Theo dõi trên

“Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Kỳ 3

22/06/2022, 05:45

Kỳ 3: Bóc trần chiêu thức và xử lý nghiêm

Trong tất cả các cuộc đưa người sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao đều có sự tiếp tay của người Việt Nam. Việc tổ chức này được thực hiện rất tinh vi và khó xử lý, khi có vấn đề phát sinh với người dân ở nước bạn.

Được điều hành từ bên kia biên giới

Theo những thông tin mà phóng viên có được thì hầu hết các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao đều có tuổi đời rất trẻ. Học vấn thấp, kinh nghiệm sống chưa nhiều nên các em dễ bị kẻ xấu dụ dỗ. Hiện nay, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đã làm việc với nhiều trường hợp được gia đình chuộc về từ Campuchia. Và cũng từ đây, cách thức hoạt động của các đối tượng này dần lộ diện.

giai-cuu-1.jpg
Hình ảnh các em ở Bắc Giang được Công an tỉnh ngăn chặn kịp thời

Theo đó, các đối tượng thường sử dụng các tài khoản facebook, zalo ảo để vào các trang mạng xã hội chuyên về đăng thông tin tìm kiếm việc làm để tìm những người có nhu cầu tìm việc làm. Bọn chúng thường dùng những từ ngữ ngon ngọt, kèm những lời hứa hẹn công việc tốt để dụ dỗ các nạn nhân. Việc tổ chức đưa người sang kia biên giới cũng được thực hiện rất tinh vi. Sau khi dụ dỗ được các nạn nhân, bọn chúng đều chủ động đặt xe để đưa nạn nhân đến TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chúng chỉ cho địa điểm đón người còn các thông tin khác đều được giấu kín ngay cả với những nạn nhân. Ngày 31/5, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh dừng chiếc xe đang lưu thông đi TP. Hồ Chí Minh theo đề nghị của Công an tỉnh Bắc Giang. Chuyến xe này đang vận chuyển 5 em có tuổi đời rất nhỏ từ 13 - 15 tuổi. Làm việc với cơ quan công an, các em khai nhận biết thông tin tuyển dụng làm việc tại Campuchia qua mạng xã hội facebook với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng và không yêu cầu chi phí nên đã chủ động liên hệ. Người môi giới đã cho người liên lạc với các em để hướng dẫn đi đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Sau đó có người sẽ dẫn các em qua Campuchia làm việc. Điều đáng nói là trong quá trình làm việc với cơ quan công an, trong 5 em thì chỉ có 1 em có 20.000 đồng, còn lại 4 em đều không một xu dính túi. Cá biệt có 1 em người dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái còn chưa nói rành tiếng phổ thông và không biết đường để về nhà. Trong khi các em đang làm việc với cơ quan công an thì những đối tượng môi giới vẫn gọi điện cho các em nói “nếu trốn được thì trốn đi rồi sẽ có người liên hệ để đưa các em sang Campuchia làm việc”. Điều này thể hiện mong muốn thực hiện hành vi lừa đảo đến cùng của các đối tượng.

Việc tổ chức của những đường dây đưa người sang Campuchia làm việc trái phép không chỉ là cách thức đưa người sang, mà còn cả sự phối hợp của các đối tượng trong việc tổ chức cho chuộc người. Trong đó, trường hợp của em N.L.T (ở TP. Phan Thiết) là một ví dụ. Sau khi em T điện thoại về nói người nhà mang số tiền 64 triệu đồng qua Campuchia chuộc về, nên người thân đi đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Khi người thân em T vừa đến cửa khẩu Mộc Bài chưa biết làm cách nào để liên hệ với bên kia, thì đã có đối tượng lạ mặt tiếp cận và nói “anh đi chuộc người ở Campuchia phải không?”. Nhận được câu trả lời của người thân, các đối tượng này đã hỏi tên tuổi nơi cư trú của em T tại Campuchia rồi nói “chờ đi, ngày mai sẽ có”. Đúng 1 ngày sau, các đối tượng đưa em T ra cửa khẩu cho người nhà xác nhận. Sau đó chúng nhận tiền và đưa em T cho người thân đưa về. Điều này chứng tỏ các đối tượng ở 2 bên cửa khẩu đã có sự liên hệ với nhau rất chặt chẽ.

campuchia.jpg
Em N.Q.K ở thị xã La Gi bị nhân viên công ty bên Campuchia đánh.

