Vì vậy, việc tháo gỡ cũng không thể nhanh, trong khi cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thi hành án hành chính, thu hồi dự án chậm triển khai để cải tạo môi trường đầu tư… vẫn phải tiếp tục trong dòng chảy cuộc sống nên bị dồn lại nhiều lên, gây vướng mắc cho sự phát triển. Bỏ qua “chuyện cũ” được không? Hay phải gỡ theo hướng nào, khi có những vấn đề tưởng chừng không biết phải bắt đầu từ đâu?
Bài 1: Bỏ thì thương, vương thì… có tội
Và đến hiện tại, những gì đang hiện hữu trên lĩnh vực đất đai, đó là tình trạng đất nông nghiệp có công trình nhà ở, nhà tạm... sử dụng sai mục đích thì chính quyền xem như bỏ qua việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trên thửa đất đó.
Cất nhà trên đất nông nghiệp
“Vẫn có trường hợp người dân xin tách thửa đất đối với đất nông nghiệp (đảm bảo quy định về diện tích tối thiểu), chuyển mục đích sử dụng đất (phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm), đây là nhu cầu thực sự bức xúc của người dân; nhưng khi kiểm tra hiện trạng có nhà xây dựng trên đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường trả hồ sơ do không đủ điều kiện giải quyết” – Đây là câu đều có ghi trong các biên bản khảo sát của Tổ Công tác phục vụ Đoàn giám sát theo Quyết định số 09/QĐ- HĐND ngày 8/4/2024, khi triển khai tại thị trấn Phú Long, các xã Hàm Liêm, Hàm Hiệp và Hàm Thắng (huyện Hàm Thuận Bắc). Đây cũng là những khu vực mà trong thời gian không xa nữa sẽ nhập vào thành phố Phan Thiết.
Theo thông tin từ tổ công tác trên, trong quá trình giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý sự biến động về đất đai trong giấy chứng nhận đã cấp theo Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 3/12/2020; đồng thời xem xét trực tiếp một số hồ sơ thủ tục hành chính đã và đang giải quyết thuộc các lĩnh vực trên tại các xã, thị trấn này trong tháng 6,7 vừa rồi thì ngoài hồ sơ trễ hẹn còn nhiều bất cập khác trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền cấp huyện, xã; trong đó, tình trạng người dân bức xúc nhà ở đã xây, cất nhà trên đất nông nghiệp xảy ra khá nhiều ở các xã giáp ranh thành phố Phan Thiết. Thật ra, những hộ dân có đơn đến chính quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi bị phát hiện ra có nhà trên đất nông nghiệp thì không nhiều so thực tế. Khi thông tin loan ra là không được phép nhưng trước nhu cầu ra riêng, cần nhà ở của con cháu và cả sức hút bởi sự xác nhập vào thành phố Phan Thiết, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất sai mục đích trên là điều đương nhiên.
Tình trạng này diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh, có nơi trên 20 năm, 15 năm, 10 năm, nhất là ở địa bàn thành phố Phan Thiết nhưng có lẽ phổ biến, tràn lan và mới nhất là ở khu vực ven đô này. Vì sao trong chừng ấy thời gian không những không khắc phục được mà còn "bành trướng" hơn, trong khi 3 năm qua, HĐND tỉnh liên tục có các đợt giám sát về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2020 tại địa bàn toàn tỉnh, kèm theo kiến nghị giải pháp cụ thể?
