Theo dõi trên

Chăm lo từ “gốc” – Thực tiễn từ Bình Thuận. Bài 2

01/08/2024, 05:04

Bài 2: Lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển

Để khơi sức mạnh to lớn trong dân, không có con đường nào khác ngoài hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế gia đình tốt nhất, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú nhất. Tất cả điều đó đều thể hiện trong hành trình xây dựng nông thôn mới...

Người dân năng động, thông minh

Có hơn 1.000 người tại xã làm công nhân tại Nhà máy Giày Nam Hà Việt Nam (Cụm công nghiệp Nam Hà – Đức Linh) với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng, bắt đầu từ tháng 9/2023, khiến năm nay Đông Hà đã có hơn 10 tỷ/năm. Cùng thời gian trên, HTX dịch vụ tổng hợp Sen Núi ra đời để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm của địa phương, cung ứng cho nhà máy, bán ra thị trường. Như bắt được đà, dịch vụ kinh doanh trên các lĩnh vực mở ra ngày một nhiều, đã tạo ra mô hình 1 gia đình có nhiều nguồn thu nhập. Nếu năm ngoái Đông Hà có thu nhập bình quân đầu người 65,736 triệu đồng, về đích xã nông thôn mới nâng cao thì năm nay, với những yếu tố hội tụ trên, lãnh đạo xã dự đoán sẽ đạt hơn 70 triệu đồng/người. Đây cũng là năm Đông Hà nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn thông minh.

dji_20231220091519_0045_d.jpg
Nhà máy Giày Nam Hà Việt Nam
lan_2660.jpg
Sản phẩm OCOP của HTX dịch vụ tổng hợp Sen Núi
lan_2670.jpg
HTX dịch vụ tổng hợp Sen Núi trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện.

Về vùng Hàm Thuận Nam, tại thôn Minh Hòa (xã Hàm Minh), nơi nức tiếng từ nhiều năm trước có xóm tỷ phú, sau nhiều bận thanh long xuống giá có lặng lẽ hơn, nhưng lúc này không khí phấn khởi tràn trên từng mái nhà biệt thự kiểu cách, đường sá ngõ xóm khang trang, thêm đầy sắc hoa. “Đợt thanh long có giá hơn 30.000 đồng/kg, xóm này có nhiều nhà trúng tiền tỷ!”- ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch UBND xã Hàm Minh nói. Đồng thời cũng dự báo năm 2024, xã Hàm Minh sẽ có thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng, đạt chuẩn thu nhập của xã nông thôn mới nâng cao. Ngồi trong khuôn viên biệt thự vườn xanh mát, nghe những hộ dân ở đây kể việc họ quyết định chọn mua đất gần tuyến kênh đu đủ; chọn trồng thanh long ruột trắng thay vì ruột đỏ, vì biết sẽ dội thị trường với thanh long Trung Quốc; cùng tinh tường trong kỹ thuật tạo ra trái chất lượng, mới hiểu chính điều đó tạo sự khác biệt, giúp họ làm giàu.

c0229t01.jpg
Vườn thanh long ở Hàm Thuận Nam
c0113t01.jpg
Nhiều ngôi biệt thự khang trang ở xã Hàm Minh
lan08313.jpg
Đường sá ngõ xóm khang trang

Trong khi đó, tại xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) ngay thời điểm này đã có khoảng 30% dân số trong xã, tương đương 350 hộ có thu nhập tiền tỷ từ trái sầu riêng. Những nông dân tỷ phú - kết quả đó là cả quá trình người dân phát hiện tính chất đất, khí hậu, trồng sầu riêng thử nghiệm rồi chuyển đổi giống mới tốt nhất như Ri6, Thái và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất VietGAP tham gia thị trường xuất khẩu chính ngạch. Chủ tịch UBND xã Đa Mi Nguyễn Anh Toàn cho biết, điểm khác biệt giúp sầu riêng Đa Mi thắng lớn mấy năm nay là nhờ giống tốt, sản xuất tốt trên vùng đất mới, khí hậu phù hợp nên cơm trái ngon khiến lúc nào cũng được mua với giá cao hơn những nơi khác. Có tiền, sự đóng góp của dân trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã thuận lợi hơn.

