Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Bình Thuận hướng đến “xanh, nhanh, bền vững”. Bài 3

Chính trị - Ngày đăng : 08:23, 27/09/2023

Bài 3: “Vắc xin” An tâm từ Kết luận 14

BTO-Có thể ví, sự bảo vệ đó như là 1 loại vắc xin giúp cán bộ, công chức, viên chức Bình Thuận, nơi có một số cán bộ bị xử lý hình sự vừa qua, mạnh dạn, linh hoạt hơn trong thực thi nhiệm vụ thời gian tới, khi mà thực tế cho thấy có những tình huống phải giải quyết chưa có hoặc chưa được quy định đầy đủ trong luật.

Làm cầm chừng và tâm không an?

Phải ghi nhận rằng, trong tình hình như tụt dốc của 3 chỉ số năm 2022, sự vươn lên của chỉ số PAPI đưa Bình Thuận đứng thứ 7/63 tỉnh, thành và thuộc Nhóm tỉnh, thành có kết quả cao nhất cả nước là một sự bứt phá ngoạn mục, khi kết quả cũng chỉ số đó vào đầu nhiệm kỳ 2020 xếp thứ 53/63 tỉnh, thành. Việc cải thiện đến 46 bậc của chỉ số về Hiệu quả quản trị và hành chính công này đặt ra vấn đề rằng cũng cùng chung tình cảnh, sao có được kết quả tốt như thế. Tương tự, ở chỉ số PCI năm 2022, dù xếp thứ 42/63 tỉnh, thành, giảm 19 bậc so với năm 2020 nhưng trong đó nổi bật có 2 chỉ số thành phần là cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 3/63 và gia nhập thị trường xếp thứ 18/63 tỉnh, thành.

mot-goc-phan-thiet-anh-n.-lan-.jpg
Một góc thành phố Phan Thiết

Thành quả nêu trên phần nào cho thấy trong sức ì đang lan dần trong hệ thống công vụ cũng có những công chức năng động, quyết liệt. Nhưng vì sao sức ì công chức, viên chức lan ra, bất chấp đã có cảnh báo, nhắc nhở từ lãnh đạo tỉnh trong các cuộc họp suốt từ năm 2022 đến nay? Không bàn những cán bộ, công chức, viên chức chưa đủ trình đảm đương công việc, lẽ nào lực lượng trí thức ấy không còn chút tự trọng cuối, khi không làm mà lại nhận lương hàng tháng và cả cố tình kìm hãm sự phát triển chung?

giao-thong-duong-thuy-o-binh-thuan-anh-n.-lan-.jpg
Giao thông đường thủy ở Bình Thuận

Đó là điểm nghẽn không chỉ ở Bình Thuận và nửa đầu nhiệm kỳ này đã diễn ra nhiều. Ở góc nhìn rõ nhất qua lăng kính khách quan từ những vụ việc cụ thể xảy ra tại tỉnh mà Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đã có ý kiến tại nghị trường không chỉ một lần về vấn đề an tâm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Vào tháng 10/2022, trong kỳ họp thứ 4, ông Thông nêu điểm nghẽn từ con người: “Thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo không dám làm việc vì nếu làm thì sợ sai. Có cán bộ tâm sự rằng “Thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”.

Đồng thời cũng nêu 2 nguyên nhân chính của vấn nạn: “Một là chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật của ta. Đối với vấn đề này thì áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì viện dẫn pháp luật khác thì lại sai, áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác lại thì sai mà một trong những quy định đó là xác định giá đất và phương pháp xác định giá đất được quy định tại Thông tư 36 ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hai là cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 nhưng chủ trương đúng đắn trên chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ rất ngại trong quá trình công tác, họ làm cầm chừng, không dám đột phá.”

z4727139823217_de18e725ae3eb341ecee08525069c3cc.jpg
Ông Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu tại kỳ họp thứ V - Quốc hội khóa XV

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông kể rằng, kiến nghị trên đã được ghi nhận tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trước thềm bước vào kỳ họp thứ 5 diễn ra ngày 31/5/2023 với nội dung:Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ”. Ông Thông cho rằng cụm từ “và an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ” là lần đầu tiên và có thể là duy nhất từ trước đến nay trong 1 báo cáo lớn, báo cáo quan trọng của quốc gia đề cập vấn đề này. Qua đó cho thấy sự đồng cảm, chia sẻ của Thường trực Ủy ban Kinh tế về vấn đề thực thi công vụ hiện nay, nhất là ở địa phương.

