Theo dõi trên

Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống: “Quả ngọt” những năm đầu gian khó. Bài 4

27/09/2023, 19:49

Bài 4: Bứt phá đi lên

Trong quá trình phát triển, những kết quả đạt được của nửa nhiệm kỳ qua đã và đang nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Bình Thuận phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

z4733614744996_48a98dc641d1258e1d7d511ddd50604a.jpg
Bình Thuận đang trên đà phát triển, tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhận diện “khoảng lặng”…

Thực tế cho thấy, dù tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn nhiều kết quả thật sự chưa được mong muốn và có những hạn chế nhất định. Đó là nền kinh tế của tỉnh có quy mô nhỏ, kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Một số chỉ tiêu quan trọng đạt thấp và dự báo đến cuối nhiệm kỳ khó đạt được; trong đó, đáng quan tâm là chỉ tiêu về tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh; chỉ tiêu về mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người so với năm 2020. Việc phát triển 3 trụ cột kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vẫn chưa thể hiện sự bền vững. Bên cạnh đó, công tác thu ngân sách còn nhiều khó khăn, cơ cấu nguồn thu không vững chắc. Công tác quản lý đất đai, việc thi hành các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng vẫn còn chưa chặt chẽ, dẫn đến phát sinh nhiều đơn, thư khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp của người dân, doanh nghiệp. Tình trạng lấn chiếm đất công, đất dự án; khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục triệt để. Ngoài ra, công tác cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số PCI, PGI, PAPI, PAR Index, SIPAS vẫn chưa có những cải thiện đáng kể (trong đó, chỉ số như PAR Index, SIPAS của tỉnh nhiều năm liền ở thứ hạng thấp nhất cả nước).

z4732079224710_2ebec7c2ee95dda9eb2ec2060f218a24.jpg

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV.

Trong công tác xây dựng Đảng, việc cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng để thực hiện ở một số địa phương, đơn vị có mặt chưa sát với tình hình thực tế, vẫn còn tình trạng “dễ làm, khó bỏ”, làm chưa đến nơi, đến chốn; làm cho có, cho đủ; tức là tổ chức học tập, quán triệt và ban hành văn bản thì rất đầy đủ nhưng khâu triển khai còn yếu và không quyết tâm, nỗ lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Công tác dân vận vẫn chưa có nhiều đột phá. Việc nắm bắt thông tin, dự báo tình hình trong nhân dân có lúc, có việc chưa kịp thời.

Mặt khác, một trong những điểm nghẽn nhất vẫn là yếu tố con người. Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho rằng: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh công việc, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc, mặc dù biết đúng cũng không dám quyết. Dẫn lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói đến từ “che chắn, phòng thủ”, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng tỉnh ta cũng có tình trạng này. “Văn bản tham mưu dù đúng rồi, vẫn ghi thêm một ý để “che chắn, phòng thủ” cho mình. Điều này không thể hiện bản chất của người cộng sản, bản chất của người đảng viên và là một người cán bộ lãnh đạo. Thấy đúng phải làm, mình phải bảo vệ cái đúng, không thể đẩy viên đạn cho người khác được”, Bí thư Tỉnh ủy nói. Theo Bí thư Tỉnh ủy, căn bệnh này nếu không có giải pháp chữa trị căn cơ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, cản trở sự phát triển của tỉnh, gây bức xúc trong nhân dân, doanh nghiệp, cần phải được khắc phục.

z4733629121615_0ea2f97e768e3919e1aa6eb47f2788fd.jpg
Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ đã nhìn nhận những mặt được và chưa được để có những giải pháp trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Trong từng nhiệm vụ và ở bất kể là cấp nào, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự đoàn kết, thống nhất là rất quan trọng. Thực tế, cho thấy nơi nào có các yếu tố đó, thì nơi đó, kết quả chuyển biến rất tốt, kể cả là đối với những việc khó khăn, vướng mắc. Chính vì lẽ đó, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các đồng chí lãnh đạo cần chú ý, thường xuyên động viên, khuyến khích, đôn đốc, nhắc nhở, chỉ đạo cấp dưới của mình thực hiện công việc.

 Có thể thấy, đó chính là những “khoảng lặng” trong bức tranh có nhiều mảng sáng của Bình Thuận trong nửa nhiệm kỳ qua. Vượt qua được những “khoảng lặng” này cần sự quyết tâm chính trị rất lớn của cả hệ thống chính trị với những giải pháp đột phá, sự đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động. Đặc biệt cần phải tăng tốc, bứt phá hơn nữa bởi chỉ còn 2,5 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ.

… để bứt phá đi lên

Với vị thế và tiềm lực mới, với dư địa phát triển còn lớn, cùng với điểm nghẽn về giao thông đối ngoại đã được tháo gỡ, tỉnh Bình Thuận đang trở thành địa chỉ thu hút nhiều nhà đầu tư năng lực. Đồng thời, những thành tựu đạt được trong nữa nhiệm kỳ qua là rất căn bản, tạo nền tảng để Bình Thuận phát triển nhanh và vững chắc trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu, Bình Thuận đã đưa ra có những giải pháp và quyết tâm thực hiện tốt phương châm hành động “Đoàn kết - Dân chủ - Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển”, đưa tỉnh nhà phát triển “nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng, du lịch” như Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

z4733634478517_9446f34096d1438edca3d27b25348784.jpg
Nông nghiệp công nghệ cao vẫn được xem là thế kiền 3 chân để Bình Thuận phát triển.

Bình Thuận tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh; kiên trì thúc đẩy phát triển 3 trụ cột (công nghiệp, du lịch và nông nghiệp) thực sự tạo một thế kiềng ba chân để tỉnh phát triển từ nay đến cuối nhiệm kỳ và trong thời gian tới. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhất là tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, nâng cao chỉ số Cải cách hành chính, Quản trị hành chính công và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo gắn với tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng một đội ngũ lao động lành nghề, làm việc có năng suất, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành và lĩnh vực. Tăng cường đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất ngành y tế; triển khai tốt công tác phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm và các chương trình y tế quốc gia; không để các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát và diễn ra trên diện rộng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, thường xuyên gắn chặt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân.

z4733646931890_dac3d4ece0b4cb62fb457f13480e0c36.jpg
Với sự quan tâm của Trung ương, Bình Thuận sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Về công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận, các cấp ủy tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; có giải pháp tạo sự bứt phá trong công tác cán bộ, chú trọng phát hiện nhân tố trẻ, nhân tố mới, có triển vọng; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước gắn với xây dựng đạo đức, phong cách làm việc "gần dân, sát cơ sở", "hiểu dân và lắng nghe nhân dân”.

Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định rằng, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh đã đi vào cuộc sống như một lẽ tự nhiên, bởi tính đúng đắn, bởi mục tiêu được xác định phù hợp với điều kiện thực tế và hơn hết đó là bởi “ý Đảng hợp với lòng dân”. Thành quả không đến một cách tự nhiên. Để đạt được điều ấy đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến khát vọng đổi mới, phát triển, quyết tâm vượt mọi khó khăn bằng tinh thần đoàn kết, thống nhất cao từ cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và mỗi người dân trong tỉnh.

Chúng ta tin tưởng rằng, từ kết quả của nửa nhiệm kỳ đầu Đại hội XIV sẽ tiếp tục là động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên địa bàn tỉnh đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV đã đề ra. Có như vậy, mục tiêu một Bình Thuận phát triển xanh, nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch sẽ sớm thành hiện thực.

z4732079478480_9b7fcda41a4a5cdd43295f31fcb7a6e6.jpg

“Nửa chặng đường còn lại trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra của nhiệm kỳ, góp phần đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng, du lịch; trở thành một cực tăng trưởng của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ; thực sự là nơi đáng sống, một điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách, cho nhà đầu tư; và người dân Bình Thuận sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Bí thư Tỉnh ủy nhắn nhủ.

Hiến kế để Bình Thuận vững bước đi lên

Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao

z4643664455936_fd98b62151045a0770fa8d89985f0825.jpg
Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung tham mưu cụ thể hóa và triển khai thật hiệu quả Nghị quyết số 05 ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Tuyên truyền chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; Đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng chuyên canh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ...

Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

z4732079922428_533b4f05bf21cfc206221aba5b6294dd.jpg
Ông Võ Văn Hoà - Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận.

Sở Công Thương Bình Thuận đã đề xuất các giải pháp như, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận tài chính, tín dụng, đất đai… Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế. Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh. Tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến khoáng sản, công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư tạo đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với các sản phẩm lợi thế của tỉnh như: Hải sản, nước mắm, thanh long, cao su...

Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”

z4732135198110_688e9b039da2be1c5d737c038425cd52.jpg
Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận.

Với mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 18 - 20%/năm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch; xây dựng Bình Thuận là trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, trong đó lấy khu vực Mũi Né và vùng phụ cận làm vùng trọng tâm, động lực lan tỏa đến các khu vực khác trong tỉnh. Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”, là một điểm đến hấp dẫn, thúc đẩy các dự án du lịch sớm triển khai, tạo ra những bước phát triển đột phá về mọi mặt cho ngành du lịch Bình Thuận. Đến năm 2025, du lịch Bình Thuận là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc...

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân

z4732137809923_716b169d5c9563bcdbe87539e309a84e.jpg
Ông Nguyễn Thanh Nam- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận.

Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoàn thiện. Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2023 - 2026 theo lộ trình đề ra gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Nghiên cứu tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy có giải pháp đột phá về công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nhất là người đứng đầu. Tăng cường lựa chọn, bố trí cán bộ thông qua thi tuyển và thông qua tiến cử của người đứng đầu, đi liền với chống chạy chức, chạy quyền, hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối, tác phong, gắn với cải cách thủ tục, hành chính.

Bài 1: Sức mạnh từ nội lực

Bài 2: Hiện thực hóa các mục tiêu

Bài 3: Đột phá trong công tác xây dựng Đảng

THANH NHÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống: “Quả ngọt” những năm đầu gian khó. Bài 1
Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết đại hội XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức ngoài dự báo, thậm chí là chưa từng có trong tiền lệ.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống: “Quả ngọt” những năm đầu gian khó. Bài 4