Chăm lo từ “gốc” - Thực tiễn từ Bình Thuận. Bài 3

Xã hội - Ngày đăng : 05:05, 02/08/2024

Bài 3: “Gót chân Asin” của sự hài lòng

Nếu để người dân bị nghèo quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng xã hội. Cũng trong khuôn khổ ấy, chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính (SIPAS) còn quyết định sự văn minh, hiện đại. Thế nên, bây giờ Bình Thuận đang dồn sức...

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bất chấp những cơn mưa, thời điểm này xã đồng bào dân tộc thiểu số La Ngâu (Tánh Linh) vẫn thu hút khách du lịch tìm đến các điểm du lịch nông thôn nằm ven dòng sông Tà Mỹ thế, nhiều người dân trong xã, có thu nhập nhờ làm tại các điểm du lịch này và cả bán nông sản, gia cầm cho du khách để sinh sống chờ ngày di dời. Theo quy hoạch thủy lợi thì xã La Ngâu nằm trong vùng ngập của hồ La Ngà 3. Người dân trong xã đã được họp và nhận thông báo sẽ di dời đến khu vực kề bên thuộc xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc). Nhưng đến nay, sau nhiều năm, dự án vẫn chưa triển khai, vì Trung ương chưa quyết định xây dựng hồ La Ngà 3. Trước đó, UBND tỉnh đã thống nhất định hướng không đầu tư các công trình mới tại xã La Ngâu, chỉ sửa chữa các công trình thiết yếu nhằm tránh lãng phí đầu tư. Thế nên, đến nay việc xây dựng nông thôn mới tại xã La Ngâu chưa thể thực hiện, trong khi đó huyện Tánh Linh dự kiến đạt huyện nông thôn mới vào năm 2025. Phải đưa xã La Ngâu ra để Tánh Linh đạt được kế hoạch trên hay phải đầu tư vào La Ngâu theo hướng chỉ thực hiện các tiêu chí không cần đầu tư hạ tầng như đại biểu HĐND tỉnh đơn vị Tánh Linh kiến nghị. Hiện tại, tỉnh vẫn chưa có quyết định. Nhưng điều đáng quan tâm là thu nhập bình quân đầu người ở xã La Ngâu, ngành chức năng vẫn tính toán và năm 2023 chỉ đạt 29,580 triệu đồng, thấp nhất và có khoảng cách xa so với các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số khác trong tỉnh, khi các nơi này đều đạt khoảng 40-50 triệu đồng.

untitled_1.1.12.jpg
Du lịch dã ngoại ở suối La Ngâu
untitled_1.1.8.jpg
Du lịch dã ngoại ở suối La Ngâu. Ảnh: Ngọc Lân.

Có phải La Ngâu đang bị bỏ lại phía sau, khi mỏi mòn chờ hồ La Ngà 3 ra đời? Trong lúc phong trào thi đua: “Bình Thuận cùng cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đang diễn ra thì chuyện ở La Ngâu rất đáng suy ngẫm. Mấy năm gần đây, với nhiều chương trình, kế hoạch được tập trung triển khai như chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… đã và đang hỗ trợ người dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có cuộc sống mới. Nhưng ở góc độ nào đó, cũng xuất hiện sự ỷ lại mang tính cố hữu của người nghèo nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, nên việc tái nghèo đều có thể chực chờ xảy ra. Vì thế, có thể ví giảm nghèo bền vững là một hành trình thường xuyên và cam go.

la-ngau-tanh-linh-anh-n.-lan-.jpg
Xã La Ngâu, Tánh Linh

Trước đó, cuối năm 2021, thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Cụ thể, xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội... Song song đó, tiến hành hàng loạt các giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức; triển khai kịp thời các chính sách giảm nghèo bền vững; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo… Mục đích nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng. Kết quả giảm nghèo 2 năm qua đều đạt kế hoạch năm, đồng thời đến nay, có 86/93 xã đạt tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều, có 90/93 xã đạt tiêu chí số 9 nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới.

untitled_1.1.28.jpg
Hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hài lòng từ 90% trở lên

Trong Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 11/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến 2025, định hướng đến năm 2030, có đặt ra 12 chỉ tiêu chủ yếu cần phải đạt đến năm 2025 và năm 2030. Cụ thể như GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.600 - 4.800 USD vào năm 2025 và 7.800 - 8.000 USD vào năm 2030; tương tự thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,5 - 1,8 lần và từ 2 đến 2,5 lần; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%... Qua quan sát thì những chỉ tiêu trên có thể đạt. Nhưng trong đó, nổi lên 1 chỉ tiêu mà so với kết quả của hiện tại thấy rất cao, đó là Chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính (SIPAS) đạt từ 90% trở lên vào năm 2025 và đạt từ 95% trở lên vào năm 2030.

dsc_0460.jpg
Đền thờ Liệt sĩ huyện Tuy Phong

Thực tế, kết quả chỉ số SIPAS năm 2023 đạt 7,94/10 điểm, xếp thứ 56/63, thấp hơn chỉ số trung bình cả nước 0,35 điểm. Đó cũng là tình trạng chung với Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) khi xếp thứ 61/63 tỉnh, thành hay sự giảm 22 bậc so với năm 2022 của Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI) lùi về thứ 29/63 tỉnh, thành. Điều đáng nói là tháng 9/2021, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có Chỉ thị số 11 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó nhấn mạnh công tác cải cách hành chính của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế; một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa được quan tâm giải quyết kịp thời; tinh thần hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp, người dân của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, có biểu hiện tiêu cực. Điểm số và thứ hạng các chỉ số nhiều năm liên tục xếp thứ hạng thấp...

untitled_1.1.14.jpg
Cánh đồng bắp lai ở xã La Ngâu

Song song đó cũng vạch ra các nhiệm vụ yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. Đó là tuyên truyền để chuyển biến nhận thức, thái độ và hành động; triển khai đồng loạt các giải pháp kèm theo kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công và hàng năm, sau khi có kết quả phân tích, đánh giá, xếp loại các chỉ số trên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền khẩn trương xác định những nội dung còn hạn chế và có kế hoạch khắc phục để nâng điểm số.

dsc_0680.jpg
Trung tâm Hành chính công tỉnh

Cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh đã có kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2024 tỉnh Bình Thuận với chủ đề: “Giảm hồ sơ trễ hẹn, tăng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt”. Trong đó có nhấn mạnh: “Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu”. Đồng thời cũng yêu cầu việc đo lường, xác định chỉ số SIPAS phù hợp với Chương trình tổng thể và với yêu cầu thực tiễn.

Nhiều người nhận định chỉ số SIPAS này quyết định đến sự thành công của Nghị quyết 12. Vì sao?

Qua 4 năm (2021 - 2024), toàn tỉnh đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 44,7 tỉ đồng/24 tỉ đồng đạt tỉ lệ 186%. Từ nguồn vận động này, tỉnh đã hỗ trợ xây và sửa chữa 430 căn nhà ở cho người có công, hỗ trợ khó khăn đột xuất và thăm người có công lúc ốm đau bệnh tật, hỗ trợ xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ hàng năm tại địa phương... Dự kiến cuối năm 2024 xóa 35/35 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phấn đấu trong năm 2025 không để phát sinh hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Bài 1: Rộn ràng quanh 3 “trụ cột” kinh tế

Bài 2: Lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển

Bích Nghị - Ảnh N. Lân