Theo dõi trên

Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Bình Thuận hướng đến “xanh, nhanh, bền vững”. Bài 1

26/09/2023, 10:59

Khi xây dựng dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 -2025, Đảng bộ Bình Thuận chưa tiên liệu được dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, chiến tranh Nga – Ucraina xuất hiện.

Sau hai năm rưỡi thực hiện, kết quả mang lại đã phân hóa rất rõ  được – mất, điểm mạnh, điểm yếu và nhất là yếu tố xanh trong phát triển, vốn ban đầu có đề cập nhưng được ẩn trong yếu tố bền vững. Khi Thủ tướng Chính phủ gợi mở thì việc thực hiện yếu tố xanh ấy của Bình Thuận rõ nét hơn, được bật ra, xếp ở vị trí đầu trong "Xanh, nhanh, bền vững".

Bài 1: Thời điểm rõ ràng được - mất

Đột phá từ dịch vụ

Những ngày đầu tháng 9, du khách vẫn đổ về các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, bất chấp có lúc trời mưa ẩm ướt và đã kết mùa du lịch hè. Sức hút đó, ai cũng thấy từ khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết rồi Phan Thiết – Vĩnh Hảo đi vào hoạt động, lượng khách đến tỉnh tăng mang tính đột phá, kéo các hoạt động, dịch vụ liên quan cũng tăng vọt theo suốt từ 30/4 đến nay. Trong thời gian này, các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” diễn ra đã làm sôi động hơn, hấp dẫn hơn của một điểm đến trên bản đồ du lịch. Cộng thêm tại khu đô thị du lịch phức hợp NovaWorld Phan Thiết khai trương công viên nước Wonderland Water Park nên khách nhiều nơi cũng tìm về khám phá. Nhờ vậy, đến ngày 20/9, Cục Thống kê Bình Thuận thông tin đã có 6,98 triệu lượt khách đến tỉnh tham quan, vui chơi, vượt kế hoạch năm 3,93%, trong đó khách quốc tế tăng 3,95 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

cao-toc-phan-thiet-dau-giay-anh-n.-lan-1-.jpg
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết
c0165t01.jpg
Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023-  "Bình Thuận hội tụ xanh"
_lan4661(1).jpg
Công viên nước Wonderland Water Park ở Tiến Thành, TP.Phan Thiết

Còn 3 tháng nữa mới kết năm 2023 cũng là thời gian của mùa khách nước ngoài tránh đông tại các vùng du lịch nổi tiếng của Bình Thuận, cùng nhiều ngày kỷ niệm, sự kiện, lễ, tết nên hứa hẹn lượng khách đến vượt xa con số kế hoạch năm 6,7 triệu lượt. Theo đó, doanh thu cũng sẽ tăng vọt, khi 9 tháng qua, doanh thu từ hoạt động du lịch đã đạt 17.676 tỷ đồng, tăng đến 92,31% so với cùng kỳ khiến các doanh thu khác có liên quan cũng tăng cao theo. Nổi lên là doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa, cùng các ngành dịch vụ nên đã đưa lĩnh vực dịch vụ ở vị trí tiên phong trong tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP).

lan_1239.jpg
Nhiều du khách đến với bãi biển Đá Ông Địa, Phan Thiết
lan_1817(1).jpg
Du khách tắm biển ở Phan Thiết

Báo cáo của Cục thống kê Bình Thuận cho thấy, ở quý I/2023 trong bối cảnh chung còn ảnh hưởng sau dịch, chính những tỉnh, thành có phát triển du lịch đều có mức tăng GRDP cao hơn những tỉnh, thành chuyên về công nghiệp. Trong đó, GRDP của Bình Thuận có mức tăng đứng thứ 2 cả nước với 9,86%, phần lớn nhờ từ dịch vụ mà bao trùm là du lịch. Sang quý II/2023, khi những thuận lợi hội tụ về là có cao tốc, du lịch hè, sự kiện Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, du lịch đón lượng khách tăng đột biến, thì dịch vụ tiếp tục ở vị trí dẫn đầu. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2023, GRDP ở tỉnh ghi nhận nhờ dịch vụ tăng 13,64%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,69% và công nghiệp, xây dựng tăng 6,03% đã tạo ra mức tăng GRDP 7,76% so cùng kỳ năm trước. Con số biết nói này đưa Bình Thuận xếp đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố, thứ 3/14 các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam bộ. Đồng thời cũng từ kết quả này đã cải thiện GRDP của nửa nhiệm kỳ đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 -2025 trong bối cảnh bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh với mức tăng 5,76%.