“Kích hoạt” Kết luận 14

Nhưng làm thế nào để bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, theo đại biểu Thông, hiện cũng chưa rõ ràng. Như thế nào là dám nghĩ, dám làm? Ai làm chứng cho việc làm đó? Ai sẽ bảo vệ?...Nếu cụ thể ra, thể chế hóa kết luận số 14 của Bộ Chính trị cũng không đơn giản. Vì thế, theo kế hoạch thì tháng 4/2023, Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành nhưng đến nay vẫn chưa. “Đó là lý do trong kỳ họp thứ 5, tôi đề nghị Chính phủ và đồng chí Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn để chủ trương đúng đắn trên của Đảng được cụ thể hoá bằng các quy định pháp luật và thực sự đi vào cuộc sống.”- Ông Thông nói.

Có thể ví, sự bảo vệ đó như là 1 loại vắc xin giúp cán bộ, công chức, viên chức Bình Thuận, nơi có một số cán bộ bị xử lý hình sự vừa qua, mạnh dạn, linh hoạt hơn trong thực thi nhiệm vụ thời gian tới, khi mà thực tế cho thấy có những tình huống phải giải quyết chưa có hoặc chưa được quy định đầy đủ trong luật.

cang-bien-van-tai-phan-thiet-anh-n.-lan-.jpg
Cảng vận tải Phan Thiết

Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020- 2025, có các tham luận phân tích tình hình, nguyên nhân và hiến kế giải pháp để gỡ điểm nghẽn trong tinh thần thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, cho thấy, mấu chốt của mọi vấn đề phát triển quyết định vẫn là con người.

Trong thời gian giữa cuối của nhiệm kỳ, các điều kiện cho phát triển đã hội tụ về như Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; như cảng hàng không Phan Thiết (hạng mục hàng không dân dụng) và cảng tổng hợp Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân sẽ được khởi công vào đầu năm 2024, giúp kết nối đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không…Nhưng nếu lực lượng cán bộ, công chức, viên chức không nắm bắt, phát huy kịp thì cũng khó đạt kết quả như dự đoán.

khu-cong-nghiep-son-my-1-anh-n.-lan-.jpg
Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Hàm Tân
duong-giao-thong-ven-bien-hoa-thang-hoa-phu-anh-n.-lan-.jpg
Đường giao thông ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú

Nhất là hiện tại, Bình Thuận đang có gần 50 dự án, trong đó có cả các khu công nghiệp lớn đang chờ hướng dẫn tính giá đất cụ thể. Nếu phối hợp giải quyết nhanh, sau khi Nghị định 44/CP, Thông tư 36/BTNMT sửa đổi xong, các dự án đi vào hoạt động sẽ tạo sức bật và cũng là cơ sở để tiếp tục thu hút đầu tư. Mà theo mục tiêu và giải pháp đặt ra trong thời gian 2 năm tới là có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn các dự án thể hiện rõ yếu tố “xanh, bền vững”

tiem-nang-phat-trien-kinh-te-ven-bien-cua-binh-thuan-anh-n.-lan-2-.jpg
Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ven biển 
tiem-nang-phat-trien-kinh-te-ven-bien-cua-binh-thuan-anh-n.-lan-1-.jpg
Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ven biển 
tiem-nang-phat-trien-kinh-te-ven-bien-cua-binh-thuan-anh-n.-lan-3-.jpg
Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế vùng nông thôn, miền núi 

Và cụ thể là sự về đích của các chỉ tiêu đang có kết quả chưa cao như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP), thu ngân sách nội địa, mức tăng thu nhập bình quân đầu người…Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An lo lắng rằng chỉ còn hơn 2 năm nữa là hết nhiệm kỳ nên nếu không quyết tâm thì khó đạt được các chỉ tiêu đặt ra. Trong khi đó, 2 điểm nghẽn về giao thông, về titan đã được tháo gỡ phần lớn, 3 trụ cột kinh tế đã và đang kiên trì phát triển như kiềng 3 chân, theo đúng phương châm hành động "Đoàn kết- Dân chủ - Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển" mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Thế nhưng, hiện vẫn còn các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức biết sự việc đó đúng rồi mà cũng không giải quyết. Cứ thế, đùn đẩy, né tránh, bàn lùi, che chắn và phòng thủ cho bản thân. Vì vậy, làm cản trở sự phát triển của tỉnh, gây bức xúc cho doanh nghiệp, nhân dân.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, thời gian tới, trong từng nhiệm vụ, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy rất quan trọng nên phải thường xuyên nhắc nhở, đốc thúc đảng viên, hạ mức thấp nhất sai phạm, vi phạm trong đảng viên. Trong những trường hợp cần thiết thì tỉnh sẽ kích hoạt Kết luận 14 của Bộ Chính trị để bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức. Tất cả chung sức để phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng Bình Thuận trở thành một cực tăng trưởng mới, một nơi đáng sống, an toàn cho du khách, nhà đầu tư.

Bài 1: Thời điểm rõ ràng được - mất

Bài 2: Cuộc dịch chuyển sang “xanh”

Bài 4: Phải đan cài "nhanh" trong "xanh, bền vững"

Bích Nghị