Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống: “Quả ngọt” những năm đầu gian khó. Bài 2
Chính trị - Ngày đăng : 18:22, 27/09/2023
Với ý chí, quyết tâm cao cùng với đó là sự nỗ lực vượt khó, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 – 2025), Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế - xã hội có những bước phát triển mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt.
3 trụ cột phát triển đúng hướng
Đại hội XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ Bình Thuận xác định 3 trụ cột của nền kinh tế là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng và du lịch. Ngay sau đại hội, 3 nghị quyết về “3 trụ cột kinh tế” được ban hành. Nửa nhiệm kỳ trôi qua, 3 trụ cột được nêu trên có sự phát triển đúng hướng; sớm phục hồi sau đại dịch và có sự bứt phá mạnh mẽ.
Du lịch Bình Thuận ngày càng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Đơn cử như ngành du lịch, Bình Thuận đã lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành trong cả nước có tốc độ tăng tốc mạnh nhất hiện nay. Ngay sau đại dịch Covid-19, Bình Thuận lấy khu du lịch quốc gia Mũi Né là trung tâm thu hút và tăng trưởng du khách. Nhờ đó, từ đầu nhiệm kỳ đến 6 tháng đầu năm 2023, Bình Thuận đã đón hơn 15,25 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 38.587 tỉ đồng. Đáng chú ý, kể từ khi 2 tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi qua Bình Thuận được đưa vào khai thác, lượng du khách nội địa đến Bình Thuận tăng gấp 2 lần so với trước đây… Đặc biệt, việc tổ chức thành công Lễ khai mạc và các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, đã là cơ hội lớn để du lịch Bình Thuận trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, nửa nhiệm kỳ qua cơ cấu nội bộ ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, nhất là các dự án năng lượng. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, đóng góp lớn trong nền kinh tế của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 10 nhà máy điện năng lượng tái tạo được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động, với tổng công suất khoảng 362,6 MW, tổng mức đầu tư hơn 13.980 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh có 47 nhà máy điện (gồm nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời) đang hoạt động phát điện, với tổng công suất hơn 6.523 MW. Và mới đây, Dự án Kho cảng LNG tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD triển khai tại KCN Sơn Mỹ I cùng với dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và Sơn Mỹ II với tổng công suất là 4.500MW, tổng vốn trên 4 tỷ USD đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án này được xem là dự án có quy mô lớn, tạo thành tổ hợp điện khí lớn nhất Việt Nam, hứa hẹn đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước trong tương lai không xa.
Riêng với “trụ cột” nông nghiệp, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư tăng thêm, nhất là hệ thống thủy lợi; đã hoàn thành sửa chữa, nâng cấp 7 hồ chứa; tiếp tục đầu tư xây dựng 4 dự án, công trình thủy lợi; 14 công trình tưới tiết kiệm nước; kiên cố hóa khoảng 24 km kênh nội đồng và 5 loại hình công trình khác... đã góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Bước đầu thu hút một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng; những vùng đất lúa kém hiệu quả được luân canh trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn. Cây thanh long vẫn là cây trồng lợi thế, việc sản xuất thanh long theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương được quan tâm đẩy mạnh; hiện nay, toàn tỉnh có 9.037 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP; 560,5 ha thanh long được cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP và 93 ha thanh long được cấp chứng nhận hữu cơ. Đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Ngoài thành quả của 3 trụ cột trên, trong nửa nhiệm kỳ qua Bình Thuận đạt được nhiều kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm, văn hóa, thể thao. Đặc biệt GRDP của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7,76%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành cả nước. Dự kiến trong năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP ước đạt 7,5%, vượt mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là 7,2%. Trong khi đó, theo kết quả công bố chỉ số PAPI (sự hài lòng của người dân về hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền) năm 2022, tỉnh Bình Thuận đạt 44,54 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên trong 12 năm khảo sát, công bố (kể từ năm 2011), Bình Thuận lọt vào top 10 tỉnh, thành đạt điểm cao nhất cả nước.
