Theo dõi trên

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế: Chuyện không chỉ ở chính quyền

02/04/2018, 08:53

Bài 2: Tinh giản biên chế - chuyện không đơn giản

BT- Có lẽ chuyện khó nhất vẫn là tinh giản biên chế, bởi khi tinh giản sẽ đụng đến tâm tư, tình cảm của không ít người đã quen sống nhờ vào “bầu sữa mẹ” biên chế…

Kiên quyết và hiệu quả

Theo đó, năm 2018 biên chế hành chính của tỉnh là 2.228 biên chế, giảm 270 biên chế so biên chế năm 2017. Trong đó  cắt giảm 48 biên chế theo kế hoạch tinh giản biên chế hành chính của tỉnh giai đoạn 2015 - 2021; cắt giảm 222 biên chế sử dụng vượt so với biên chế Trung ương giao, cụ thể giảm 11 biên chế do chuyển sang biên chế sự nghiệp (thành lập Trung tâm Lưu trữ lịch sử thuộc Chi cục Văn thư lưu trữ); thu hồi 1 biên chế lái xe của UBND huyện Hàm Tân; chuyển 31 biên chế quản trị mạng tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Ban Quản lý khu công nghiệp, Văn phòng HĐND tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường và UBND cấp huyện sang biên chế sự nghiệp; cắt giảm 179 biên chế sử dụng vượt so với Trung ương sau khi rà soát, sắp xếp đầu mối bên trong các tổ chức hành chính, xác định biên chế theo từng vị trí việc làm của từng cơ quan, tổ chức hành chính.

                
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Đến nay, so với số biên chế hành chính Trung ương dự kiến giao năm 2018 là 2.209 biên chế, tỉnh còn vượt 19 biên chế (ở các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kiểm lâm, quản lý thị trường, thanh tra giao thông), UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cắt giảm trong năm tiếp theo để đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương tại Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của của Bộ Chính trị. Đặc biệt là số nhân viên hợp đồng hầu hết các cơ quan, đơn vị đều tiến hành cắt giảm theo kế hoạch. Nhiều nơi không bổ nhiệm thêm phó phòng khi vị trí đó cán bộ nghỉ hưu, tinh gọn lại các phòng ban. Đang yên đang lành bỗng dưng bị tinh giản khiến không ít người... tâm tư. Vì thế mà cấp ủy, các đoàn thể phối hợp chính quyền của cơ quan, đơn vị phải làm thật chặt chẽ từ dưới lên, họp phòng, bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét người đó có đáp ứng yêu cầu công việc hay không, so với các đồng nghiệp khác thế nào, làm công tác tư tưởng, thậm chí có cơ quan đã đưa ra bỏ phiếu lấy ý kiến của cả cơ quan. Quả thật, để giảm được 1 người không hề đơn giản chút nào!

Chính nhờ việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế mà Bình Thuận bước đầu đã đạt được một số kết quả trong giải quyết các thủ tục hành chính, hiệu quả công việc ở nhiều đơn vị tăng lên rõ rệt, giảm hẳn tình trạng còn một số công chức “sáng cắp ô đi lên tán gẫu, uống trà, làm không hết việc, lề mề, hiệu quả kém...”. Nổi bật, mới đây sau 3 năm tụt hạng liên tục, năm 2017 đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của Bình Thuận khi chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tăng 8 bậc (từ 32 lên 24), xếp loại khá.

Những kiến nghị

Tại Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chỉ đạo thực hiện: "Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay, không thành lập tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn" và "kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm không tăng biên chế trong cả hệ thống chính trị. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có". Tuy nhiên, tại thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ với một số bộ ngành lại hướng dẫn thành lập thêm chi cục trực thuộc sở (thành lập chi cục trên cơ sở phòng chuyên môn), làm tăng cơ cấu tổ chức và cần phải tăng biên chế để thực hiện (Ví dụ: Sở Xây dựng, thông tư liên tịch hướng dẫn thành lập chi cục giám định xây dựng trên cơ sở trung tâm kiểm định xây dựng và một số đơn vị chuyên môn thuộc sở). Do vậy, việc xây dựng cơ cấu tổ chức của các cơ quan gặp khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Mô hình chi cục thuộc sở tại một số sở chưa thật phù hợp. Nếu ở cấp phòng chỉ cần một số công chức chuyên môn nghiệp vụ, thì đối với chi cục ngoài số công chức chuyên môn, nghiệp vụ cần phải có thêm một bộ máy và số biên chế để giúp việc cho hoạt động của chi cục, tăng thêm trụ sở, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, xe công… Mô hình này cần nghiên cứu để đạt hiệu quả hơn. Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của phòng y tế, phòng dân tộc trực thuộc UBND huyện với đối tượng và phạm vi quản lý ngày càng thu hẹp. Với chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc trên lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế và dân tộc thì không cần thiết phải thành lập phòng, các chức năng có thể bố trí chuyên viên ở VP UBND cấp huyện theo dõi là phù hợp và hiệu quả.

 Định hướng tương lai

Ngay từ đầu năm 2018, Bình Thuận tiếp tục rà soát, xây dựng phương án và thực hiện cắt giảm ngay số biên chế hành chính tỉnh giao vượt so với biên chế Trung ương giao cho tỉnh. UBND tỉnh đã có Công văn số 288/UBND-NC ngày 14/9/2017 chỉ đạo khắc phục những vấn đề sau kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu UBND tỉnh thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, sự nghiệp theo hướng tinh gọn, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động hiệu quả; rà soát lại biên chế theo đề án vị trí việc làm, xây dựng kế hoạch, lộ trình cắt giảm biên chế hành chính giao vượt so với chỉ tiêu Trung ương giao và xác định số người làm việc theo vị trí việc làm đến năm 2021 theo hướng giảm 10% so năm 2015. Cuối năm 2017, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phương án cắt giảm biên chế sử dụng vượt trong kế hoạch biên chế hành chính năm 2018 đối với các cơ quan hành chính. Sắp xếp đầu mối bên trong các tổ chức hành chính, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc và danh mục vị trí việc làm để xác định biên chế theo từng vị trí việc làm của từng cơ quan, tổ chức hành chính, làm cơ sở cho việc cắt giảm biên chế sử dụng vượt. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện tinh giản biên chế, đề xuất hoặc xử lý, nhận xét, xếp loại theo thẩm quyền đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương, đơn vị không thực hiện nghiêm đề án, kế hoạch về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo hướng dẫn của Trung ương…

 Như vậy, cùng với những nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nghị quyết tạo ra bước đột phá mới trong việc sắp xếp, tinh giản, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị mà Bình Thuận hiện đã và đang thực hiện có hiệu quả.

    
    Ông Nguyễn   Ngọc Chỉnh - Giám đốc Sở Nội vụ: “Cái khó nhất ở Bình Thuận trong tinh   giản biên chế là vừa phải giảm số biên chế đã vượt so với Trung ương   giao, lại vừa phải giảm theo NQ  mỗi năm 10% theo lộ trình đến năm 2021   đảm bảo đạt chỉ tiêu theo Trung ương giao. Trong công tác này phải cơ   cấu lại đội ngũ công chức, sắp xếp lại vị trí việc làm, phòng, ban, giảm   bớt khâu trung gian, một bộ phận làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho   một bộ phận làm tránh chồng chéo…”.

Hà Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia
BTO-Sáng 5/11, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế: Chuyện không chỉ ở chính quyền