Theo dõi trên

Dạy bơi và hồ bơi: Những ngành, đơn vị liên quan nói gì ?

09/06/2017, 10:27

BT- Ngành giáo dục đang mong muốn dạy bơi cho học sinh, thế nhưng để dạy bơi  được đòi hỏi phải có hồ bơi.

Thiếu hồ… bơi

Theo ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Thuận: Năm học 2016 – 2017, môn bơi và các biện pháp cứu trẻ bị đuối nước được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức của ngành giáo dục toàn tỉnh, thay cho môn cầu lông, đá cầu… Tổng thời lượng dạy bơi là 20 tiết, tùy từng trường bố trí. Tuy nhiên,  một số trường sau đó gặp ngay vấn đề thiếu hồ bơi. Tại Phan Thiết, một số chủ hồ bơi tư nhân biết được khó khăn của ngành giáo dục, sẵn sàng hỗ trợ 50% học phí cho học sinh của các trường; miễn 100% phí cho học sinh nghèo muốn tham gia học bơi tại các hồ bơi nói trên. Song, nhiều trường ở Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý và thị xã La Gi… thì không có sự hỗ trợ này, bởi hồ bơi tư nhân chưa nhiều, nếu có thì chỉ có trong vài khu du lịch. 

                
   Dạy bơi tại hồ bơi Ocean Dunes Resort.

Cũng liên quan đến hồ bơi và dạy bơi, theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lê Thị Bích Liên, ở các xã vùng sâu, vùng xa việc dạy bơi khó thực hiện. Nếu tổ chức cho các em đến nơi có hồ bơi để học, thì phát sinh chi phí đưa đón và nhiều vấn đề khác. Gia đình các em nhỏ chưa chắc đồng tình, hưởng ứng, còn về phía Tỉnh đoàn thì Tỉnh đoàn cũng không có kinh phí cho việc đưa đón các em đi học bơi. Tỉnh đoàn cũng yêu cầu các huyện đoàn, thị đoàn… trong điều kiện  của địa phương, kêu gọi sự chung tay của những người có khả năng xây hồ bơi, dạy bơi. Năm 2017, Tỉnh đoàn phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch có kế hoạch dạy bơi cho trẻ từ 9 – 16 tuổi  hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại Phan Thiết, Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc

Tìm hiểu ở một cơ sở du lịch có hồ bơi như Ocean Dunes Resort (Tập đoàn Rạng Đông) thì bà Trần Thị Minh Trúc – Trưởng bộ phận thể thao vui chơi giải trí cho biết: “Hồ bơi của chúng tôi chủ yếu dành cho khách lưu trú. Song suốt 4 năm qua, chúng tôi vẫn cố gắng sắp xếp nhiều lớp dạy bơi cho thiếu niên tại Phan Thiết. Riêng mùa hè 2017, khách lưu trú luôn đầy phòng nên ưu tiên hồ bơi cho khách. Chỉ tổ chức 1 lớp dạy bơi thiếu niên, mặc dù có rất nhiều phụ huynh đăng ký.” 

… Gỡ khó bằng mô hình di động

Trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu, kinh phí hạn chế, Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Hàm Thuận Bắc) đã kêu gọi Công ty Sách và thiết bị trường học Bình Thuận lắp ghép 1 hồ bơi di động với giá thành hơn 350 triệu đồng. Công ty chịu trách nhiệm giám sát chất lượng nước, lấy mẫu nước, thẩm định chất lượng nước, cung cấp chất xử lý nước và định kỳ kiểm tra chất lượng nước. Nước thải từ hồ bơi mỗi ngày khoảng 3 khối, được chứa vào 1 túi ép dung tích 20m3 để tận dụng tưới cây trong nhà trường…

Thầy Lương Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Linh, cho hay: “Công ty Sách và thiết bị trường học Bình Thuận cho nhà trường trả chậm trong 2 năm. Nhà trường thu phí học bơi là 15.000 đồng/buổi/ học sinh. Hiện nay, nhà trường còn giúp học sinh trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, THCS Hàm Đức, tiểu học Hàm Đức 4 tham gia thực hành bơi.” 

Và tại Hàm Thuận Bắc…

Liên quan đến việc xây  hồ bơi, ngày 8/5/2015 UBND  Hàm Thuận Bắc có Văn bản 1147/UBND-VX đồng ý để các trường THCS: Hàm Đức, Hồng Sơn, Ma Lâm… liên kết cá nhân đầu tư bể bơi lắp ghép trong trường học. Thế nhưng 2 năm sau,  ngày 19/5/2017, UBND huyện ra văn bản thứ 2, số 1408/UBND– VX  đề nghị các trường trên tạm dừng  triển khai xây bể bơi lắp ghép trong trường học cho đến khi UBND huyện có chủ trương mới, vì UBND tỉnh, các sở ngành của tỉnh chưa có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về việc đầu tư trên.

Theo thầy Hồ Bửu Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Sơn, khi UBND huyện có văn bản đồng ý đầu tư bể bơi lắp ghép trong trường học bằng hình thức xã hội hóa, nhà trường mời gọi doanh nghiệp đầu tư, chuẩn bị các thủ tục, thì nhận tiếp văn bản của UBND huyện nên tạm dừng triển khai. Nếu có được hồ bơi di động tạitrường THCS Hồng Sơn, học sinh của xã Hồng Liêm có thể tham gia.

Thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Đức, cho biết: “Chúng tôi mong có được hồ bơi bởi toàn trường  hơn 1.200 học sinh, nhưng chỉ có 118 học sinh được thực hành bơi nhờ hồ bơi di động của Trường Nguyễn Văn Linh”. 

Xã hội hóa hồ bơi

Trước đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1829/KH-UBND (ngày 31/5/2016) về thực hiện chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh.  UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố đầu tư kinh phí hoặc xã hội hóa để xây ít nhất từ 3 hồ bơi trở lên. Để môn bơi thực hành đến với học sinh, các trường  mời gọi xã hội hóa là đi đúng hướng, đúng chủ trương của UBND tỉnh.

Việc xã hội hóa hồ bơi di động, giá thành thấp hơn nhiều (vài trăm triệu đồng), lắp ghép khá đơn giản và thuận tiện. Nếu muốn sử dụng lại mặt bằng để làm việc khác thì tháo dỡ, di chuyển đến vị trí mới thuận lợi, không hư hỏng. So với chi phí đầu tư hồ bơi bê tông kiên cố khoảng 3 tỷ đồng.

Để bảo vệ trẻ em tránh đuối nước, bên cạnh sự chung tay của nhà trường, mỗi xã, phường nên kêu gọi xã hội hóa và phối hợp đoàn thanh niên để dạy bơi cho trẻ vào mỗi dịp hè.

Trang HiẾu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy bơi và hồ bơi: Những ngành, đơn vị liên quan nói gì ?