“Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Kỳ 2

Pháp luật - Ngày đăng : 05:49, 21/06/2022

Kỳ 2: Nước mắt người thân

Khi không đạt được chỉ tiêu giao, công ty sẽ yêu cầu những nhân viên gọi điện về Việt Nam kêu người nhà mang tiền sang chuộc về. Nhưng hầu hết gia đình họ đều nghèo khó, hàng trăm triệu đồng là một số tiền quá lớn nên họ đành “lực bất tòng tâm”…

Mong được chuộc con về 

Cách nhà D, nhân vật mà chúng tôi đã đề cập trong số báo trước độ vài cây số (cũng ở thị xã La Gi), bà H đang ngồi trước hiên nhìn vô thức vào xa xăm. Thấy có tiếng xe vào nhà, mặt bà H sáng lên tưởng con về. Nhưng nhận ra sự thật, bà uể oải đứng dậy mở cửa cho khách vào nhà. Trong căn nhà bà H sống cùng với 3 người con, mới thuê được cách đây vài hôm.

me-3.jpg
me-1.jpg
Bà Lai đã khóc cạn nước mắt vì thương con

Bà H vừa về nhà sau buổi làm thuê mổ cá xuyên đêm. Vợ chồng bà H đã đường ai nấy đi nhiều năm nay. Bà ở vậy một nách nuôi 4 người con. A là con út trong gia đình, năm nay vừa tròn 14 tuổi. Nhà nghèo nên A nghỉ học từ sớm. Ngày 12/4, thông qua mạng xã hội, A và bạn là T (cùng 14 tuổi) biết một người tên Thúy. Sau đó cả 2 bắt xe vào TP. Hồ Chí Minh rồi được đưa qua Campuchia làm việc. Đến ngày 13/4, A gọi điện về cho mẹ thông báo mình và bạn đang ở Campuchia. Đến ngày 29/4, A gọi điện về cho mẹ nói gửi tiền qua chuộc mình về. Công ty đưa ra giá 140 triệu đồng. Một số tiền mà nằm mơ bà H cũng chưa nghĩ tới chứ đừng nói là bà có đủ để giao cho công ty chuộc con về. “Nghe con nói vậy thì tôi biết vậy chứ họ đâu có đưa giấy tờ gì để chứng minh họ đã chi số tiền đó đâu. Mỗi lần con gọi điện về nhà hỏi mẹ có tiền chuộc con về, là lòng tôi đau quặn thắt”, bà H chia sẻ. Bà H nhớ lại, người ta yêu cầu con gái bà gọi điện báo mang tiền sang chuộc là bởi bé A không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Gia đình phải mang tiền qua chuộc nếu không con gái bà sẽ bị bán sang công ty khác để thu hồi vốn. Và sự thật đã diễn ra như vậy, đầu tháng 5, Thúy đã bán T bạn của A sang công ty khác với giá 40 triệu đồng. Còn A cũng bị bán sang một công ty khác. Và lẽ đương nhiên, số tiền bán các em sẽ phải cao hơn số tiền mà bọn xấu đã bỏ ra để đưa các em qua Campuchia làm việc.

Thương con một mình nơi xứ người, lại nằm trong hoàn cảnh không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, không ngày nào bà H không nhắn tin hỏi thăm sức khỏe của con và cũng không ngày nào bà không khóc. Nhưng bà H vẫn còn may mắn hơn, khi còn được nói chuyện với con hàng ngày…

Sao con bỏ mẹ ra đi!

Trong căn nhà cấp 4 ở phường Phước Lộc, thị xã La Gi văng vẳng tiếng kinh phát ra từ chiếc đài nhỏ. Trong nhà có cả thảy 6 người, nhưng không ai nói ai tiếng nào. Quầng mắt ai cũng thâm đen, sưng húp. Cả 10 ngày nay họ không còn nước mắt để khóc nữa rồi. Ngày 8/6, qua mạng xã hội họ nhận được hung tin, người con, người em của gia đình là anh Nguyễn Xuân Đ đã mất ở Campuchia. Gia đình liên hệ với một người bác sĩ tên Hoàng Kỳ thì được biết anh Đ đã treo cổ tự tử ở trong công ty thuộc tỉnh Sihanoukville vào ngày 7/6. Hung tin là một cú sốc quá lớn đối với các thành viên trong gia đình. Ba anh Đ là ông Nguyễn Xuân Hòa, năm nay hơn 60 tuổi không chịu được cú sốc quá lớn đã bị đột quỵ phải nằm bệnh viện. Còn mẹ anh là bà Trương Thị Lai (64 tuổi), cứ mỗi lần đi qua bàn thờ con là khóc. Khi nhận hung tin, gia đình đã lập vội chiếc bàn thờ để cúng vọng người đã mất. Hàng xóm hay tin cũng đến viếng thăm, chia sẻ.

