Sau thất bại của các nghị sĩ trong việc thành lập liên minh chính phủ, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và đối thủ chính Benny Gantz, lãnh đạo đảng Xanh-Trắng theo đường lối trung dung, ngay ngày 12/12 đã bắt đầu chiến dịch bầu cử thứ 3 trong chưa đầy một năm. Cam kết mà hai nhà lãnh đạo đưa ra đều là chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. Tuy nhiên, “bằng cách nào?” thì đây vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Trang nhất nhật báo Yediot Aharonoth nổi bật dòng chữ “Xấu hổ” được in trên nền đen, còn tờ Israel Hayom lại ví chính trường Israel như “một rạp xiếc”. Ảnh: AsiaNews |
Ngay sau khi hết thời hạn chót để tìm ra một vị Thủ tướng có thể tập hợp đủ sự ủng hộ cần thiết, các nghị sĩ Israel ngày 12/12 đã chính thức bỏ phiếu giải tán Quốc hội, cũng như thể thức của một cuộc tổng tuyển cử mới, dự kiến vào ngày 2/3 tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thay vì thỏa hiệp để thành lập một chính phủ liên minh và vì thế cũng tránh được một cuộc bầu cử mới, các tầng lớp chính trị tại Israel lại lựa chọn lá phiếu của cử tri để quyết định người chiến thắng.
Dù không quá bất ngờ, song cử tri Israel cũng không thể che giấu được sự mệt mỏi và hoài nghi về tương lai đất nước.
“Tôi nghĩ rằng Israel đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất, cả về kinh tế, đối ngoại và y tế. Điều duy nhất chúng tôi cần lúc này là một chính phủ ổn định để xử lý tốt những vấn đề này”, một cử tri bày tỏ.
“Thật sự bức bối khi nghĩ rằng các đảng lãnh đạo không thể đi đến một thỏa thuận để đưa đất nước tiến lên. Và đôi khi tôi đã đặt câu hỏi: Phải chăng đất nước cũng cần một tiến trình hòa bình? Và ước có một quả bóng ma thuật có thể giúp giải quyết tất cả các vấn đề”, một cử tri khác nói.
Tổng thống Reuvel Rivlin thì một lần nữa phải kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị gạt bỏ tư tưởng đảng phái vì sự tương lai đất nước.
Cùng với thông tin về cuộc tổng tuyển cử lần thứ 3 trong chưa đầy 1 năm, báo chí Israel hôm qua cũng “điểm mặt chỉ tên” những nhân tố bị xem là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Nếu như trang nhất nhật báo Yediot Aharonoth nổi bật dòng chữ “Xấu hổ” được in trên nền đen, tờ Israel Hayom lại ví chính trường Israel như “một rạp xiếc”.
Ông Yohanan Plesner, một chuyên gia chính trị tại Israel nhận định: “Những diễn biến mới nhất này đồng nghĩa với việc Israel tiếp tục ở trong chế độ bầu cử thêm nửa năm nữa và Israel tiếp tục dưới sự lãnh đạo của một chính phủ lâm thời không thể đưa ra quyết định lớn, không bổ nhiệm hay không thể thông qua bất kỳ quyết định quốc gia quan trọng nào”.
Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng cầm quyền lâu nhất tại Israel, với 13 năm và đang hi vọng có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên, không giống với những lần trước đó, lần này thách thức của ông Netanyahu lớn hơn nhiều khi đang phải đối mặt với các tội danh tham nhũng, lạm dụng tín nhiệm và tham ô. Một chiến thắng bầu cử sẽ giúp ông nhận được lá phiếu miễn trừ của Quốc hội.
Có thể nói, bầu cử là một lựa chọn “được ăn cả ngã về không” đối với ông Netanyahu, nhất là khi đối thủ chính của ông vẫn là thủ lĩnh đảng Xanh-Trắng theo đường lối trung dung Benny Gantz. Đảng này đã về nhất trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 vừa qua, dù không thể giành đa số để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Các cuộc thăm dò ý kiến tại Israel đều cho thấy ông Netanyahu và ông Benny Gantz đang bám đuổi nhau sát nút. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ tái diễn kịch bản của 2 cuộc bầu cử trước đó khi không đảng nào giành đủ thế đa số cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ và phải tìm kiếm liên minh. Một số tờ báo thậm chí đã đề cập nguy cơ một cuộc bầu cử lần thứ 4. Trong bối cảnh bức tranh chính trị của đất nước gần như bị đóng băng như hiện nay, thì chìa khóa cho vấn đề sẽ nằm ở tỷ lệ cử tri đi bầu hay cụ thể hơn là ý chí của người dân Israel.
Thu Hoài/VOV