Bấy giờ có tổ chức cuộc thi “Sưu tầm - Triển lãm ảnh Phan Thiết xưa”. Qua phát động, đông đảo các gia đình có điều kiện chụp và lưu giữ những bức ảnh Phan Thiết xưa trước 1945 gửi về dự triển lãm. Sau đó, nhiều người yêu ảnh đã chụp và quay phim lại, tiếp theo là phổ biến rộng rãi trên mạng, in trên sách báo, và không biết từ khi nào các tấm ảnh đó đã trở thành ảnh tư liệu.
Tấm ảnh chụp toàn cảnh cho ta thấy Lầu Ông Hoàng nằm không xa mấy với cụm tháp Chăm Phố Hài, đúng theo tài liệu ghi chép và chuyện kể trong dân gian. Đó là, vào một ngày cuối năm 1910 có một chàng thanh niên quý tộc người Pháp là Hoàng Quận Công De Montpensier, bạn của ông Lê Phát An (cậu của Nam Phương Hoàng Hậu), sang Việt Nam chơi, ra Bình Thuận săn bắn, đến Phú Hài nhìn thấy cảnh đẹp với núi đồi 5 ngọn Bửu Sơn, Bạch Hổ, Thanh Long, Long Sơn và Ngọc Sơn (núi Cố) nhìn ra biển cả với sóng vỗ rì rào, gió khơi thổi về mát rượi, bèn quyết định mua trọn quả đồi Bạch Hổ rộng 5,74 ha, cao 105 m so với mặt biển để xây ngôi biệt thự làm nơi vui chơi nghỉ dưỡng… Cùng với tấm ảnh chụp cận cảnh, chỉ một góc lối lên cũng giúp ta hình dung ra quy mô ngôi biệt thự, móng đúc bằng đá hộc xanh, nền lót gạch bông cao 2 mét, dưới thềm là hầm chứa nước mưa. Ngôi biệt thự với tổng diện tích sử dụng 536 m2 gồm 13 phòng, ngoài ra các công trình phụ cũng rất lớn với bên phải là nhà máy điện rộng 113 m2, bên trái là chuồng ngựa rộng 80 m2 và phía sau là bể nước, nhà tắm, nhà bếp, nhà ở dành cho những người phục vụ…
Cũng theo tài liệu và chuyện kể trong dân gian, biệt thự xây xong Ông Hoàng rước cô nhân tình trẻ đẹp từ Pháp qua lập “Tổ Chim Ưng”, có biệt danh tiếng Pháp là “Nid d’Aigle”. Song chưa được bao lâu, chàng quý tộc có việc về Pháp, ở bên này nàng lại có người tình khác, biết chuyện Ông Hoàng đã thuê một tay súng thiện xạ từ bên Pháp qua kết liễu cuộc đời nàng… Và từ đó Ông Hoàng không trở lại Việt Nam nữa…
Trước một lâu đài tráng lệ nguy nga song lại là nơi xảy ra một vụ án tình tang thương máu lệ, bên cạnh là ngôi tháp Chàm xa xưa nhuốm màu u tịch, vào khoảng năm 1933 nữ sĩ Mộng Cầm ở Phan Thiết đã có bài thơ “Vịnh Lầu Ông Hoàng”: Nước nước non non một cõi này/Lâu đài ai dựng, tháp ai xây/Sương dầm, nắng dãi lờ gan đá/Gió dập, mưa dồn tủi phận cây/Tuồng thế tang thương bao lớp sóng/Cuộc đời thành bại mấy chòm mây/Đường lên cõi phúc tìm đâu thấy/Thấy cảnh đau lòng khách tỉnh say. Bài thơ trên cùng với các bài thơ khác đã được nữ sĩ Mộng Cầm gửi đăng trên báo Công Luận, Sài Gòn - nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đang phụ trách trang văn chương. Cũng từ đó, nữ sĩ Mộng Cầm được thi sĩ Hàn Mặc Tử chú ý gửi thư ra làm quen, rồi có một ngày từ năm 1936 thi sĩ có mặt ở Phan Thiết cùng nữ sĩ dạo chơi, ngắm trăng trên Lầu Ông Hoàng để chớm nở một cuộc tình, song sớm chia lìa trong ngang trái. Hàn Mặc Tử thảng thốt với những dòng thơ: “…Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng/Ta lang thang tìm tới chốn lầu trăng/Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang/Nơi ta khóc, ta yêu thương tha thiết/Ôi trời ơi! Là Phan Thiết, Phan Thiết/Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi/Ta đến nơi, nường ấy vắng lâu rồi/Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ… Còn nữ sĩ Mộng Cầm với những dòng thơ tự sự: “… Lầu Ông Hoàng đây anh ở đâu?/ Hồn xưa đi mất cảnh gieo sầu/Mây mù phủ kín vùng bình địa/Tháp cũ căm hờn cuộc bể dâu…”.
