Mới đây, qua 2 đợt tập huấn giới thiệu sách giáo khoa mới, được đọc bản mẫu chúng tôi nhận thấy mỗi bộ sách có những ưu điểm nổi bật riêng. Về nội dung Bác dạy học Trường Dục Thanh mỗi bộ sách cũng có cách trình bày khác nhau. Ở trang 86 bộ sách Cánh diều viết: “Từ năm 1909, Nguyễn Tất Thành đến nhiều tỉnh phía Nam như Bình Định (1909), dạy học tại Trường Dục Thanh ở Phan Thiết (1910) rồi vào Sài Gòn (1911)”. Sách Chân trời sáng tạo trình bày rõ hơn: “Năm 1910, Nguyễn Tất Thành đi vào Phan Thiết (Bình Thuận), dạy học ở Trường Dục Thanh, được các sĩ phu duy tân tạo điều kiện tìm đường cứu nước” (trang 93).
Riêng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống trình bày một cách chi tiết, đơn vị kiến thức này được trình bày ở cả tuyến chính (kiến thức cần nắm) lẫn tuyến phụ (bổ trợ) và có cả ảnh minh họa. Ở bài “Khái quát cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh” sách viết: “Cuối tháng 8/1910, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết (Bình Thuận), dạy học tại Trường Dục Thanh. Tại đây, Nguyễn Tất Thành truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những trăn trở về vận mệnh của đất nước”. Để mở rộng, làm rõ nội dung kiến thức, ở mục Em có biết có đoạn: “Năm 1906, hưởng ứng lời kêu gọi duy tân của Phan Châu Trinh, một số chí sĩ yêu nước ở Phan Thiết thành lập Công ty Liên Thành. Một phần lợi nhuận của công ty này dùng để mở Trường Dục Thanh. Tên gọi Dục Thanh đã nói lên mục đích và ý nghĩa của trường, là nơi giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ” (trang 91).
Với việc đưa nội dung Bác Hồ dạy học tại Trường Dục Thanh vào sách giáo khoa cho thấy đây là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vùng đất Phan Thiết – Bình Thuận thật vinh dự và tự hào là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã dừng chân. Mặc dù thời gian dạy học tại Trường Dục Thanh tương đối ngắn (tháng 9/1910 - 2/1911) nhưng cũng đủ để Người tìm hiểu kỹ tình hình, trang bị thêm vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm; qua đó góp phần thôi thúc ý chí và khẳng định quyết tâm phải ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân của Bác.
Sự kiện Bác Hồ dừng chân tại Trường Dục Thanh được đưa vào sách giáo khoa lịch sử lớp 12 còn góp phần tạo điều kiện cho học sinh cả nước biết đến, hiểu thêm về ngôi trường năm xưa Bác dạy; hiểu thêm về vùng đất - con người Bình Thuận giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Đồng thời một lần nữa khẳng định giá trị của Khu Di tích Dục Thanh trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, lý tưởng sống; cũng như nâng cao ý thức cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh và các giá trị truyền thống của dân tộc nói chung.
Tại tỉnh ta, nhiều năm qua ngành giáo dục đã làm tốt công tác phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận tổ chức đưa học sinh đến tham quan và thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Nhờ vậy kiến thức lịch sử trên lớp được khắc sâu hơn, môn học trở nên gần gũi và sinh động hơn. Qua đó bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần tự hào dân tộc cho các em, cũng như góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường.