Xây dựng đô thị Phan Thiết thông minh, hiện đại. Bài 2

Xã hội - Ngày đăng : 05:19, 28/05/2024

Bài 2: Quan tâm để thành phố xanh, sạch hơn

Quá trình xây dựng đô thị thông minh để phát triển bền vững vẫn còn những bất cập, nhất là vấn đề môi trường, cần các cấp, ngành, cả người dân quan tâm, chung tay tháo gỡ.

z5397751400349_897f5cc578b0cc0f66c07f7cff0acbac.jpg
Một góc Mũi Né, Phan Thiết.

Môi trường còn ô nhiễm

Trên thực tế mức độ hài lòng của du khách khi đến tham quan thành phố chưa cao vì môi trường còn nhếch nhác, nhất là khu vực dân cư ven biển. Ông Nguyễn Văn Trung - tài xế đang làm việc cho một công ty lữ hành, thường xuyên chở khách tham quan du lịch từ TP. HCM ra Phan Thiết chia sẻ, nhiều du khách sau khi tham quan, tắm biển ở Phan Thiết, lên xe trở về TP. HCM phàn nàn môi trường biển của Phan Thiết chưa sạch. Nhất là khu vực dân cư ven biển, bến tàu Cảng vận tải Phan Thiết khi thủy triều rút lộ thiên rác. Họ cũng phàn nàn nhiều về vấn đề khác, trong đó có bò thả rông phóng uế ở trong khu du lịch.

20240518_165033.jpg
Môi trường luôn được quan tâm vệ sinh nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức.

Điều này là có, vì không phải du khách hôm nay phản ánh mà người dân, doanh nghiệp du lịch đang sống và hoạt động ở thành phố cũng đã phản ánh. Bà Vân Anh - chủ một khu nghỉ dưỡng ở khu phố Long Sơn, phường Mũi Né không ít lần kiến nghị với UBND phường Mũi Né về tình trạng rác thải và bò thả rông gây ô nhiễm môi trường không chỉ trong khu dân cư mà còn bãi biển. “Không riêng gì tôi mà còn nhiều người khác bức xúc việc bò thả rông trong khu du lịch. Chúng phá phách, phóng uế gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông… Tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương xử lý với mong muốn Long Sơn nói riêng, Mũi Né nói chung sạch đẹp văn minh, thu hút nhiều du khách hơn để cuộc sống người dân tốt hơn nhờ du lịch”, bà Vân Anh nói.

Trước đó, người dân ở các phường, xã khác cũng phản ánh tình trạng bò thả rông trên các tuyến đường trong lòng thành phố. Gần đây nhất vào đầu năm nay bà T.C ở TP. HCM cùng gia đình đi dự đám cưới của người thân ở phường Đức Long. Khi bà vừa xuống xe và chuẩn bị bước vào vị trí đón khách của tiệc cưới thì bị một con bò thả rông gần đó lao đến húc bà. Ông Vũ Huy - một công dân thành phố bức xúc liệt kê, các phường vẫn còn tình trạng nuôi bò thả rông là Đức Long, Phú Tài, Phú Trinh, Mũi Né… gây mất vệ sinh, mỹ quan, giảm giá trị “xanh” của thành phố. Điều này cùng với rác sinh hoạt thải ra môi trường, nếu không có biện pháp xử lý dứt điểm, sẽ khó níu chân khách đến lần 2, lần 3.

Địa phương than khó

Với ô nhiễm môi trường mất mỹ quan, các xã, phường giải quyết bằng cách nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân ý thức, bỏ rác đúng nơi quy định. Nhưng việc chăn nuôi gia súc, trong đó có bò thả rông rất khó xử lý vì liên quan chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm của UBND tỉnh: Phan Thiết được giao tổng đàn bò 1.700 con, heo 6.000 con. Năm 2024 cũng tương tự, số heo, bò này thành phố phân giao cho các phường, xã, trong đó phường Hàm Tiến 50 con bò, với 600 con heo; Mũi Né 100 con bò và 750 con heo; phường Xuân An 50 con bò, 140 con heo, trong khi xã Tiến Thành 50 con bò, 100 con heo…

Các phường, xã được giao chỉ tiêu

Nhiều xã, phường đang không biết giải quyết chỉ tiêu heo, bò như thế nào cho hợp lý, nhất là các phường trọng điểm du lịch và trong lòng thành phố vốn không còn nhiều quỹ đất chăn nuôi. Chủ tịch UBND một phường ngậm ngùi chia sẻ, trên địa bàn phường hiện nay không còn quỹ đất để chăn nuôi, nếu có còn cũng không dám khuyến khích người dân chăn nuôi vì gây ô nhiễm môi trường. Trước đây có một số hộ chăn nuôi bò, trong số họ có người gửi đi nơi khác, hiện nay không còn ai nuôi. Chúng tôi đã kiến nghị thành phố không nên giao chỉ tiêu phát triển đàn gia súc cho địa phương, nhưng hàng năm vẫn cứ giao… Vì thấy không ảnh hưởng gì, nên cuối năm chúng tôi vẫn báo cáo thành phố hoàn thành chỉ tiêu mặc dù không đạt.

Trong khi, phường Mũi Né hiện có khoảng 100 con bò, số bò này đạt chỉ tiêu theo kế hoạch được giao. Song, địa phương đang không biết xử lý thế nào khi người dân, du khách bức xúc phản ánh vì bò gây tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Ông Bùi Văn Lâm - Chủ tịch UBND phường Mũi Né cho biết: Chỉ tiêu thành phố giao thì phường phải thực hiện nếu không thì không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện chúng tôi khuyến khích người dân nuôi nhốt trong chuồng, nhưng nuôi nhốt thì bò hạn chế sinh sản nên người dân vẫn thả rông, rất khó quản lý.

Cần sự quan tâm, chung tay

Sở Nông nghiệp & PTNT thông tin, việc giao chỉ tiêu chăn nuôi gia súc, trong đó có trâu, bò cho các địa phương, căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó quỹ đất nông nghiệp. Thành phố Phan Thiết vẫn còn quỹ đất nông nghiệp nên được phân giao.

Tuy vậy, quỹ đất này nằm rải rác ở các xã, phường, thực tế đã bị người dân lấn chiếm xây dựng nhà ở trái phép hoặc mượn đất hoạt động khi nào nhà nước lấy thì trả. Thành phố ngày càng đông đúc, phát triển theo hướng hiện đại, nếu cứ giao chỉ tiêu chăn nuôi gia súc cho thành phố thì lợi bất cập hại trong xây dựng đô thị thông minh.

Theo đó rất cần sự quan tâm, chung tay chia sẻ của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là người dân ý thức hơn nữa giữ vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, ngành chức năng hạn chế giao gia súc bao gồm bò cho thành phố vì không còn phù hợp với xu hướng xây dựng và phát triển đô thị “xanh”, thông minh, hiện đại của thành phố.

Bài 1: Dáng dấp đô thị đáng sống

Ninh Chinh