Khó hỗ trợ pháp lý khi có vấn đề phát sinh

Như báo Bình Thuận đã thông tin, các đối tượng sau khi lừa được các nạn nhân đều đưa sang Campuchia bằng các đường mòn, lối mở ở biên giới. Việc này có dấu hiệu của tội đưa người xuất cảnh trái phép. Khi các nạn nhân sang Campuchia sau đó được bán cho các công ty chuyên về game, bán hàng lừa đảo qua mạng xã hội. Rồi tiếp đó, các công ty dùng chiêu thức nâng cao mức chỉ tiêu để các nạn nhân không làm được rồi hành hạ, đánh đập yêu cầu gọi điện về gia đình mang tiền qua chuộc hoặc bán cho công ty thứ 2 đã có dấu hiệu của tội mua bán người. Mặc dù hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu tội phạm nhưng việc bắt quả tang là không dễ dàng. Bởi các nạn nhân đều được yêu cầu giữ kín, không nói cho người thứ 2 việc mình đi TP. Hồ Chí Minh để sang Campuchia làm việc nên việc theo dấu là rất khó khăn. Cùng với đó, việc thực hiện mua bán, ký hợp đồng giữa các nạn nhân và công ty đều diễn ra ở Campuchia nên việc xử lý theo luật pháp Việt Nam là điều không dễ dàng. Bên cạnh đó, các nạn nhân sang Campuchia làm việc trái phép nên việc áp dụng biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là rất khó khăn, còn tùy thuộc vào sự hợp tác hỗ trợ của chính quyền nước sở tại.

286115171_576615327335259_2356856559753531831_n.jpg
Một khu lao động của người Việt tại Campuchia (ảnh: nhân vật cung cấp) 

Thượng tá Nguyễn Quyết Nghị, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Thời gian vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự và công an các địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân trình báo việc có con, em bị các đối tượng lừa sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao rồi sau đó gọi điện yêu cầu gia đình phải bỏ ra số tiền lớn để chuộc về. Phòng Cảnh sát hình sự đã ghi nhận, lập danh sách, cũng như báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh nắm tình hình báo cáo ra Bộ Công an. Hiện Phòng Cảnh sát hình sự đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để có hướng xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng môi giới này cần nhiều thời gian, vì hầu hết các đối tượng cầm đầu đều ở Campuchia. “Người dân, đặc biệt là các bạn trẻ cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không tin theo thủ đoạn môi giới đưa đi lao động tại Campuchia với mức lương cao, công việc nhẹ của các đối tượng; khi phát hiện các trường hợp bị lôi kéo, môi giới đi lao động trái phép tại Campuchia hoặc đối tượng, đường dây có hoạt động môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh lao động trái phép thì cung cấp thông tin cho Công an tỉnh hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xác minh, đấu tranh, xử lý”, Thượng tá Nghị khuyến cáo.

Trao đổi về trường hợp anh Nguyễn Xuân Đ (đã đề cập ở bài trước) tử vong tại Campuchia, ông Đặng Văn Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Liên quan việc người Việt Nam tử vong ở nước ngoài thì có trách nhiệm của nhiều ngành. Trong đó, người thân của nạn nhân nên trình báo với chính quyền địa phương và làm đơn đến Phòng Tư pháp để được xác nhận trước khi sang nước bạn đưa thi thể người thân về nước. Bên cạnh đó, người thân nên liên hệ với các cơ quan ngoại giao trong và ngoài nước. Tại Bình Thuận là Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Khi đó, người dân sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ, liên hệ với Đại sự quán Việt Nam tại Campuchia để được hỗ trợ pháp lý cần thiết.

Tình trạng các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ người dân sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, rồi sau đó sử dụng chiêu trò yêu cầu người nhà gửi số tiền rất lớn để chuộc về không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận mà còn nhiều địa phương khác trong cả nước. Vì vậy, người dân đặc biệt là các bạn trẻ không nên tin vào những lời dụ dỗ rồi làm khổ mình và khổ cả gia đình.

“Nhiều trường hợp biết con em mình bị lừa sang Campuchia đã chọn cách im lặng, tự mang tiền qua chuộc. Nhưng tôi nghĩ cần phải cung cấp thông tin cho báo chí, các ngành chức năng. Nếu mình cứ im lặng sẽ có thêm nhiều trường hợp khác bị đối tượng xấu lừa đảo. Mình phải lên tiếng để mong các ngành chức năng vào cuộc xử lý tình trạng trên và cũng mong muốn không còn trường hợp nào như con tôi”, chị H, mẹ em A (chúng tôi đã đề cập ở số báo trước) chia sẻ”.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Kỳ 1
Mấy tuần nay, trên mạng xã hội nhan nhản những lời chào mời sang Campuchia làm việc văn phòng với mức lương vài chục triệu đồng/tháng. Nhưng khi sang đến nước bạn, người lao động mới vỡ mộng làm giàu, người thì bị đánh “thừa sống thiếu chết” ôm đống nợ, người bị bán sang công ty khác như một món hàng. Tất cả sẽ được thể hiện trong loạt phóng sự “Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao...
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Kỳ 3