Có thể khẳng định, Nghị quyết đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh xác định 3 trụ cột kinh tế của Bình Thuận trong giai đoạn 2020- 2025 là hoàn toàn đúng đắn. Thực tế 2,5 qua đã chứng minh, các trụ cột này phát triển góp phần quan trọng giúp Bình Thuận giữ được nhịp độ tăng trưởng cao trong bối cảnh có muôn vàn khó khăn thách thức. Đồng thời kết quả trên là sự chuẩn bị bền vững, tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tiếp theo, đẩy nhanh hơn nữa quá trình hiện thực hóa khát vọng một Bình Thuận phát triển xanh, nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch, trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Bình Thuận.
Hành động vì nhân dân
Trên bước đường phát triển, Bình Thuận luôn đặt mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân, tỉnh đã hiện thực hóa ở từng bước đi, thể hiện trong từng quyết sách, hành động nhằm hướng đến những tiêu chí cơ bản là người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh đến nay, mục tiêu này được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ quan điểm lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với công tác giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Tạo môi trường, điều kiện phát triển toàn diện, đồng đều giữa các vùng, miền, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ công, phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng bảo trợ xã hội. Bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện, cuộc sống của người dân về vật chất cũng như đời sống văn hóa, tinh thần không ngừng được nâng cao. Nhân dân được bảo đảm an ninh, an toàn và thụ hưởng các chính sách an sinh, tiến bộ, công bằng, phúc lợi xã hội. Ước tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,06%. Đời sống dân sinh, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục cải thiện. Các chế độ, chính sách, chương trình phát triển và cung ứng vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai tốt, góp phần từng bước giảm nghèo chỉ còn hơn 2.800 hộ, chiếm 10,78%. Các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội được duy trì thường xuyên, đi sâu vào đời sống nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện, đối tượng thụ hưởng ngày càng tăng; đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo quy định.
Chăm lo cho nhân dân cũng là hành trình dài với nhiều trăn trở được lãnh đạo Bình Thuận quyết tâm thực hiện trong nửa nhiệm kỳ qua. Điển hình như, HĐND tỉnh đã xem xét thông qua chủ trương đầu tư Kè Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), với tổng vốn hơn 486 tỷ đồng. Dự án này đã được người dân trông đợi rất lâu. Hay, dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam là dự án quan trọng Quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư năm 2019. Tuy nhiên, mới đây, từ một bài báo, dư luận cả nước lại quan tâm rất nhiều đến dự án này. Người dân Bình Thuận đang chịu cảnh khô hạn hằng năm ủng hộ cho rằng dự án cần thiết, người không ủng hộ lại cho rằng Bình Thuận phá rừng. Với quyết tâm chăm lo cho người dân, người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng: “Khi thấy người dân chịu cảnh khô hạn, cây cối, con vật chết mòn vì thiếu nước thì làm người lãnh đạo ở địa phương mà không lo được cho dân thì đúng là có lỗi với dân. Giữ rừng là cho dân, giữ nước cũng là cho dân, dự án này là cho dân…”. “… Mình phải đặt mình vào vị trí của người dân, sống trong cảnh khô hạn hiện hữu bao nhiêu năm qua. Tôi hứa cái gì đúng vì dân thì mình làm, có lợi cho dân thì làm, còn có hại thì dù nhỏ tôi sẽ không làm. Chúng tôi làm ở đây không phải làm bất chấp, không phải làm không có khoa học…”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh.
Có thể nói, nhờ những sự quyết tâm trên diện mạo của tỉnh đã thay đổi, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống nhân dân đã được nâng lên và giảm được nhiều hộ nghèo. Nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
“Nếu chỉ nằm trên chủ trương, thì không thể thực hiện được. Hội đồng nhân dân phải vào cuộc rà soát từng việc một để có những nghị quyết gỡ khó về thể chế, hay ra nghị quyết ban hành các cơ chế, chính sách để làm, hay có những quyết sách về mặt chủ trương để làm. Chứ không phải là có mà không dám làm. Quan trọng cứ làm cho công khai, minh bạch, đúng bài thì chúng ta vẫn cứ làm bình thường. Tôi rất đồng tình với tỉnh Bình Thuận đã có Nghị quyết chuyên đề về người dân. Kết quả của đổi mới phải có người dân thụ hưởng và kết quả của đối mới sẽ không thể thành công nếu như không có sự tham gia của người dân”.
trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh.