Theo dõi trên

Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chuyện về những người ở Bình Thuận gặp Bác Hồ

29/08/2024, 07:53

Bài 2: Chuyện về người chiến sĩ thi đua 2 lần gặp Bác

Ở Bình Thuận cũng có nhiều người được gặp Bác Hồ. Phần lớn họ tuổi đã cao, sức yếu, có người hiện không còn sống. Song, họ đã kịp để lại những bút tích đầy ý nghĩa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận, trong đó có Đại tá quân đội Lê Hạnh Phúc.

Về thủ đô đón Bác

Mang trong mình ngọn lửa “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, năm 1953 khi chỉ mới 23 tuổi, ông Lê Hạnh Phúc (1931-2020) đã được công nhận chiến sĩ thi đua đánh  giặc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Cùng với đó là bộ quần áo lụa và huy hiệu của Bác Hồ gửi ra từ Việt Bắc tặng nhân lễ nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua. 
Tưởng vậy đã quá tự hào, nhưng không ngờ còn hơn thế, đoàn chiến sĩ thi đua của Liên Khu V đón nhận được niềm vinh dự vô bờ bến khi đầu năm 1955, lúc đơn vị đang đóng quân ở tỉnh Thanh Hóa, thì được tin Bác từ Việt Bắc về Hà Nội, các chiến sĩ thi đua của Liên khu V ngày ấy, trong đó có ông Lê Hạnh Phúc được ra Thủ đô đón Bác trở về.

Trong hồi ức gửi Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, Đại tá Lê Hạnh Phúc viết: “Hôm ấy chúng tôi chuẩn bị nhiều điều muốn nói với Bác, nhưng gặp Bác lại không nói được gì vì niềm xúc động lấn át. Bác hỏi thăm sức khỏe mọi người, tình hình quê hương của từng người bằng cử chỉ ân cần, lối nói dí dỏm, khiến chúng tôi không thể tưởng tượng vị lãnh tụ của mình lại bình dị và gần gũi với nhân dân đến vậy. Hôm sau khi chia tay Bác để lên đường về đơn vị, chúng tôi cùng các đồng đội của mình đứng bên phải Người”.

Sau đó, giặc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc và có ý định đặt tên lửa ở Quảng Trị bắn ra miền Bắc. Tổ chức cử ông Lê Hạnh Phúc dẫn một đoàn trinh sát đặc công, ngược dòng Bến Hải điều tra xem có đúng. Cũng từ đây, ông Phúc gắn bó với chiến trường Trị Thiên đánh Mỹ, rồi hoàn thành nhiệm vụ, lại trở ra miền Bắc. Năm 1967, đơn vị tổ chức đêm diễn tập đặc công tại một địa điểm ở thị xã Hà Đông. Bộ Tư lệnh có mời cấp trên đến tham dự buổi diễn tập và điều không ngờ cấp trên đó chính là Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi xem màn diễn tập, với ngụy trang khéo léo, vượt rào, vượt chướng ngại vật khi qua đồn địch, các động tác võ thuật, đánh gần… nhanh, gọn, dứt khoát Bác khen. Sau các màn diễn, Bác bắt tay các đồng chí chỉ huy đứng hàng đầu, trong đó có ông Lê Hạnh Phúc, khi ấy là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công trinh sát nhảy dù của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Hơi ấm từ bàn tay của Bác vẫn như in trong tâm trí Đại tá Lê Hạnh Phúc, cho đến mãi sau này ông viết trong bản tự sự về những lần gặp Bác gửi tặng bảo tàng.

img_20240828_062203.jpg
Đại tá Lê Hạnh Phúc thời điểm gặp Bác Hồ 
z5774926226994_b27234b8219a3d66a1ad1901fab1bec9.jpg
Đại tá Lê Hạnh Phúc để lại tự sự của mình về gặp Bác.

Đại tá Lê Hạnh Phúc - sinh năm 1931, quê quán xã Hòa Minh, Tuy Phong. Ông tham gia cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân huy chương và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Dù giờ đây ông đã mất, nhưng câu chuyện về 2 lần ông được gặp Bác Hồ sẽ mãi là niềm tự hào của gia đình và các thế hệ con, cháu của ông sau này.

