

Báo cáo với Tổng Bí thư tại buổi làm việc, Ban Tổ chức Trung ương cho thấy từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban đã tham mưu hoàn thành 119 đề án, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và chủ trì ban hành 185 văn bản để lãnh đạo toàn diện, đồng bộ các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng. Với cách làm mới, khẩn trương, quyết liệt nhưng chắc chắn, khoa học, ban đã tham mưu có chất lượng các nội dung về mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ với kế hoạch triển khai bài bản, đến nay cơ bản mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã hoàn thiện. Dự kiến sau sắp xếp, cấp tỉnh giảm hơn 18.400 biên chế; cấp xã giảm hơn 110.000 biên chế; kết thúc hoạt động của hơn 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước. Trong giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước khoảng 190.000 tỉ đồng, bình quân giảm khoảng 38.000 tỉ/năm, chưa kể các chi phí khác. Bên cạnh đó, Ban cũng chủ động tham mưu chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng bảo đảm đồng bộ, toàn diện cả về nội dung, nhân sự và công tác tổ chức, phục vụ đại hội; kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh, góp phần bảo đảm công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp phù hợp với bối cảnh mới, yêu cầu mới, không bị gián đoạn trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy…

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương những kết quả khá toàn diện của Ban Tổ chức Trung ương trong công tác tham mưu về tổ chức xây dựng Đảng, đánh giá cao sự thẳng thắn của ban trong việc tự kiểm điểm, đánh giá, nhìn nhận 5 nhóm hạn chế và 4 nguyên nhân chủ yếu trên từng mặt công tác. Tổng Bí thư đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục đổi mới tư duy, tìm tòi, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để khắc phục hiệu quả các hạn chế đã được chỉ rõ.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhân sự lãnh đạo các cấp trong giai đoạn mới phải hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng để gánh vác trọng trách lịch sử đất nước. Đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực chiến lược, mũi nhọn; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, làm động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ…

Do vậy, Tổng Bí thư yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương tham mưu làm tốt công tác bố trí cán bộ tương xứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Đây là yêu cầu vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài; phải có tầm nhìn xa trong công tác cán bộ bảo đảm sự kế thừa, tiếp bước vững vàng, giữa các thế hệ; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và cán bộ cấp cơ sở có tư duy năng lực quản trị tiên tiến, phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống chính quyền mới và yêu cầu phát triển bứt phá của đất nước.
Từ nay đến Đại hội Đảng lần thứ 14, Tổng Bí thư yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương "tập trung cao độ" tham mưu việc tổ chức bộ máy mới của hệ thống chính trị. Trong đó, trách nhiệm giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp ủy, chính quyền địa phương cần được xác định rõ. Trung ương quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, giữ vai trò kiến tạo và giám sát. Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Cùng với đó, Tổng Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục phát huy vai trò tham mưu chiến lược về xây dựng bộ máy hoạt động của Đảng, tổ chức bộ máy Nhà nước hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; về công tác tổ chức, cán bộ nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng… và thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên của ngành tổ chức xây dựng Đảng; khẳng định, tạo mọi điều kiện để Ban Tổ chức Trung ương phát huy tốt vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ của Đảng, các cấp ủy Đảng cần quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy của cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Về định hướng lớn trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Ban Tổ chức Trung ương phát huy vai trò cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh, đủ sức lãnh đạo đất nước trong kỷ nguyên mới, với tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045; tập trung tham mưu, hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng, để bảo đảm Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh và không ngừng phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong kỷ nguyên mới.