 55 đi qua, kết nối vùng thì đã có sự thay đổi. Nhưng phải nói là khởi sắc, là từ khi có kế hoạch triển khai du lịch nông thôn, từ khi người dân tự ý làm du lịch dựa vào sông, suối tại bản 2 nên thu nhập người dân cao hơn, đất đai trong vùng cũng tăng giá. Nối liền đó, tại xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), năm nay sầu riêng trúng giá, lại thêm có khu du lịch dù tự phát nhưng cũng giúp du khách tới săn mây, tham quan hồ thủy điện… có chỗ dừng chân, ăn uống, khi mà trong vùng có tiềm năng lớn du lịch này chưa có 1 điểm du lịch nào. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Phan Lâm, Phan Sơn (huyện Bắc Bình) cũng thế, nhất là một tuyến đường dài đồi dốc hoang vắng, các quán, các điểm dừng chân ở đây, ngoài giúp du khách có chỗ nghỉ đỡ mệt dọc đường, còn góp phần cứu hộ, cung cấp thông tin cho chính quyền. Và mấy tháng qua, thu nhập của người dân ở đây tăng, cũng nhờ làm ở các điểm, trạm dừng chân, quán ăn tự phát. Chủ một điểm dừng chân trên QL 28B cho biết, ông trả lương cho 6 lao động đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong mấy tháng qua là 6 triệu đồng/tháng. Còn ở đảo Phú Quý thì không phải nói, hầu hết người dân trên đảo đều có thêm khoản thu nhập, nhờ làm các dịch vụ du lịch...
Tất cả những gì mang lại từ làm du lịch tự phát thời gian qua khiến chính quyền những nơi này băn khoăn, dù đã ra văn bản bắt dừng hoạt động và yêu cầu tự tháo dỡ. Như Tánh Linh, tại Văn bản số 1517 ban hành ngày 21/7/2023, Chủ tịch UBND huyện có ý kiến giao UBND xã La Ngâu thông báo lần 1, lần 2 để các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch tự phát tự tháo dỡ, di dời các công trình tạm, thuyền sup nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước. Sau đó, nếu không chấp hành thì sẽ cưỡng chế. Trong văn bản cũng nghiêm cấm mọi hình thức tổ chức hoạt động tắm sông, suối, chèo sup, bè tạm hoạt động đưa khách qua sông; các hình thức lưu trú qua đêm… Nhưng đồng thời cũng chỉ đạo các phòng, ban liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành, tham mưu UBND huyện tranh thủ ý kiến của các sở, ngành của tỉnh để hướng dẫn cho nhà đầu tư, người dân thực hiện, phát triển. Trong khi đó, UBND Hàm Thuận Bắc đã thành lập đoàn kiểm tra đến khu du lịch xây tự phát trên mặt hồ Đa Mi, lập biên bản làm việc, yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động và tháo dỡ để trả lại hiện trạng ban đầu. Nếu không sẽ bị xử phạt theo luật định với số tiền 125 triệu đồng và bị cưỡng chế. Đồng thời cũng yêu cầu doanh nghiệp tư nhân này nếu tiếp tục có nhu cầu muốn kinh doanh tại vị trí nêu trên thì thực hiện các thủ tục hành chính theo Quyết định số 2190 của UBND tỉnh ban hành ngày 18/10/2022 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính và quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính đối với các thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận.
Vì sao chính quyền băn khoăn?
Với Phú Quý, phía sau niềm vui thấy được sức dân làm du lịch cộng đồng trong buổi đầu quá tốt là nỗi lo ngại vi phạm quy định trong sử dụng đất không đúng mục đích. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuối tháng 7/2023 về kết quả 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kiến nghị tỉnh 2 nội dung liên quan đến vướng mắc trong phát triển du lịch trên đảo. Đó là quan tâm cho phép các hộ nuôi trồng hải sản bằng lồng bè trên biển kết hợp kinh doanh dịch vụ ẩm thực, góp phần phát triển du lịch của huyện. Đồng thời cũng quan tâm cho phép người dân kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát dưới tán cây trên đất nông nghiệp, nhưng không làm biến đổi mục đích sử dụng đất, góp phần tạo việc làm và cải thiện đời sống của người dân trên đảo.
Kiến nghị ấy của Phú Quý, cũng là mong muốn của các huyện khác. Vấn đề ở chỗ, ai quan tâm cũng có thể hiểu, là tinh thần làm du lịch cộng đồng của dân trên đảo và cả những vùng nông thôn trong đất liền vốn có tiềm năng du lịch đã được khai phá mấy tháng qua, đang lên. Dù có đang chệch hướng nhưng chính quyền các nơi này đang muốn hướng người dân thực hiện các thủ tục đầu tư để đi vào kinh doanh đúng quy định pháp luật, nhất là ở những nơi đã được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, phục vụ du lịch. Như tại xã La Ngâu, chính xác là tại khu vực suối Tà Mỹ là 1 trong 2 mô hình thí điểm xây dựng du lịch nông thôn đến năm 2025 của huyện Tánh Linh. Hay quốc lộ 28B đoạn từ xã Sông Bình lên Phan Lâm, Phan Sơn cũng có một số nơi đã quy hoạch đất thương mại dịch vụ. Rồi khu vực hồ Đa Mi thuộc địa bàn Hàm Thuận Bắc chỉ rộng hơn 100 ha (hơn 500 ha thuộc địa bàn Tánh Linh) nhưng huyện cũng đang xem xét nhu cầu của các nhà đầu tư quan tâm để quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch, nhất là trong tháng 7 rồi đã phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch hồ Hàm Thuận. Điều đáng nói, trong khi hồ thủy điện Hàm Thuận có mực nước dao động đến 30 m thì hồ thủy điện Đa Mi có biên độ dao động mực nước chỉ 1m, lúc cao nhất cũng chỉ tới 3 m. Đó cũng là 1 lý do khiến doanh nghiệp tư nhân có thể xây dựng khu du lịch tự phát trên mặt hồ nhanh chóng để đón du khách, mà lý do đưa ra là trong giấy phép đăng ký doanh nghiệp có hoạt động phục vụ ăn uống lưu động, đưa đò khách tham quan hồ Đa Mi…
Và sau tất cả, có lấn cấn trong sử dụng đất đúng mục đích để phát triển du lịch. Ví dụ, rất khó rạch ròi để xác định đất thương mại dịch vụ trên mảnh đất nông nghiệp có làm chòi, trại cho du khách nghỉ chân hay các homestay… Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng văn bản hướng dẫn phát triển du lịch trên đất nông nghiệp căn cứ vào nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao tại Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Vì vậy, chính quyền các huyện này đang chờ có hướng dẫn để triển khai thực hiện, cũng là mở lối cho người dân làm du lịch nông thôn.
Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "7 tháng qua, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra tốt, với lượng khách tăng cao, trong đó có góp phần của du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Điều đáng chú ý là không nghe phàn nàn từ du khách, dù thực tế cho thấy du lịch cộng đồng tự phát có bùng lên. Với những trường hợp tự xây ở vùng đã quy hoạch, lựa chọn phát triển du lịch, theo cá nhân tôi thì chính quyền các nơi nên bắt dừng hoạt động và hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để họ kinh doanh đúng pháp luật. Đó là cách khuyến khích người dân làm du lịch tiếp tục nỗ lực, nhất là khi cơ sở mà họ đã xây dựng tự phát vẫn còn, để không lãng phí tiền của và còn bảo vệ tài nguyên du lịch, tạo điểm đến du lịch cho tỉnh".