Theo dõi trên

4 câu hỏi lớn xoay quanh việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem

16/05/2018, 07:39

Tổng thống Donald Trump chính thức khánh thành đại sứ quán mới tại Jerusalem bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế và “cơn thịnh nộ" của Palestine.

Ngày 14/5/2018, Mỹ chính thức khánh thành đại sứ quán mới tại Jerusalem, đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nhà nước Israel đồng thời cũng là ngày Palestine gọi là Nakba (Ngày Thảm họa). Quyết định này cho thấy ông Donald Trump đã giữ đúng lời hứa trong đợt vận động tranh cử tổng thống, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, “cơn thịnh nộ” của người Palestine và sự phản đối ở vùng đất Thánh Jerusalem. Đã có nhiều cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra giữa người biểu tình Palestine và quân đội Israel ngay trong ngày.

                
      
      Thủ tướng Israel    Benjamin Netanyahu (phải) trao cho Đại sứ Mỹ tại Israel David    Friedman thư cảm ơn trong buổi lễ xác nhận di dời đại sứ quán Mỹ từ    Tel Aviv về Jerusalem. Ảnh: Reuters.

Tại sao Mỹ chuyển đại sứ quán đến Jerusalem?

Có nhiều lý do khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển đại sứ quán đến Jerusalem. Trước hết, Mỹ muốn làm yên lòng đồng minh Israel. Theo nhận định của tờ Bưu điện Jerusalem, quyết định của Nhà Trắng nhằm cứu vãn cho uy tín của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang bị lung lay vị trí do cáo buộc liên quan đến tham nhũng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rất quan tâm và tìm mọi cách để giữ người bạn “chí cốt” Netanyahu của mình không bị mất chức. Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã chủ trương xây dựng quan hệ nồng ấm với Israel. Không chỉ đổ hàng tỉ đô la Mỹ tiền viện trợ, Mỹ còn chống lưng cho Israel về mặt ngoại giao. Bằng chứng là Mỹ đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ Israel trước những nghị quyết chống lại nhà nước Do Thái này.

Tiếp đến, ông Donald Trump muốn kích hoạt đạo luật tưởng chừng như đã “chết yểu” của Mỹ. Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật gọi vắn tắt là Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem. Đạo luật này cung cấp các điều khoản cho phép Mỹ dời Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem, nhưng từ đó đến nay các đời tổng thống Bill Clinton, George W. Bush hay Barack Obama đều không thực hiện.

Ông Benny Avni, nhà phân tích của tờ Bưu điện New York, vốn có lập trường ủng hộ Israel cho rằng “Luật pháp Mỹ cho phép chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Các chính phủ tiền nhiệm của Mỹ luôn tìm cách trì hoãn đạo luật này theo thời hạn 6 tháng 1 lần. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã làm điều mà không ai ngờ tới. Đây sẽ là một dấu ấn lớn của ông trong suốt nhiệm kỳ.”

Một số nhà phân tích khác thì cho rằng, Mỹ đang muốn gây sức ép tối đa đối với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng như đáp trả việc Palestines bác bỏ vai trò trung gian hòa giải của Mỹ trong tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã cắt giảm kinh phí tài trợ của Liên Hợp Quốc dành cho Palestine và đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine tại Washington.

Đại sứ quán mới nằm ở vị trí nào của Jerusalem?

Việc khai trương đại sứ quán mới của Mỹ tại Jerusalem diễn ra 6 tháng sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ra tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đảo ngược hoàn toàn chính sách kéo dài nhiều thập kỷ qua của Mỹ đối với vấn đề quy chế thành phố Jerusalem. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chi 400.000 USD để nâng cấp một tòa nhà lãnh sự quán cũ ở Arnona trở thành đại sứ quán. Địa điểm đặt đại sứ quán này của Mỹ nằm giữa Tây Jerusalem và một khu vực được gọi là No Man's Land (đất chẳng của ai), được tạo ra vào cuối cuộc chiến năm 1948 giữa Israel và các nước láng giềng khối Arab. Cái tên Arnona gần như bị lãng quên cho đến khi Mỹ quyết định chuyển đại sứ quán tới đây. Theo tờ New York Times, Arnona là một khu vực phi quân sự và vẫn đang bị tranh chấp.

Tuy nhiên nơi đây chỉ là địa điểm hoạt động tạm thời. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ sẽ tìm kiếm một địa điểm khác ở Jerusalem để xây mới hoàn toàn đại sứ quán và chuyển hoàn toàn số nhân viên hiện có ở Tel Aviv tới nơi mới.

Nhân viên đại sứ quán có bao nhiêu?

Theo nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, số lượng nhân viên ban đầu tại đại sứ quán mới vào khoảng 50 người, gồm có các trợ lý của Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman và các nhân viên lãnh sự quán Mỹ đang hoạt động tại đây. Trong thời gian Bộ Ngoại giao tìm kiếm một địa điểm khác để xây dựng tòa nhà mới, ông David Friedman sẽ phải điều hành công việc cả ở hai nơi Tel Aviv và Jerusalem.

Bao nhiêu quốc gia tham dự lễ khánh thành?

Bộ ngoại giao Israel cho biết đã gửi thư mời tổng số 86 phái đoàn ngoại giao nước ngoài tham dự sự kiện mừng Mỹ mở cửa Đại sứ quán ở Jerusalem nhưng chỉ có 33 nước chấp nhận lời mời. Trong số này có Guatemala và Paraguay là hai nước theo chân Mỹ, sẽ mở cửa Đại sứ quán ở Jerusalem vào cuối tháng 5.

Không khí của buổi lễ khai trương càng trầm lắng hơn khi vắng mặt đa số đại sứ nước ngoài tại Israel và đặc biệt, không có sự xuất hiện của bất cứ đồng minh nào của Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU). Điều này cho thấy EU đang “ngoảnh mặt quay lưng” với quyết định chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem của Tổng thống Trump.

Một số ngoại trưởng Châu Âu chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump là thiếu khôn ngoan và khiến căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông. Trong thông báo đăng tải trên trang mại Twitter, phái đoàn đại diện EU ở Israel cho biết, tổ chức này sẽ “tôn trọng sự nhất trí của cộng đồng quốc tế về tình trạng của Jerusalem bao gồm việc duy trì vị trí hiện trạng của các đại diện ngoại giao cho tới khi tuyên bố cuối cùng về Jerusalem được đưa ra”.

Hồng Anh/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4 câu hỏi lớn xoay quanh việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem