Theo dõi trên

Người dân làm du lịch: Thấy gì qua cuộc gia nhập “thần tốc”?. Bài 1

08/08/2023, 05:50

Trong khi Nghị quyết 82/CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững ban hành ngày 18/5/2023 thì trước đó, dịp lễ 30/4/2023, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi vào hoạt động rồi tiếp nối du lịch hè đã khiến Bình Thuận đón 1 lượng khách tăng vọt. Người dân bắt đầu làm du lịch rầm rộ và đồng thời đó là những vướng mắc trong chính sách mà thực tế đặt ra cần phải giải quyết một cách khéo léo cho tình hình làm tự phát.

Bài 1: Bùng nổ du lịch “du kích”

Vì khách đông tràn bất ngờ

Vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc, dù đã được khắc phục xong mấy ngày qua nhưng lượng xe cộ theo hướng cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo tới đoạn xã Sông Bình (Bắc Bình) nhập vào quốc lộ 28B đi Đà Lạt vẫn đông. Đó là hình ảnh không phải của bây giờ mà từ dịp lễ 30/4, khi đoạn cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo chưa khánh thành, nhưng xe vẫn chạy được thì nhiều gia đình đã chọn cung đường này lên Đà Lạt. Và khi tuyến cao tốc trên đưa vào hoạt động thì lượng xe cộ nhiều dần lên. Lý do duy nhất là đi cung đường này rút ngắn được thời gian từ Sài Gòn lên Đà Lạt đến 2 giờ đồng hồ. Và tự lúc nào không biết, từ xã Sông Bình kéo lên xã Phan Lâm, Phan Sơn, xuất hiện tình trạng người dân sửa lại cái sân cho rộng, mua mấy bộ bàn ghế, lắp mái hiên, dựng mấy cái chòi lá che nắng, đặt mấy hàng võng... để đón dòng khách đã vượt hơn 150 km liên tục trên tuyến cao tốc vốn chưa kịp có 1 điểm dừng chân nào. Đánh vào tâm lý mong ngóng suốt hành trình ấy, những nơi mới cơi nới, sắm sửa, trang hoàng “của ngày hôm qua” để đón lượng khách trên với tấm biển: Trạm dừng chân... dù đất ven con đường này đều là đất lâm nghiệp, đất thuộc phạm vi lộ giới, đất nông nghiệp. Ngoài 1 - 2 điểm dừng chân gọi là, với các dịch vụ như ăn uống, bán các sản vật địa phương, có võng nằm nghỉ, ngắm cảnh hồ Sông Lũy... đã hoạt động lâu nay, có khoảng 15 trạm dừng chân, quán ăn mới xuất hiện lúc nào không ai hay trên tuyến đường này.

lan_2616.jpg
Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo đoạn nút giao với QL. 28B đi Lâm Đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Bình, 7 tháng đầu của năm 2023, huyện đón gần 170.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng hơn 50% so với kế hoạch đề ra và tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách trong nước chiếm 85%, khách quốc tế 15%. Điều đáng chú ý, lượng khách trên chưa tính đến số du khách ghé ăn uống, ngắm cảnh tại các điểm, trạm dừng chân trên quốc lộ 28B. Vì hầu hết đều làm du lịch tự phát.

dscn5489.jpg
Cảnh đẹp trên đèo Đại Ninh thu hút nhiều du khách lưu thông trên QL - 28B.

Tương tự, ngoài đảo Phú Quý, từ khi có cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, lượng khách ra đây, có lúc cao điểm chiếm 1/3 dân số trên đảo. Có thể hình dung với diện tích hữu hạn trên đảo, du khách ra đông như thế kèm theo vô vàn đề nghị được phục vụ, được thưởng thức, được khám phá đã khiến người người, nhà nhà trên đảo cuốn vào ”cơn lốc” tự làm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Chái hiên, sân vườn lâu nay để làm chỗ ngồi chơi, đã được chuyển đổi công năng sang bán nước giải khát, quán ăn phục vụ du khách. Tại các thửa đất trồng cây nông nghiệp cũng đã được tận dụng bóng râm, thêm dăm chòi lá, vài chiếc bàn... cho khách sau tham quan, sống ảo, nghỉ chân ăn uống. Chưa hết, ở các lồng bè nuôi hải sản, du khách cũng muốn lên để khám phá, để lựa chọn hải sản và muốn thưởng thức tại chỗ cho tươi ngon, nóng sốt... Cứ thế, cả đảo hầu như đều tham gia làm du lịch ở các khâu, các dịch vụ một cách nhịp nhàng và từ đó thu nhập cũng tăng lên, khi 6 tháng đầu của năm 2023, đảo đón gần 89.800 lượt khách, tăng 45.797 lượt so cùng kỳ năm trước.

untitled_1.2.3.jpg
Tàu cao tốc vận chuyển du khách ra Phú Quý.
ganh-hang-phu-quy-anh-n.-lan-.jpg
Gành Hang Phú Quý.