Đây là 3 trong rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, người dân thể hiện sự năng động, thông minh khi biết dựa vào chính sách nhà nước, vận dụng sáng tạo làm kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn, bất chấp thị trường có lúc trồi sụt, công việc có lúc này lúc kia. Qua đó, cũng thấy được sức dân, thể hiện rõ trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu ở tỉnh. Phổ biến như trong xây dựng nông thôn mới, những tiêu chí có sự chung sức, đóng góp của dân, đến cuối tháng 6/2024 toàn tỉnh có số xã đạt chuẩn rất cao. Nổi lên như tiêu chí số 2 về giao thông, đã có 89/93 xã đạt, chiếm 95,7%; tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa có 91/93 xã đạt, chiếm 97,85%...

untitled-1_1.1.6.jpg
Vườn sầu riêng ở Đa Mi
untitled_1.1.5.jpg
Chăm sóc cây sầu riêng 

Bên cạnh vật chất là tinh thần

Lý giải cho kết quả tốt như trên, vì những cơ sở vật chất đó cũng đồng thời phục vụ cho chính nhu cầu thụ hưởng của người dân. Cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, chính người dân tự xây dựng cuộc sống tinh thần theo ước muốn của mình. Rõ nhất như trên các tuyến đường xanh, sạch, đẹp, nhiều nơi dân trồng hoa hai bên, ở trên cao mắc bóng điện mặt trời, có gắn camera an ninh, khiến vào ban đêm, nhiều vùng quê trong tỉnh đẹp như đêm có hội hè yên bình. Nhờ không còn tình trạng đua xe, trộm cướp… nên việc đi đứng sinh hoạt vui chơi trong dân thoải mái, yên tâm. Đó cũng là 1 lý do khiến các thiết chế văn hóa – thể thao các cấp luôn đông đúc, khi có dịp hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, học tập hay thường xuyên hơn từ hoạt động của các nhóm dân ca, dân vũ vào đêm. Còn ban ngày thì nhất là vào sáng sớm hay chiều muộn, những thiết chế này cũng nhộn nhịp hoạt động của những câu lạc bộ dưỡng sinh, thể thao... Với 91/93 xã đạt chuẩn quy định về cơ sở vật chất văn hóa, có thể xem những thiết chế đó như trường học cho người lớn. Còn học sinh thì cũng bảo đảm việc học tập, khi đến nay đã có 92/93 xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo; có 77/93 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học.

lan08376.jpg
Một góc xóm làng ở xã nông thôn mới ở Hàm Thuận Nam.
lan08362.jpg
Hoa được trồng hai bên đường ở Hàm Minh
dsc_0896.jpg
Hoa được trồng hai bên đường ở Tân Thành

Không chỉ thế, bây giờ ai bảo nông thôn thiếu thông tin. Vì theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới cho thấy, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã được phủ sóng 3G, 4G đảm bảo cung cấp kết nối mạng mọi lúc, mọi nơi; có internet băng rộng cáp quang; mạng lưới giao dịch bưu chính được mở rộng tới cơ sở giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ... Từ đây cho thấy, thành thị hay nông thôn ở tỉnh đều đã phẳng nên người dân dù ở “hang cùng ngõ hẻm” cũng có thể nắm biết thông tin, nếu cần. Các hộ dân, hợp tác xã đã ít nhiều khai thác kênh bán hàng qua internet hiệu quả, nhất là toàn tỉnh hiện có 85 sản phẩm OCOP còn hiệu lực công nhận. Bên cạnh, các xã có tiềm năng đã chú ý giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Điều đáng chú ý khác, với sự phối hợp tổ chức của ngành tư pháp, Mặt trận và các đoàn thể, những mô hình trong hòa giải cơ sở, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em, phát triển kinh tế giúp đỡ nhau... đã tạo ra sự sẻ chia, cố kết vững chắc cộng đồng ở các vùng quê lẫn phố thị. Nhờ vậy, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt gần 95% so tổng số hộ toàn tỉnh. Bên cạnh, việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một chất lượng và người dân có ý thức bảo vệ sức khỏe hơn, khi 6 tháng qua, tỷ lệ tham gia bảo hiểm tự nguyện trong dân đạt gần 94% kế hoạch năm.

Tất cả đã thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 12: “Lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”. Nhưng đồng thời trong hành trình trên cũng bộc lộ những điểm yếu, phải nỗ lực hơn nữa mới đảm bảo trọn vẹn mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân của Nghị quyết 12.

lan_0450.jpg
Nhà máy nước sinh hoạt Sông Dinh

c0116t01.jpg
Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
c0259t01.jpg
Khai giảng năm học mới ở trường TH Hàm Cần

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 12:

“Người dân Bình Thuận có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, có việc làm, thu nhập ổn định, được thụ hưởng công bằng phúc lợi xã hội và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công. Đảm bảo nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công, người yếu thế khác; giúp hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được giữ vững và phát huy. An ninh, trật tự được bảo đảm, người dân có cuộc sống bình yên”.

Bài 1: Rộn ràng quanh 3 “trụ cột” kinh tế

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cụm công nghiệp tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
BTO-Cùng với xu thế hội nhập và phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, phát triển các cụm công nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương nhằm đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chăm lo từ “gốc” – Thực tiễn từ Bình Thuận. Bài 2