Được biết, sau khi xảy ra vụ án tình, ngôi biệt thự Lầu Ông Hoàng được nhà cầm quyền Pháp quản lý dành cho các cuộc nghỉ dưỡng của công chức Pháp và quan lại Nam triều. Trong tập sách “Lịch sử truyền thống phường Phú Hài - tập I (1945 - 1975)” do Đảng bộ phường Phú Hài xuất bản tháng 11/2017, trang 56 có đoạn viết về cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Phú Hài: “... Đồng chí Tiếu Nghi thay mặt Việt Minh phủ Hàm Thuận, cùng ông Nguyễn Ngọc Hiệp (Mười Hạp) đến Phú Hài tổ chức Ủy ban cách mạng lâm thời các làng, tiếp nhận bàn giao Lầu Ông Hoàng…”. Qua đó cho chúng ta suy luận chính quyền cũ đã quản lý Lầu Ông Hoàng mới bàn giao cho chính quyền cách mạng. Cũng theo tập sách Lịch sử trên, bấy giờ các làng trong khu vực Phú Hài vẫn giữ nguyên tên cũ, bên tả ngạn có 6 làng (Tú Lâm, Ngọc Lâm, An Hải, Thiện Chánh, Xuân Hòa, Sơn Thủy) thuộc tổng Thắng An, bên hữu ngạn có làng Tân Phú thuộc tổng Lại An, đều thuộc phủ Hàm Thuận. Ông Hồ Văn Lại (Tổng Lại) phụ trách Việt Minh tổng Lại An và ông Cao Xuân Lê phụ trách Việt Minh tổng Thắng An, hai ông đều sử dụng Lầu Ông Hoàng làm trụ sở công tác, thường xuyên tiếp xúc với các làng. Như vậy, có một số bài viết về Lầu Ông Hoàng cho rằng “trong Cách mạng Tháng Tám với lòng căm thù giặc Pháp nhân dân Phú Hài đã phá nát Lầu Ông Hoàng vì đó là nhà Tây” là không chính xác.
Theo tài liệu lịch sử, ngày 16/3/1946 Pháp tổ chức một cuộc hành quân lớn từ Phan Thiết qua chiếm đóng Phú Hài, ban đầu đóng quân ở khu nhà trường làng Xuân Hòa (khu vực trụ sở UBND và trường tiểu học hiện nay), thời gian sau chúng chuyển lên cải tạo Lầu Ông Hoàng thành đồn và đóng chốt luôn ở đây. Ngày 14/6/1947, Đại đội Hoàng Hoa Thám-E 82 Bình Thuận đã cải trang tập kích tiêu diệt đồn Lầu Ông Hoàng giành thắng lợi lớn. Sau đó quân Pháp đóng lại song ở vào thế co thủ, đến tháng 5/1948 thì rút lui bỏ đồn. Tháng 10/1948, huyện Hàm Thuận nắm bắt được tin quân Pháp có ý định tái chiếm Phú Hài và sẽ dồn dân rào làng, lập khu tập trung nên lệnh cho Phú Hài thực hiện phá hủy các công trình công cộng kiên cố, rộng rãi mà có thể địch sẽ chiếm làm nơi đóng quân, ăn ở lâu dài. Huyện tăng cường thêm dân quân Sa Ra, Tùy Hòa xuống hỗ trợ cùng với dân quân Phú Hài do xã đội trưởng Lê Đình Xuân chỉ huy tiến hành phá hủy trong 3 ngày hơn 60 cơ sở công cộng, trong đó có các công trình trọng điểm: Chợ, Lầu Ông Hoàng, nhà hàng Ngọc Lâm, nhà làng, chùa, dinh Tiền Hiền, miễu thần linh… Ngày 2/5/1949 quân Pháp cho lực lượng khoảng 1 tiểu đoàn hành quân càn quét ra Núi Cố, sau đó đóng lại đồn trên nền móng cũ của biệt thự Lầu Ông Hoàng, song lần này chúng xây dựng kiên cố với các lô cốt bê tông cốt thép, đặc biệt có một tháp canh sừng sững trên cao có thể quan sát rõ bốn hướng tới 10 cây số, còn ở dưới xa nhìn lên trông giống như một cái lầu theo kiểu của Tây, vì thế sau này lớp trẻ sinh sau không rõ chuyện cứ cho đó là cái Lầu Ông Hoàng.