Vì khách mê du lịch hồ, sông, suối

Huyện miền núi Tánh Linh cũng không ngoại lệ trong đón dòng khách đến bất ngờ trên. Bên cạnh du lịch Thác Bà vốn có tiếng đã đông khách thì khu vực không ai ngờ tới tại xã La Ngâu, nằm trên tuyến quốc lộ 55 cũng thu hút du khách rất nhộn nhịp. Những chòi lá ven suối thật thơ mộng, suối Tà Mỹ hiền hòa, nước cạn, trong vắt thấy cả hình dáng của sỏi cuội, du khách có thể thuê thuyền súp để chèo qua sông. Những lán trại hòa vào thiên nhiên, nhiều sản vật địa phương hấp dẫn, các món ăn của miền thôn dã lạ miệng khách đến… Tất cả đã hình thành những yếu tố thu hút khiến không chỉ du khách ngoài tỉnh mà cả trong tỉnh cũng đã tìm đến thưởng thức loại hình du lịch sông, suối này, khi nơi đây đã hình thành các điểm kinh doanh với tên gọi khác nhau trong khoảng thời gian ngắn. Nếu trước 30/4/2023 chỉ có 2 điểm thì đến giờ đã lên 7 điểm kinh doanh dịch vụ du lịch với hệ thống đầu tư từ nhà bếp, nhà ăn, bungalow, chòi, lều… nghiêng về hòa nhập với thiên nhiên. Nhưng kỳ thực, đó là xây tạm, vì đến thời điểm này, các điểm du lịch trên đều chưa được cơ quan chức năng cho phép. Nhưng thực tế, mô hình du lịch cộng đồng này đã lan ra, khi tại các rẫy kề bên, người dân cũng đã dựng chòi với mục đích ban đầu là để canh giữ cây trái hoặc để gia đình, bạn bè lên rẫy chơi vào những ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ.

cam-trai-o-la-ngau.jpg
Loại hình cắm trại bên bờ sông La Ngà ở La Ngâu, đang thu hút rất nhiều du khách.

Từ La Ngâu này qua xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) cũng không xa, hơn nữa còn thuận lợi, vì cùng trên tuyến quốc lộ 55. Sức hấp dẫn của vùng đất này không chỉ vì quang cảnh, tiềm năng từ 2 hồ thủy điện Hàm Thuận, Đa Mi mà còn vì nơi đây là vùng cây trái đa dạng, phong phú nhờ ảnh hưởng khí hậu từ Lâm Đồng. Câu chuyện ngắm cảnh, rong chơi ở hồ thủy điện, ăn cá tầm, săn mây… được các du khách đăng tải trên facebook, zalo… đã thu hút du khách tìm đến đây nhiều trong mấy tháng qua. Song song điều đó, bất ngờ, trên mặt hồ Đa Mi xuất hiện 1 khu du lịch, đại loại cũng có cơ bản các hạng mục của loại hình du lịch sinh thái trên hồ. Vị trí khu du lịch này được xây dựng nằm ven tuyến giao thông nông thôn thuộc tổ 5, thôn Đagury mà xã Đa Mi xây dựng năm ngoái và thuộc khu vực mốc đất số 11 hồ thủy điện Đa Mi. Đó là nơi cuối của hồ Đa Mi, tương tự như eo nước nên rác trong hồ hay đẩy về đây, dồn nhiều sình nên nước không trong xanh như các khu vực khác trong hồ. Nhưng phải công nhận, đứng ở nơi cuối này nhìn hồ Đa Mi trong khung cảnh thiên nhiên chung đẹp như tranh vẽ. Núi đồi hùng vĩ, lúc ẩn, lúc hiện trong mây ngàn khi chúng bỗng chốc tràn xuống rồi lại bị cuốn bay. Còn mặt hồ lặng sáng như gương soi… Khách đến đây là mê chụp hình sống ảo, săn mây, sau đó ăn uống và nếu muốn thì thuê xuồng dạo trên hồ. Đó là lý do khách cứ ghé, doanh nghiệp tư nhân cứ cơi nới thêm chỗ ngồi lấn ra mặt hồ, dù nhân viên Nhà máy thủy điện Đa Mi đã lập biên bản nhắc nhở, không được làm thêm. Đến nay, chỉ sau 4 tháng hoạt động, diện tích xây dựng của hộ kinh doanh này đã lên 1.545 m2, trong đó phần lớn là đất nằm trong lòng hồ, hành lang bảo vệ hồ thủy điện Đa Mi.

ho-thuy-dien-ham-thuan-anh-n.-lan-2-.jpg
Hồ thủy điện Hàm Thuận.
ho-da-mi-anh-n.lan-1-.jpg
Hồ thủy điện Đa Mi.

Đến thời điểm này, khi du lịch hè vừa kịp dứt thì các huyện cũng đã có những động thái kiên quyết dừng các điểm du lịch tự phát trên. Nhưng đồng thời cũng nhận ra, cách làm du lịch của người dân theo hướng xuất hiện nhanh, gọn nhẹ nhưng hiệu quả, vì thực tế đã phục vụ kịp lượng khách ùn ùn kéo tới mấy tháng qua cho thấy sức hút của du lịch nông thôn. Không ít người gọi vui, đó là du lịch du kích, vì có thể đến lúc cũng “biến mất” rất nhanh, nếu như người dân không được hướng đến thực hiện các thủ tục để kinh doanh đúng phép.

Bài 2: Băn khoăn và chờ đợi

Bài 3: Đừng để lỡ nhịp...

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận - Tuyên Quang hợp tác lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch
Nhằm tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá hình ảnh, nét đẹp, văn hóa, con người và điểm đến du lịch 2 tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận và Tuyên Quang vừa thống nhất chương trình hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân làm du lịch: Thấy gì qua cuộc gia nhập “thần tốc”?. Bài 1