Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chuyện về những người ở Bình Thuận gặp Bác Hồ
Chính trị - Ngày đăng : 20:51, 29/08/2024
Cũng như những người gặp Bác, nữ công nhân mở đường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam thuộc Cục Công trình I, Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Thị Bích Đản không chỉ gặp Bác mà còn chụp hình kỷ niệm với Bác. Bức hình ấy, bà xem nó như là kỷ vật quý giá, gói ghém cất cẩn thận, nay cũng trao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận.
Ký ức khó quên khi chụp hình với Bác
Bà Nguyễn Thị Bích Đản, ở khu phố 10, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết. Dù nay đã 85 tuổi, nhưng trông bà Đản khỏe khoắn, lưng không còng và còn rất minh mẫn. Sau màn chào hỏi, giới thiệu, bà không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi về chuyện khó quên của lần được gặp Bác Hồ, cũng như chụp hình với Bác.
Năm 1959, sau khi thoát ly khỏi làng Kim Chân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Kim Chân, TP. Bắc Ninh, cô gái Bích Đản gia nhập C9 - Đội nữ công nhân cầu đường, sau đổi thành Đội 9 thuộc Cục Công trình I, Bộ Giao thông Vận tải. Vì tuổi thơ nghèo khó sống trong tình thương của ông bà nội, ngoại, cha mẹ tha phương cầu thực trong miền Nam. Rồi cuộc đời đưa đẩy, máy bay địch đánh phá ác liệt ở Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, đội nữ công nhân ấy phải chuyển vào Công trường 4 của Cục ở Quảng Bình đảm bảo giao thông, cụ thể là mở đường, san lấp hố bom, giặm vá đường.
Ở môi trường mới, cô cùng 120 chị em trong đội cố gắng bám cầu, bám đường không sợ đạn, bom, không bi quan, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, vì máy bay đánh bom ban ngày thì ban đêm đi làm. Với tinh thần vì nước quên thân, bà Đản cũng như các đồng đội được Đảng và Nhà nước phong tặng tập thể nữ Anh hùng Bộ Giao thông Vận tải. Ngày diễn ra Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc ở Hà Nội vào tháng 2/1967, bà Đản cùng 1 nữ đồng đội được chọn đi dự đại hội.
Ngay sau đại hội, Bác mời tất cả chị em dự đại hội vào Phủ Chủ tịch gặp Bác nói chuyện động viên. Bằng giọng Bắc Ninh nhẹ nhàng, cô gái ngày ấy giờ đã trở thành bà nhấn nhá: “Lần gặp Bác này đông quá, không thể đến gần Bác”. Nhưng đến năm 1968, Bộ Giao thông Vận tải thấy đội của bà toàn là nữ, lại sống và làm việc ở môi trường quá nguy hiểm nên chuyển vùng về làm việc ở Quảng Ninh. Sau đó diễn ra Đại hội thi đua sản xuất do Cục Công trình I tổ chức. Khi đó, Bộ Giao thông báo cáo với Bác có 1 đơn vị nữ Anh hùng mở đường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam được Đảng và Nhà nước phong tặng tập thể nữ Anh hùng mới ở Quảng Bình chuyển vùng về Quảng Ninh. Bác đề nghị Bộ chọn 10 người trong đơn vị đến gặp Bác. Bộ Giao thông thông tin đến Cục Công trình I theo yêu cầu của Bác, Cục đã chọn ra 10 người, trong đó có cô gái Bích Đản, người trực tiếp báo cáo thành tích với Bác. “Máy bay đánh bom ban ngày, chúng cháu làm ban đêm, gian khổ nhưng chúng cháu vẫn lời ca tiếng hát át tiếng bom. Bác khen: Chúng cháu giỏi quá! Đúng là phụ nữ 3 đảm đang”, bà Đản nhớ lại. Rồi bà nói tiếp, khi báo cáo xong, Bác hỏi: Các cháu có chụp hình với Bác không? Mọi người đồng thanh: Dạ, có ạ!.
Bức hình ấy bà mang theo vào Bình Thuận sau khi tổ chức luân chuyển công tác. Đến nay bức hình vẫn còn mới tinh thể hiện sự gói ghém, cất giữ cẩn thận, trân quý của bà Đản. Song, hiện bà Đản cảm nhận không còn nhiều thời gian để giữ nên đã mang tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Với nỗi nhớ kỷ niệm, 10 cô gái năm nào, gặp Bác khóc như mưa vì thấy sức khỏe Bác đã xuống.
Mãn nguyện khi tặng bảo tàng
Ngày Bảo tàng tiếp nhận bức ảnh, với cái lễ giao nhận trang trọng, bà Đản đã rất vui, yên tâm không lo ảnh bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng theo thời gian. Bà cũng như những người cùng thời quên mình vì Tổ quốc, trong đó có Đại tá Lê Hạnh Phúc, Nhạc sĩ Huy Sô, bà Lê Thị Hồng Duyên cảm thấy mãn nguyện khi trao kỷ niệm đẹp của đời mình khi gặp Bác cho Bảo tàng.
Ông Trần Minh Khoa, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận phát biểu trong lễ tiếp nhận hình ảnh về Bác Hồ chia sẻ, đây là một trong những hoạt động thường niên, có ý nghĩa quan trọng của Bảo tàng. Qua đó, Bảo tàng gửi lời tri ân đến các cá nhân đã tin tưởng, hiến tặng tài liệu, hiện vật quý cho Bảo tàng và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm rộng rãi hơn nữa trong nhân dân. Qua đó góp phần sưu tầm, lưu giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị của tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già cả cuộc đời vì nước, vì dân; vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, danh nhân văn hóa thế giới, không chỉ người dân Việt Nam mà khắp thế giới ngưỡng mộ.