Cũng có người nhầm lẫn, cứ khẳng định vị trí đó chỉ có cái đồn binh của Pháp (sau này tiếp tục là cứ điểm quân sự của Tiểu khu Bình Thuận), không có cái Lầu Ông Hoàng nào cả mà Lầu Ông Hoàng nằm cách đó khoảng 800 -1.000 mét về phía đông gần với làng Ngọc Lâm, họ đã hiểu nhầm Lầu Ông Hoàng là nhà hàng Ngọc Lâm, cũng của người Pháp song do nhà tư sản Pháp là chủ sở hữu với cái tên Tây mà dân gian thường gọi là “Tây Guerry”, ông ta cũng là chủ của “Khách sạn lớn” (Grand Hotel) nằm ở một góc đầu cầu Quan Phan Thiết, địa điểm ngày nay là trụ sở làm việc của cơ quan Tỉnh ủy. Những người lớn tuổi ở Phú Hài còn nhớ chuyện, đêm 8 rạng ngày 9/3/1945 Nhật đảo chánh Pháp, Nhật bắt bọn Pháp cầm quyền và Pháp kiều ở Phan Thiết tập trung giam giữ tại “Khách sạn lớn”. Hiến binh Nhật thuê xe ngựa của ông Tư Xuồng kèm theo lệnh gọi tập trung một người Pháp đang nghỉ mát tại Mũi Đá. Trên đường chở về nơi giam giữ, tên Pháp này lấm lét, lo sợ dân căm thù đánh đập trả thù nhưng ông Tư Xuồng không làm điều đó.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin thông tin thêm, có một tấm ảnh chụp một góc cứ điểm quân sự Lầu Ông Hoàng sau ngày giải phóng quê hương 1975, người đứng trên cái lô cốt bê tông cốt thép ấy là ông Võ Thọ Đoán, quê chính gốc Phú Hài (ông Đoán là em của Trung tá Võ Thọ Son, Phó trưởng Đoàn Quân sự Quân khu 6 trong Ban Liên hiệp quân sự 4 bên tại Bình Thuận vào tháng 2/1973, cùng tham gia trong đoàn còn có Đại úy Lê Mạnh Tiến người Mũi Né làm cán bộ trợ lý, cả 2 ông không lạ gì cái biệt thự Lầu Ông Hoàng thuở trước mà sau này trở thành cái đồn Lầu Ông Hoàng). Năm 1946 ông Đoán làm thợ hồ, khi quân Pháp qua lại Phú Hài lấy Lầu Ông Hoàng làm đồn đóng quân có thuê ông lên làm thợ sửa chữa nơi ăn ở, nhà kho, hồ chứa nước…nên ông nhớ lại để vẽ sơ đồ bố trí trong đồn cung cấp cho Đại đội Hoàng Hoa Thám-E 82 Bình Thuận trong trận cải trang tập kích tiêu diệt đồn Lầu Ông Hoàng ngày 14/6/1947. Cũng trong đợt kỷ niệm 100 năm Phan Thiết là thị xã, các cựu chiến binh E 82 đã xây dựng một Bia “Chiến thắng Lầu Ông Hoàng” ngay tại vị trí đồn xưa.
Ngày nay, cụm tháp Chăm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, được tôn tạo giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trở thành một điểm đến trọng tâm của du lịch Bình Thuận, chỉ tiếc rằng cái biệt thự Lầu Ông Hoàng không còn, song cũng có niềm vui là trên vùng đất đồi núi, động cát, nhìn ra biển cả này… từ “đường lên dốc đá” Phú Hài ra Đá Ông Địa, Rạng, Mũi Né, Hòn Rơm, Bàu Trắng… đã mọc lên hàng chục khu resort và biệt thự du lịch nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam...