Vấn đề ttuyển sinh ĐH CĐ dựa vào tổ hợp môn từng gây nhiều tranh cãi. Một phụ huynh có con học ngành kế toán ở một trường Đại học cho rằng "Hai môn Vật lý và Hóa học không liên quan ngành Kế toán nhưng nhiều trường sử dụng tổ hợp Toán, Lý, Hóa để tuyển sinh ngành này". Mới đây, một số đại học ở top dưới chọn tổ hợp xét tuyển ngược với ngành đào tạo, nhằm tăng cơ hội để tuyển đủ sinh viên. Các trường này tận dụng triệt để những tổ hợp với các môn học xem ra ít có liên quan đến nghành nghề đào tạo của trường với hy vọng tuyển được nhiều sinh viên hơn. Thí dụ như ngành Công nghệ Thông tin có thể xét tuyển với tổ hợp Văn, Địa, Giáo dục Công dân như thông báo tuyển sinh của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Trong khi đó cũng ngành này, nhưng Đại học Hùng Vương TP HCM lại tuyển tổ hợp Văn, Toán, Gíao dục Công dân. Tại Đại học Nam Cần Thơ, thí sinh có thể xét tuyển ngành Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Quản trị Kinh doanh, Bất động sản với tổ hợp Văn, Sử, Địa…
Theo một Phó giáo sư của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, trong tương lai, việc tuyển sinh ĐH- CĐ nên thay thế dần việc tuyển sinh theo tổ hợp môn truyền thống bằng việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh. Tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới. Đây là phương thức đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp. Hầu hết các trường ĐH ở Hoa Kì, kể cả những trường danh tiếng ở Hoa Kì đã áp dụng tuyển sinh Đại học theo phương thức đánh giá năng lực từ rất lâu. Họ đánh giá năng lực của các ứng viên thông qua kết quả bài thi chuẩn hóa, bài luận cá nhân, kết quả học phổ thông, thư giới thiệu của giáo viên, các thành tích về hoạt động ngoại khoá, tình nguyện, kết quả phỏng vấn,…
Sau 2 năm chuẩn bị, ĐH Quốc gia TP.HCM đã sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào năm nay để xét tuyển thí sinh vào các trường thành viên và các trường bên ngoài. Trường sử dụng một phần chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả này. Phần lớn chỉ tiêu còn lại sẽ vẫn xét tuyển dựa vào phương thức tuyển sinh truyền thống.
Trong tương lai, Gíao dục Việt Nam cần có sự thay đổi đồng bộ trong cách tuyển sinh ĐH-CĐ, có vậy mới đảm bảo được chất lượng đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên dễ tìm được việc làm khi tốt nghiệp.
QT