untitled-1.jpg

Gỡ 2/3 điểm nghẽn

Qua mức tăng 5,76% cho thấy những triển vọng xuất hiện, cùng trở ngại bất ngờ và khó khăn đã tích tụ rõ hơn điểm nghẽn. Tình hình phát triển của hai năm rưỡi qua ghi nhận, nếu tăng trưởng từ dịch vụ nổi bật đại diện cho trụ cột du lịch; trồng trọt, chăn nuôi ổn định góp mức tăng cho trụ cột nông nghiệp thì ngành sản xuất và phân phối điện đã quyết định cho mức tăng trong trụ cột công nghiệp tại tỉnh. Một thực tế cho thấy, Bình Thuận cũng không ngoại lệ trong bức tranh chung ảm đạm của công nghiệp chế biến, chế tạo, khi hàng loạt công ty, doanh nghiệp hoạt động trên mọi lĩnh vực tại tỉnh đã và đang đứng trước cảnh đứt hàng, không có đơn hàng cho sản xuất. Gần nhất như 8 tháng qua, bị sụt giảm 0,62% mức tăng so năm ngoái, công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 vốn dĩ đã kết thúc và bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất theo hiệu ứng domino từ cuộc chiến tranh tưởng chừng không liên quan là Nga và Ucraina.

c0411t01(1).jpg
Sản xuất đồ gỗ gia dụng xuất khẩu 

Không chỉ ảnh hưởng xuất khẩu, Bình Thuận còn bị ảnh hưởng đến khách du lịch, khi lâu nay có riêng hẳn một thị trường dành cho khách Nga. Trong khi 2 sự kiện lớn ấy liên tiếp gây khó khăn lên nền kinh tế thì Bình Thuận còn bị bồi tiếp từ những vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ tại tỉnh. Biến cố đó đã làm trầm trọng hơn 1 điểm nghẽn mà trong hội nghị vào đầu năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An có nhấn mạnh ở tỉnh hiện có 3 điểm nghẽn. Đó là 2 điểm nghẽn đã lâu về giao thông, về chồng lấn titan và 1 điểm nghẽn mới xuất hiện từ con người, tức từ cán bộ.

new-image-2(1).jpg
Khách Nga nghỉ dưỡng tại Mũi Né - Phan thiết

Với 2 điểm nghẽn cản trở kinh tế của tỉnh kéo dài nhiều năm trên, trong chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XIV thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tại phần những nhiệm vụ trọng tâm và các bước đột phá có triển khai các bước thực hiện. Cụ thể như đề xuất Chính phủ xem xét, sớm ban hành nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt. Bên cạnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên trong nhiệm kỳ, trong đó kiên trì phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chồng lấn các quy hoạch, nhất là quy hoạch titan; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình do Trung ương đầu tư và hỗ trợ đầu tư, nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Sân bay Phan Thiết, các tuyến đường ven biển...

Kết quả, sau hai năm rưỡi, 2 điểm nghẽn trên đã cơ bản được tháo gỡ. Đó là Nghị định 51/2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã ban hành vào tháng 4/2021. Cởi mở hơn nữa từ Tờ trình 86/2022 về việc trình phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã giúp Bình Thuận có thêm không gian cho phát triển kinh tế. Rồi sự xuất hiện của cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo kéo dài khoảng 200 km đã tạo ra hiệu quả rõ của “nhất cự ly”. Cuộc tháo gỡ 2 điểm nghẽn còn tiếp tục nhưng trước mắt đã tạo ra làn gió mới trong phát triển, thu hút đầu tư với tầm vóc được phác thảo về một cực phát triển mới trong vùng mang tên Bình Thuận. Trước đó, từ những tín hiệu sẽ trỗi dậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về làm việc với Bình Thuận vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022), đã gợi mở rằng với những tiềm năng, thuận lợi hiện có cần huy động mọi nguồn lực phát triển tỉnh Bình Thuận theo hướng: "Xanh, nhanh, bền vững".

Ngoài Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy (khóa XIV) còn ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề có thời gian thực hiện đến 2025, định hướng 2030, để phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ. Cụ thể, trong năm 2021 ban hành 4 nghị quyết về phát triển công nghiệp (Nghị quyết số 09); về phát triển du lịch (Nghị quyết số 06), về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao (Nghị quyết số 05), về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 08); trong năm 2022 ban hành 2 nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận (Nghị quyết số 10), về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận (Nghị quyết số 12).

Bài 2: Cuộc dịch chuyển sang “xanh”

Bài 3: “Vắc xin” An tâm từ Kết luận 14

Bài 4: Phải đan cài "nhanh" trong "xanh, bền vững"

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận: Không để “thẻ vàng” trở thành điểm nghẽn. Bài 1
BTO-Năm 2017 là 1 năm đáng nhớ của Việt Nam, khi Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Gần 6 năm trôi qua với rất nhiều nỗ lực, quyết tâm của bộ, ngành từ trung ương đến địa phương nhằm khắc phục những khuyến nghị của EC, ngành thủy sản của Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung đã có những chuyển mình tích cực.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Bình Thuận hướng đến “xanh, nhanh, bền vững”. Bài 1