Phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ
Đây là dịp để tỉnh Bình Thuận được lắng nghe những ý kiến đóng góp, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp khả thi từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số làm động lực phát triển mới cho 3 trụ cột kinh tế của Bình Thuận. Qua đó, tìm kiếm những giải pháp khả thi để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, thông minh và có sức cạnh tranh cao, nhờ vào sức mạnh của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.


Một trong những ý kiến tại hội thảo của ông Đỗ Phú Trần Tình – Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến khoa học công nghệ, chuyển đổi số là động lực phát triển các sản phẩm chiến lược trong các trụ cột kinh tế của Bình Thuận. Theo ông Tình, Bình Thuận là nơi hội tụ cả những tiềm năng thiên phú và đan xen những thách thức phát triển. Việc quán triệt và cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là con đường duy nhất để vượt qua điểm nghẽn hiện tại.
Để triển khai Nghị quyết số 57 một cách hiệu quả, không thể thực hiện một cách dàn trải mà cần có chiến lược phát triển tập trung, trọng tâm và trọng điểm, hướng vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tỉnh phải xác định rõ các lĩnh vực, ngành nghề có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của mình. Đồng thời phải phân tích kỹ lưỡng các yếu tố tác động như điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Dựa trên những phân tích này, tỉnh sẽ phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm ứng dụng vào các sản phẩm chủ lực của địa phương để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp chuỗi giá trị, giảm thiểu tổn thất trong chế biến và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.


Những tiềm năng phát triển kinh tế
Ông Đỗ Phú Trần Tình nhấn mạnh thêm, vùng đất Bình Thuận đã khẳng định rõ tiềm năng và lợi thế vượt trội nhờ vị trí địa lý chiến lược, điều kiện tự nhiên đặc thù cùng định hướng phát triển phù hợp xu thế hiện đại. Do đó, đề xuất tỉnh xem xét một số sản phẩm chiến lược và công nghệ chiến lược như trung tâm logistics về năng lượng tái tạo của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên.

Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại Bình Thuận nhằm nâng cao chuỗi giá trị và thu nhập cho ngư dân, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chủ quyền biển đảo. Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh cần tiếp tục nâng cấp chuỗi giá trị thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng cường chế biến sâu, gắn với phục vụ cho sức khỏe và sắc đẹp. Mặt khác, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp xanh và bền vững. Về lĩnh vực dịch vụ du lịch, Bình Thuận cần tiên phong phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng số hóa toàn diện. Trước mắt, cần nghiên cứu và phát triển hệ thống dữ liệu du lịch tập trung ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hành vi du khách, dự báo nhu cầu và tối ưu hóa phân bổ nguồn lực...
Còn về công nghiệp, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển Cảng quốc tế Vĩnh Tân gắn với định hướng phát triển trung tâm logistics năng lượng tái tạo của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên. Đây chính là trung tâm xuất – nhập khẩu thiết bị năng lượng tái tạo (tuabin gió, pin mặt trời, cấu kiện…) và là trung tâm trung chuyển nguyên vật liệu, bảo trì thiết bị cho các dự án điện gió ngoài khơi. Theo đó, khoa học công nghệ cần tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ mới như tuabin công suất lớn ≥ 15 MW, tuabin nổi (floating wind), Công nghệ lưu trữ năng lượng (Energy Storage)…
Bình Thuận cần tận dụng tối đa các tiềm năng sẵn có và chủ động hội nhập vào dòng chảy công nghệ toàn cầu để tạo ra lợi thế cạnh tranh chiến lược, nâng cao vị thế của tỉnh trên bản đồ phát triển quốc gia. Chỉ khi tri thức, công nghệ và dữ liệu trở thành nền tảng của mọi chiến lược phát triển, Bình Thuận mới có thể thực hiện được khát vọng trở thành một địa phương phát triển nhanh và bền vững.