Theo dõi trên

Lúa mẹ - “hạt ngọc” của trời!

16/08/2024, 05:05

Theo cảm nhận của đồng bào vùng cao, lúa mẹ có rất nhiều chất dinh dưỡng, thơm ngon, có vị béo. Ngon nhất khi dùng nấu cháo, đặc biệt rất tốt cho người già đang ốm… Như lời của chủ vườn thì “chỉ cần hàng xóm nấu cháo bằng lúa mẹ thì nhà kế bên đã nghe mùi thơm nức khó cưỡng”.

Nét truyền thống của đồng bào vùng cao

Đang là mùa mưa, nên từng mảnh đất ở vùng núi cao Phan Sơn, Phan Lâm (huyện Bắc Bình) phủ mảng xanh tươi tốt của các loại cây cối. Tại khu vườn rộng rãi của gia đình anh Mang Khánh (thôn Tà Moon, xã Phan Sơn) có nhiều loại cây trồng như cỏ voi, bắp, chuối, nhất là sự xuất hiện của màu xanh mướt của đám lúa mẹ đã gieo được hơn 1 tháng nay.

46031bef9cdf388161ce.jpg
Anh Mang Khánh chăm sóc lúa mẹ trong vườn.

Anh Mang Khánh dẫn tôi ra khu vườn rộng rãi với nhiều loại cây trồng. Anh chỉ cho tôi thấy khoảnh vườn tầm hơn 20 m2 trồng lúa mẹ, xanh um đã hơn 1 tháng. Anh Khánh chia sẻ rằng, đã mấy chục năm nay gia đình anh vẫn giữ truyền thống trồng lúa mẹ, bởi nó được ví như “hạt ngọc” của trời. Hàng năm, thường vào tháng 6 dương lịch, khi mùa mưa bắt đầu, cũng là thời điểm bà con làm đất, gieo hạt. Giống lúa mẹ được đồng bào trồng bằng cách trỉa mầm, dựa vào nước trời và không phun xịt thuốc bảo vệ thực vật.

b5f7eae46cd4c88a91c5.jpg
Cây lúa xanh tốt vào mùa mưa.

Anh Khánh kể, trước đây mỗi nhà đều sản xuất từ 2 - 3 sào lúa mẹ, nhưng đến thời điểm này, hầu như nhà nào cũng thu hẹp diện tích, chỉ trồng đủ dùng. Đợi đến tháng 11, 12, lúa mới cho thu hoạch, cũng là thời điểm Tết Đầu lúa của đồng bào người Raglay, K’ho tại địa phương. Theo chia sẻ của chủ vườn, lúa mẹ rất dễ trồng, chỉ gieo và làm sạch cỏ, thi thoảng bón phân. Với diện tích ít ỏi này, dự tính sẽ thu hoạch được hơn 20 kg lúa. Sau khi mang lúa về nhà, mỗi gia đình sẽ nấu lúa mới để cúng. Đồng thời dành ra 2 - 3 kg để làm lúa giống cho mùa sau. Phần còn lại bà con dành gạo nấu cháo ăn.

Còn ông Mang Ngọc Văn (SN 1959 ở tổ tự quản số 2, xã Phan Lâm), một già làng uy tín tại địa phương chia sẻ: Mấy chục năm nay gia đình trồng lúa mẹ như một cách giữ gìn truyền thống, không thể bỏ. Ông Văn cho biết, trước đây bà con chủ yếu là trồng lúa rẫy, bao gồm nhiều loại lúa nhưng chỉ cúng lúa mẹ. Trải qua thăng trầm của thời gian, diện tích trồng lúa mẹ tại vùng cao Phan Lâm, Phan Sơn đã giảm đi nhiều, nhưng bà con vẫn luôn gìn giữ để bảo tồn truyền thống tốt đẹp này.

Biên tập âm thanh. Ngọc Lân

Bảo tồn giá trị

Ông K’ Bảy – Chủ tịch UBND xã Phan Sơn chia sẻ: Qua rà soát lại trên địa bàn xã Phan Sơn hiện có khoảng 20 hộ dân trồng lúa mẹ. Trong đó, hộ trồng nhiều nhất khoảng nửa sào, hộ ít nhất là 20 m2. Ông Bảy cho biết, hiện nay địa phương vẫn tuyên truyền cho bà con bảo tồn việc trồng lúa mẹ để giữ gìn phong tục.

aa73a524611bc5459c0a.jpg
Đồng bào thu hoạch lúa mẹ.
bcb4b1ea74d5d08b89c4.jpg
Giã lúa.

Riêng để định hướng thành sản phẩm đặc thù của địa phương, Chủ tịch UBND xã Phan Sơn cho rằng rất khó vì cây lúa mẹ thời gian sinh trưởng dài, chăm sóc, dọn cỏ đều bằng tay, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên lúa mẹ được coi là một loại nông sản sạch, chất lượng cao, thơm ngon. Đặc biệt là hạt gạo của lúa mẹ nấu cháo rất ngon. Bà con khi thu hoạch, nếu dư sẽ để lại bán cho những hộ khác làm giống, cúng, với giá khá cao, khoảng 30.000 đồng/kg.

285618466975cd2b9464.jpg
Giã lúa mẹ trong dịp Tết Đầu lúa.

Theo tìm hiểu tại 2 xã vùng cao Phan Lâm, Phan Sơn, được biết giống lúa mẹ được đồng bào dân tộc Raglai và K’ho rất quý. Lúa mẹ khi nấu cơm, hạt gạo sẽ nở to, xốp, có vị ngọt, thơm. Giống lúa mẹ có sức sống rất mạnh mẽ và hạt gạo có màu trắng sữa đặc trưng và khác biệt với các giống lúa khác. Tuy vậy, hiện nay chỉ có một số ít hộ đồng bào còn gieo trồng lúa mẹ trên diện tích nhỏ. Đây cũng là lý do dẫn đến sự thoái hóa nguồn gen, làm cho năng suất và chất lượng đều sụt giảm rõ rệt.

Lúa mẹ - “hạt ngọc” của trời, dù nhiều lý do khác nhau, đến nay đã dần thu hẹp diện tích sản xuất. Nhưng với đời sống của đồng bào K’ho, Raglay, lúa mẹ trồng khô trong nương rẫy, đến nay vẫn gắn liền với đời sống, tâm linh của đồng bào. Đó không chỉ phục vụ đời sống hàng ngày mà còn là một trong những phong tục văn hóa đặc sắc đã, đang và sẽ tiếp tục duy trì theo thời gian…

Được biết, ngày 7/12/2022, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn nhiệm vụ khoa học công nghệ “Phục tráng giống lúa mẹ và xây dựng mô hình canh tác hữu cơ theo chuỗi giá trị tại các xã miền núi tỉnh Bình Thuận”. Đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ là Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam. Đề tài được triển khai trong 36 tháng với mục tiêu phục tráng giống lúa mẹ và xây dựng mô hình canh tác hữu cơ theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị kinh tế của giống lúa mẹ và cải thiện đời sống người dân các xã miền núi tỉnh Bình Thuận.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giúp đồng bào Phan Sơn thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Bằng nhiều chương trình, cách làm cụ thể, công tác kết nghĩa giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh với xã vùng cao Phan Sơn (Bắc Bình) giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lúa mẹ - “hạt ngọc” của trời!