Đêm diễn đặc biệt

Với nhạc sĩ Huy Sô thì kỷ niệm về lần gặp Bác là trong một chương trình biểu diễn cho Bác xem. Lần gặp ấy được nhạc sĩ Huy Sô kể rằng, vào năm 1968, Đoàn văn công Quân khu IV có 4 đội: Ca, múa, nhạc, hậu đài và ban phụ trách gồm nhạc sĩ làm trưởng đoàn. Trong một lần ra Hà Nội, nhận được lệnh của cấp trên, chuẩn bị một chương trình nhạc kịch đặc biệt phục vụ Bác. Các tiết mục đều phải được Cục Tuyên Huấn thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam duyệt và gửi vào Văn phòng Phủ Chủ tịch thông qua đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác. Khi tất cả các tiết mục được duyệt, đoàn đưa các diễn viên vào Phủ Chủ tịch, nơi sống và làm việc của Bác. Trước khi đi, ban phụ trách làm công tác tư tưởng cho toàn đoàn: “Đây là buổi biểu diễn quan trọng nhất của đoàn, đoàn được vinh dự phục vụ Bác, phải tập trung tư tưởng diễn thật tốt, không căng thẳng, tránh mọi sơ sót, trục trặc”. Trưởng đoàn còn dặn: “Riêng với nhạc công đánh trống nhẹ, không nổi hứng đánh tự do như khi đi phục vụ dã chiến, vì Bác đang ốm”.

Buổi biểu diễn bắt đầu, trưởng đoàn chăm chú nhìn Bác để qua nét mặt của Bác mà xem lại chất lượng những tiết mục của đoàn. Qua nhiều tiết mục, Bác chỉ cười vui ở tiết mục song tấu màn hề “Tổng Ngốc sa lầy”. Buổi biểu diễn kết thúc, Bác đứng dậy ngồi trên tấm thảm đỏ, đôi dép cao su đặt phía trước. Các cô diễn viên chen nhau được ngồi gần Bác. Khi đồng chí Vũ Kỳ dìu Bác về nghỉ, mọi người nhìn theo bóng Bác xa dần. Rồi đồng chí Vũ Kỳ trở lại, chuyển lời của Bác: Bác có ý kiến rằng, nội dung tiết mục rất tốt nhưng phần nghệ thuật phải cố gắng thêm. Bác gửi lời chúc sức khỏe toàn đoàn”. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhạc sĩ Huy Sô chuyển ngành về phụ trách Đoàn ca múa Thuận Hải, nay là Đoàn ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận. Suy ngẫm lời của Bác, nhạc sĩ cùng với thành viên trong đoàn đã nghiên cứu, tìm tòi học hỏi dàn dựng nhiều chương trình tiết mục đạt giải thưởng cao hơn về sau.

img_20240828_061641.jpg
Nhạc sĩ Huy Sô (trái) bên những trang ký ức về Bác.
20240821_105139.jpg
Bảo tàng cũng đang lưu giữ bản tự sự của nhạc sĩ Huy Sô về lần gặp Bác.

Nhạc sĩ Huy Sô, sinh năm 1928, người học Sáng tác và Chỉ huy dàn nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam và được cử đi tu nghiệp ở Liên Xô. Năm 1964, ông về nước phụ trách Đoàn văn công Quân khu IV, đến năm 1971, ông lại chuyển về làm biên tập chương trình phát thanh binh vận của Đài Tiếng nói Việt Nam. Về Thuận Hải, ông phụ trách Đoàn Ca múa của tỉnh nhà, sau đó làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin và Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thuận Hải.

Bài 1: Người phụ nữ hiến tặng bộ ảnh về Bác cho bảo tàng

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sự kiện Bác Hồ dạy học tại Trường Dục Thanh được đưa vào sách giáo khoa lịch sử mới
Theo lộ trình, năm học tới (2024-2025), Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng ở lớp 12. Đối với môn lịch sử, so với chương trình hiện hành (đang thực hiện năm học 2023-2024), chương trình mới có một số thay đổi quan trọng, thiết kế thành một chương riêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, sự kiện Bác Hồ đến Bình Thuận và dạy học tại Trường Dục Thanh được đưa vào sách giáo khoa.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chuyện về những người ở Bình Thuận gặp Bác Hồ