Theo dõi trên

Xây dựng đô thị Phan Thiết thông minh, hiện đại. Bài 1

26/05/2024, 22:16

Phan Thiết - điểm đến nổi tiếng với du khách trong, ngoài nước đang nỗ lực xây dựng đô thị thông minh, hiện đại như nhiều thành phố khác trong cả nước. Tuy vậy còn nhiều bất cập, nhất là vấn đề môi trường, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành.

Bài 1: Dáng dấp đô thị đáng sống

Nổi tiếng với cảnh quan đẹp, được nhiều người trong và ngoài nước yêu mến, Phan Thiết đang nỗ lực xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

28168661_2003703609883719_1658912974628289789_n.jpg
Một góc bãi Đá Ông Địa - điểm đến nhiều du khách yêu thích.

“Thỏi nam châm”

Phan Thiết nằm bên bờ Biển Đông, có 18 phường, xã trong đó có 2 phường trọng điểm du lịch là Hàm Tiến và Mũi Né. Phan Thiết là một trong những thành phố đáng sống của Việt Nam bởi không chỉ cảnh quan thiên nhiên đẹp mà khí hậu ấm áp quanh năm. Chính vì thế, nhiều người ở vùng, miền, các quốc gia, lãnh thổ có mùa đông giá lạnh như miền Bắc hoặc xa hơn nữa là châu Âu, thích đến nghỉ dưỡng, sinh sống, học tập, làm việc. Trong đó có không ít người đã mua nhà định cư hoặc đầu tư nhà ở kết hợp kinh doanh du lịch ở Hàm Tiến, Mũi Né. Bà Ngọc Vân - công dân Hà thành là một trong số người đang sống ở Mũi Né cho biết, đã đi khắp nơi nhưng không đâu bà thích bằng Phan Thiết, nên quyết định mua nhà định cư ở đây.

Với ông bà Peter và Anna, quốc tịch Thụy Sĩ xem Mũi Né như là ngôi nhà thứ hai. Ông bà nói, mỗi năm vào cuối thu chuẩn bị sang đông, ông bà lại gói ghém tư trang trở về Mũi Né, ngoại trừ những năm dịch Covid-19 cách ly không thể về. Nơi ông bà ở từ tháng 10 năm này đến tháng 4 năm sau tại khu nghỉ mát Seahorse ở phường Hàm Tiến. Ông bà cũng là trong số rất nhiều du khách ở châu Âu thích về đây nghỉ dưỡng ngắm cảnh quan, khám phá vẻ đẹp thành phố, tránh cái giá lạnh mùa đông ở quê nhà. Kỳ nghỉ của họ thường kéo dài hết mùa đông, nhất là những người cao tuổi.

28167649_2003703773217036_6607560026280464598_n.jpg
Bãi biển Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Còn mùa hè chủ yếu là khách Việt, nhưng vài năm gần đây, kể từ sau đại dịch Covid-19 đã có sự thay đổi, khách quốc tế giảm hơn so với trước đây vì ảnh hưởng dịch bệnh và xung đột ở một số khu vực trên thế giới. Dù vậy, Phan Thiết vẫn như thỏi nam châm hút khách, nhất là cuối năm và dịp hè. Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Phan Thiết, chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán 2024, lượng khách đến Phan Thiết tham quan và nghỉ dưỡng khoảng 95.000 lượt khách, trong đó khu vực Hàm Tiến - Mũi Né chiếm khoảng 32.000 lượt khách, tăng 15%. Trước đó, năm 2023 lượng khách đến hơn 6 triệu lượt, tăng 20%. Trong đó khách nước ngoài khoảng 200.000 lượt, tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Mở rộng thành phố, chỉnh trang diện mạo

Với lợi thế ấy, thời gian qua được sự quan tâm của các cấp, ngành, nhất là cấp tỉnh, Phan Thiết nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị đáp ứng nhu cầu của đô thị loại I vào năm 2025. Đến nay diện mạo thành phố đã khác hơn trước, với hạ tầng giao thông được quy hoạch đồng bộ và mở rộng thông thoáng, các công viên, công trình đô thị được xây dựng khang trang mang lại nhiều không gian xanh sạch và mỹ quan hơn. Theo đó, thành phố sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ Đá Ông Địa đến cơ sở nghỉ dưỡng Hoàng Ngọc và đang tiếp tục đoạn còn lại; nâng cấp, sửa chữa Công viên Đồi Dương – Thương Chánh; chỉnh trang cụm Công viên Tháp nước Phan Thiết; và nhiều tuyến đường, công trình hiện đại khác… Tính đến cuối năm 2023, tổng số dự án đầu tư du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố còn hiệu lực là 200 dự án du lịch, với tổng diện tích đăng ký là 2.612,82 ha. Nhiều dự án đi vào hoạt động và đang thi công xây dựng… An ninh đảm bảo, môi trường cải cách hành chính thân thiện - đơn giản - đúng hẹn, ngày càng hiệu quả, thể hiện dáng dấp của một đô thị thông minh, hiện đại đang trên đà phát triển.

z4199440536845_3d2c2e02f4d508a2f504824513b8b027.jpg
Một góc Phan Thiết hôm nay. Ảnh Ng.Lân

Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân cho biết thực hiện Kế hoạch số 41 của UBND tỉnh về triển khai đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, xuất phát từ yêu cầu thực tế, thành phố tập trung ưu tiên phát triển đô thị thông minh thí điểm 4 lĩnh vực gồm: Chính quyền điện tử, du lịch, an ninh an toàn và quy hoạch, quản lý đô thị.

Trong buổi làm việc đầu năm 2023 với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết lãnh đạo tỉnh cũng thống nhất về chủ trương tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án mở rộng TP. Phan Thiết. Việc quy hoạch phải hướng đến mục tiêu xây dựng Phan Thiết trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, giáo dục của tỉnh và trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

TP. Phan Thiết được công nhận là đô thị loại II năm 2009, đang trong giai đoạn nâng chất các tiêu chí và hướng đến đô thị loại I vào năm 2025. Việc xây dựng thành phố thông minh mang nhiều ý nghĩa hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho người dân.

Bài 2: Quan tâm để thành phố xanh, sạch hơn

NINH CHINH


(10) Bình luận
Bài liên quan
Xây dựng đô thị thông minh để phát triển bền vững
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được một nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh (ĐTTM) Bình Thuận. Từ đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng đô thị Phan Thiết thông minh, hiện đại. Bài 1