Với ngư trường rộng lớn, Bình Thuận xác định thủy hải sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực hàng đầu của địa phương và luôn quan tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, sản phẩm lợi thế theo chiều sâu (đông lạnh và hàng khô). Những năm qua, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cũng tích cực chuyển dần từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến nay lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn Bình Thuận vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ. Được biết, toàn tỉnh hiện có gần 740 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản, trong số đó chỉ khoảng 25 doanh nghiệp tham gia chế biến xuất khẩu thủy sản.
Trong giai đoạn mới, địa phương hướng tới mục tiêu phát triển chế biến thủy sản thành ngành hàng chủ lực có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, giá tri ̣gia tăng cao, giữ vi ̣trí mũi nhọn trong các ngành hàng xuất khẩu của tỉnh. Phấn đấu đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm lớn về chế biến thủy sản của khu vực Nam Trung bộ, tham gia hội nhập sâu rộng vào thị trường thủy sản thế giới. Theo Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn Bình Thuận vừa được UBND tỉnh ban hành đã đề ra các mục tiêu cụ thể. Đó là đến năm 2030, phấn đấu đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt từ 250 - 280 triệu USD, tỷ trọng giá tri ̣xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chế biến gia tăng đạt trung bình trên 40%. Cùng với đó sẽ từng bước hình thành một số doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có trình độ quản lý ngang tầm khu vực và thế giới…
Tới đây, Bình Thuận cũng tập trung đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu cho chế biến thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu, năng lực chế biến theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Bao gồm hải sản từ khai thác, nuôi trồng và nguyên liệu thủy sản nhập khẩu gắn với kiểm soát nguồn nguyên liệu theo quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế… Ngoài ra, cũng tính đến các giải pháp đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu trong chế biến thủy sản. Đối với thị trường xuất khẩu sẽ ưu tiên xây dựng, xúc tiến quảng bá thương hiệu các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh (hải sản đông lạnh, chế biến khô, nước mắm…). Đồng thời chú trọng đến thị trường trọng điểm, truyền thống như khối các nước EU, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Hoa Kỳ và mở rộng những thị trường tiềm năng khác để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản phát triển.
Đ.QUỐC