Việc khó quá, bỏ qua được không? Bài 3: Sàng lọc dự án để thu hút đầu tư chất lượng
Xã hội - Ngày đăng : 08:40, 19/08/2024
Vòng tròn vướng mắc
Hiện các quy hoạch trên địa bàn huyện Hàm Tân đều triển khai chậm, khó khăn; quy hoạch của 10 xã, thị trấn đều chưa được phê duyệt. Vì vậy, hầu hết các dự án đầu tư đều chưa thể triển khai. Riêng dự án du lịch ven biển qua 3 xã Sơn Mỹ, Tân Thắng và Thắng Hải có đến 17-18 dự án, trong đó có dự án trên 20 năm nhưng hiện chưa có dự án nào đầu tư đưa vào hoạt động đã gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, đề nghị các ngành chức năng rà soát, xem xét…
Kiến nghị trên của lãnh đạo huyện Hàm Tân trong cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trong 6 tháng đầu năm 2024 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh trong cuối tháng 6 rồi cho thấy một thực tế đáng chú ý ở vùng ven biển không chỉ ở huyện Hàm Tân mà còn ở các vùng biển khác trong tỉnh. Kề bên là thị xã La Gi rồi qua Hàm Thuận Nam, sang TP.Phan Thiết ra Bắc Bình, Tuy Phong, một dải bờ biển dài 192 km, ngoài những vùng du lịch hoạt động nhộn nhịp là những vùng đất trống, lơ thơ cây bụi, vài căn nhà cất lên để dành cùng vô số rắc rối của sự lấn chiếm đất, khi đi vào nội tình từng dự án một.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến ngày 17/7/2024, sau nhiều đợt rà soát, trên địa bàn tỉnh còn 161 dự án chưa triển khai, chiếm tỷ lệ 9,85% tổng dự án; trong đó, riêng lĩnh vực du lịch chiếm 89 dự án, đã chứng minh thực tế trên. Nhưng điều đáng chú ý, dù dự án trong lĩnh vực du lịch hay dự án trong lĩnh vực khác, đến nay chưa triển khai đều nằm trong một vòng tròn vướng mắc hay nói cách khác là những trở ngại từ các bước trong thủ tục tiến đến công đoạn triển khai xây dựng trên đất. Mà suy cho cùng nguyên nhân không chỉ xuất phát từ nhà đầu tư. Và suy cho cùng, đó là hệ quả để lại từ nhiều năm trước, khi tỉnh chưa có sự chuẩn bị đồng bộ các điều kiện khiến nhà đầu tư thật, giả đã lẫn lộn trong sự chờ đợi để thực hiện các thủ tục triển khai dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư liệt kê các nguyên nhân khách quan nổi lên dẫn đến việc triển khai dự án chậm, có dự án kéo dài 15-20 năm nay. Đó là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư bị kéo dài thời gian, do chậm xác định tính pháp lý, chính sách giá đền bù thay đổi, chủ dự án và người dân không thỏa thuận được giá đền bù; khó khăn trong việc tiếp cận hạ tầng về giao thông, điện, nước; công tác xác định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính; một số khu vực chưa có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt nên chưa có cơ sở cho các dự án lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500; một số dự án vướng khoáng sản titan; ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19…
Phải sàng lọc cho phát triển
Nhận định rõ nguyên nhân như vậy nên bên cạnh kiến nghị để UBND tỉnh đốc thúc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh khắc phục thì đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm các dự án sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quan điểm xuyên suốt của sở là dự án đầu tư nào chậm triển khai mà không có lý do chính đáng như chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, không tích cực phối hợp với địa phương để thực hiện công tác đền bù, giải tỏa hoặc triển khai xây dựng cầm chừng mang tính chất đối phó...hoặc cố tình kéo dài thì sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương chấm dứt hoạt động theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Ở góc độ khác, UBND tỉnh còn giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư ở từng địa phương để nghe báo cáo và chỉ đạo các sở, địa phương tập trung tháo gỡ, yêu cầu các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện; cho gia hạn để các chủ đầu tư tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục triển khai xây dựng. Sau khi thận trọng rà soát, xem xét, đánh giá toàn diện các nguyên nhân khiến các dự án đầu tư không hoặc chậm triển khai, ngành chức năng thực hiện xong các bước cần thiết, mới đến bước thu hồi các dự án chậm triển khai không có lý do chính đáng.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các sở ngành đi kiểm tra rà soát 292 dự án, xử phạt 124 dự án với số tiền 9,74 tỷ đồng, thu hồi 59 dự án và ra quyết định tạm ngưng 4 dự án. Quá trình này rất nhọc nhằn, vì theo Luật Đầu tư năm 2020 có những thay đổi đáng kể so với Luật đầu tư năm 2014, khi cơ quan Nhà nước quyết định chấm dứt hoạt động đối với một số dự án đầu tư do vi phạm tiến độ đầu tư. Do rất khó thực hiện, thường không đủ cơ sở pháp lý, trong khi cảm nhận thấy rõ chủ dự án không quyết tâm trong triển khai...
Điều đáng chú ý, đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, việc thu hồi dự án rắc rối hơn nhiều so với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Đó là nếu chủ dự án vi phạm tiến độ thực hiện được quy định tại văn bản chấp thuận đầu tư thì Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính. Sau đó, sở sẽ đưa dự án bị xử phạt nêu trên vào danh sách các dự án phải theo dõi tiến độ thực hiện hoặc báo cáo UBND tỉnh xem xét cho gia hạn tiến độ thực hiện. Trường hợp dự án tiếp tục vi phạm tiến độ đầu tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư. Sau khi dự án bị ngừng hoạt động, nếu nhà đầu tư không có biện pháp khắc phục điều kiện ngừng hoạt động (do vi phạm tiến độ đầu tư) thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chấm dứt hoạt động dự án.
Quy trình trên cho thấy sự bất hợp lý. Theo phân tích của Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi dự án đã bị cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng hoạt động do vi phạm tiến độ thực hiện thì không thể yêu cầu nhà đầu tư khắc phục vi phạm bằng hình thức tiếp tục cho nhà đầu tư thực hiện các hoạt động đầu tư theo tiến độ quy định. Đây là bất cập lớn phát sinh trong quá trình vận dụng quy định pháp luật về đầu tư để chấm dứt hoạt động dự án.Bên cạnh còn nhiều vướng mắc về cơ sở pháp lý, gián tiếp đã tạo kẽ hở để một số nhà đầu tư tiến hành khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước. Vì thực tế, đa số các dự án chậm triển khai đều có nguyên nhân khách quan như đã nêu trên. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng của các vụ kiện hành chính về lĩnh vực đầu tư tại tòa án liên quan đến việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
Dù các vụ việc trên đã làm phát sinh và gây tốn kém về thời gian, chi phí… ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động công vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan nhưng theo sở chức năng này vẫn phải làm để sàng lọc dự án, thúc đẩy các chủ đầu tư nỗ lực cùng tỉnh triển khai dự án, đồng thời tạo điều kiện cho những nhà đầu tư thật, có tiềm lực kinh tế vào xây dựng dự án, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục rà soát thận trọng, xem xét toàn diện các yếu tố nhằm phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư, hạn chế tối đa phát sinh các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư. Đồng thời cũng đẩy mạnh nhiều biện pháp thu hút đầu tư.
Vì sao trong cảnh khó, căn bệnh “đùn đẩy, né tránh trách nhiệm” lây lan nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư lại có thể quyết liệt tham mưu UBND tỉnh thu hồi những dự án có lý do không chính đáng đến vậy?
Từ ngày 1/1/2024 đến ngày 15/8/2024, Sở đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 28 dự án do vi phạm tiến độ đầu tư; ban hành thông báo, quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư đối với 17 dự án, ban hành quyết định ngừng hoạt động đầu tư đối với 04 dự án. Đồng thời đó, toàn tỉnh có thêm 12 dự án khởi công xây dựng, 11 dự án đi vào hoạt động; 13 dự án được cấp chủ trương đầu tư...
Bài 1: Bỏ thì thương, vương thì… có tội