Đưa ánh mắt nhìn lên bàn thờ anh, chị Nguyễn Hồng Phúc cũng không kìm được nước mắt. Mọi chuyện xảy ra cách đây 2 tháng. Trước đây anh Đ làm nghề đi biển. Nhưng vừa qua, dịch bệnh bùng phát cộng với giá dầu tăng cao, ghe thuyền nằm bờ nhiều nên anh lâm vào cảnh thất nghiệp. Anh Đ đi vào Bình Dương kiếm việc. Rồi có người quen giới thiệu gặp người tên Phong. Rồi Đ cùng với những người khác qua Campuchia bằng đường biển. Nhưng phải mấy ngày sau, anh Đ mới điện thoại về nhà báo mình đang ở Campuchia và làm việc cho một công ty game. “Anh Đ nói khi đi họ hứa hẹn lương cao lắm. Em không biết lương ảnh bao nhiêu nhưng lâu lâu vẫn gọi điện xin em nạp car điện thoại cho ảnh”, chị Phúc nhớ lại. Khi còn ở công ty đầu tiên, thì không thấy anh Đ than phiền về công việc. Nhưng, khi bị bán sang công ty thứ 2 được một tuần thì mọi việc thay đổi. Anh Đ bị công ty tăng chỉ tiêu, không đạt được thì bị đánh đập. Công ty gọi điện về nhà mang số tiền hơn 53 triệu đồng qua chuộc. Khi người nhà không có đủ tiền thì anh Đ bị công ty nhốt vào phòng riêng dùng cực hình. “Khoảng 2 ngày trước khi nhận hung tin, anh Đ có điện thoại về nói em là bảo người nhà chuẩn bị tiền gấp chứ ảnh ở bên đó bị đánh đập thường xuyên. 2 ngày nay còn bị bỏ đói không cho ăn uống gì. Em có lên trình báo với công an thì sáng ngày hôm sau sự việc xảy ra”, chị Phúc nhớ lại.

Sau khi nhận hung tin, gia đình một mặt lo đám tang một mặt báo cáo vụ việc cho các ngành chức năng để làm thủ tục đưa thi thể anh về quê nhà. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa có hướng giải quyết. Người nhà cũng đã liên hệ với bác sĩ Hoàng Kỳ và được cho biết chi phí để đưa thi thể anh Đ về đến cửa khẩu là khoảng 90 triệu đồng. Nếu gia đình tự sang bên đó thì chi phí cho những ngày qua là khoảng hơn 50 triệu đồng. “Nhà em đã đi đến những nơi cần thiết nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết nào khả thi. Còn việc lo đủ số tiền theo yêu cầu của bên đó thì nhà em không thể. Em chỉ mong các ngành chức năng sớm hỗ trợ gia đình để đưa thi thể anh trai em về trong thời gian sớm nhất”, chị Phúc mong muốn. Chúng tôi rời nhà anh Đ khi người mẹ thắp tuần nhang mới cho con. Câu nói sao con bỏ mẹ ra đi sớm vậy cứ làm chúng tôi day dứt mãi. Cũng vì cuộc mưu sinh mà nhiều người không may đã sa vào cạm bẫy của những kẻ tán tận lương tâm. Cũng vì cái nghèo mà họ vô tình trở thành một món hàng được mua đi bán lại để rồi khi không chịu nổi, họ đã phải chọn cách “rời cõi tạm” này để lại cho người thân những nỗi đau không thể nào tả xiết.

Trong quá trình thực hiện tuyến bài này, chúng tôi tiếp cận được nhiều trường hợp cả đã về nước cũng như đang còn ở Campuchia. Mẫu số chung của những trường hợp này đều xuất thân từ những gia đình rất nghèo, bỏ học sớm và còn rất trẻ. Tất cả đều dưới 18 tuổi. Các đối tượng đã bỏ ra toàn bộ chi phí từ tiền xe đưa các nạn nhân từ quê vào TP. Hồ Chí Minh và sang Campuchia. Lương những nạn nhân nhận được có thể cao nhưng khi thực nhận của họ lại thấp hơn khi ở Việt Nam. Ngoài tiền ăn ở, nạn nhân còn phải trả tiền quản lý rồi trả góp số tiền mà các đối tượng đã chi ra trước đó. Tất cả các trường hợp sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao đều đi theo đường mòn, lối mở, tức là xuất cảnh trái phép. Khi có sự việc xảy ra ở nước bạn thì lực lượng chức năng trong nước rất khó can thiệp hỗ trợ, rất nhiều vấn đề pháp lý phát sinh sau vụ việc này. Chúng tôi sẽ phỏng vấn các ngành chức năng để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

Theo thống kê của Công an tỉnh, hiện nay, Công an tỉnh và công an các địa phương đã ghi nhận 12 vụ việc với 16 người có liên quan đến việc bị các đối tượng lừa sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao. Trong đó, có 5 trường hợp đã được gia đình qua Campuchia chuộc về với số tiền từ hơn 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng/người. Số tiền chuộc cao hay thấp là tùy thuộc vào người đó đã bị bán qua bao nhiêu công ty.

Kỳ 3: Bóc trần chiêu thức và xử lý nghiêm

Phóng sự: NGUYỄN LUÂN