Đại biểu Hoàng Thanh Liêm, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, phát biểu trong cuộc họp HĐND tỉnh diễn ra giữa tháng 7 vừa qua đã nói lên được phần nào bản chất của vấn đề. Đó là mặc dù UBND tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo nhưng việc triển khai rà soát, tháo gỡ khó khăn, khắc phục những vướng mắc trong các quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn rất chậm. Vấn đề quy hoạch “treo”, chồng lấn quy hoạch tồn tại đã lâu, tạo ra nhiều bức xúc kéo dài, kiềm hãm sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chậm ban hành hoặc ban hành rồi không triển khai thực hiện được, dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích như cất nhà ở trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch…
“Tình trạng này rất phổ biến ở các xã giáp ranh thành phố Phan Thiết như Hàm Hiệp, Hàm Liêm, Hàm Thắng, Hàm Kiệm… Những khu vực này từ năm 2009 đã nằm trong quy hoạch chung thành phố Phan Thiết, đến nay đã có quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050. Người dân ở đây xin chuyển mục đích sử dụng đất thì không được, bức xúc nhu cầu làm nhà ở thì bị xử lý, tạo ra cuộc sống bấp bênh, lo âu về nhà ở. Vấn đề này không chỉ gây bức xúc kéo dài trong dân mà còn gây khó khăn trong quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, rất dễ phát sinh sai phạm tiêu cực trong quá trình xử lý…” – Ông Liêm nói.
“Bỏ qua” điều 5, Nghị định 91/2019?
Theo sau việc cất nhà trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch như trên là tình hình xử phạt vi phạm hành chính theo nhiều cách và suy cho cùng những xì xào trong dân về mối quen biết, sự chung chi… chưa bao giờ dứt. Bên cạnh những trường hợp có thể chính quyền biết họ đã có nhà ở nên bị xử phạt và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất. Còn phần lớn là phạt tiền rồi để người dân có nhà để ở và cái kết cuối là hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng không thể thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Vì thế, dân bức xúc vì nhu cầu chính đáng về chỗ ở, vì không muốn sử dụng đất sai mục đích và càng không thể đập nhà đi rồi lên thổ cư và xây nhà lại. Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 91 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó tại điểm a, khoản 3, điều 5 có lối mở. Đó là “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này”.
Như vậy, UBND tỉnh được Chính phủ giao thẩm quyền quy định một nội dung tại điểm a, khoản 3, điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi pham hành chính trên lĩnh vực đất đai, nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được? Vấn đề này đã được cử tri bức xúc kiến nghị nhiều năm. Một đại biểu HĐND tỉnh cho biết, từ kỳ họp cuối năm 2021, đại biểu đã trả lời cử tri thông cảm chờ, UBND tỉnh đang chuẩn bị ban hành. Thế nhưng đến nay, quy định trên vẫn chưa ban hành và cử tri luôn nhắc. Và tại kỳ họp HĐND giữa năm này, trong báo cáo trả lời chất vấn của UBND tỉnh ban hành ngày 10/7/2024 trả lời rằng, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 91/2019. Rằng trong dự thảo ấy, không giao thẩm quyền cho UBND tỉnh ban hành nữa.
Nghe nói, Quy định mức độ khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại khoản 3, điều 5, Nghị định 91/2019 đã được các ngành liên quan xây dựng nhưng đến khi chuẩn bị ban hành thì tiếp đó, nghị định thay thế chớm ra đời. Đến bây giờ, thì không cần ban hành nữa nhưng quyền lợi của dân đã bị bỏ lỡ trong 6 năm !?
Ở diễn biến khác, trước đó, vào tháng 2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo thực hiện Kết luận số 682-KL/TU ngày 27/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm. Qua đó thống nhất kết luận: “Thời gian qua, công tác lập quy hoạch, điều chỉnh, quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh, nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các dự án, khu dân cư còn kéo dài nhiều năm chưa triển khai đầu tư. Việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại các khu vực quy hoạch còn hạn chế, tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép, không phép xảy ra ở nhiều nơi, nhất là trên địa bàn thành phố Phan Thiết, gây bức xúc trong nhân dân. Từ thực trạng trên, việc tăng cường rà soát, tháo gỡ, khắc phục các quy hoạch “treo” như nêu trên là rất cần thiết”.
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất nội dung đề xuất tại Công văn số 17- CV/BCSĐ của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, để nghiên cứu, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp. Trong đó, quan tâm bố trí đất quy hoạch xây dựng các công trình công cộng (công viên, cây xanh, khu vui chơi,…), đất thương mại dịch vụ, đất ở đối với những vị trí phù hợp, tạo dư địa để phát triển lâu dài.
Vậy việc xử lý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, bỏ qua hay tháo gỡ theo hướng nào?
Bài 2: Khi doanh nghiệp, người dân thắng kiện