Ngày 4/12, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ bước vào các cuộc tranh luận 5 ngày để vận động sự ủng hộ của Nghị viện với thỏa thuận Brexit sơ bộ mà chính phủ của bà đạt được với Liên minh châu Âu EU ngày 25/11, sau quá trình đàm phán Brexit kéo dài 17 tháng đầy chông gai. Năm ngày tranh luận tại Nghị viện trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/12 tới, được cho là sẽ quyết định số phận chiếc ghế của Thủ tướng, cũng như việc liệu Anh có rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận hay không.
5 ngày vận động sự ủng hộ của Nghị viện Anh với Thỏa thuận Brexit sẽ quyết định tương lai của cả Thủ tướng Theresa May và chính thỏa thuận này. Ảnh: Reuters |
Kế hoạch của Thủ tướng Theresa May có mối quan hệ chặt chẽ với Liên minh châu Âu sau khi rời khỏi EU đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nghị sĩ, cho thấy cuộc chiến của bà để đảm bảo sự ủng hộ tại Nghị viện trong một cuộc bỏ phiếu vào ngày 11/12 tới sẽ rất khó khăn.
Điều đáng lo ngại là thỏa thuận đạt được với Liên minh châu Âu vào tháng 11/2018 đang vấp phải sự chỉ trích của cả lực lượng không ủng hộ EU và ủng hộ EU, cho rằng thỏa thuận này sẽ khiến Anh trở nên yếu thế hơn. Thậm chí cả đối tác trong liên minh của Thủ tướng Anh là Đảng DUP cũng bác bỏ thỏa thuận, trong khi các đảng đối lập cho biết họ không thể ủng hộ thỏa thuận. Trong một thông điệp gửi tới Quốc hội, Thủ tướng Anh đã kêu gọi các nghị sĩ suy nghĩ về quyền lợi của cử tri, thay vì bác bỏ thỏa thuận Brexit.
“Tôi sẽ cố gắng thuyết phục các nghị sĩ và giải thích cho họ rằng tại sao thỏa thuận này lại tốt cho nước Anh, thỏa thuận góp phần bảo vệ việc làm, cuộc sống và an ninh cho chính cử tri Anh. Tuy nhiên, nếu chúng ta không vượt qua được cuộc bỏ phiếu, nước Anh sẽ phải đối mặt với sự chia rẽ và bất ổn”
Nếu Thỏa thuận sơ bộ này được nghị viện Anh thông qua sẽ khiến Anh rời EU vào ngày 29/3 tới theo các điều khoản đã kí với Liên minh châu Âu - sự xoay chuyển trong chính sách ngoại giao và thương mại lớn nhất của nước này trong hơn 40 năm qua. Nếu Thỏa thuận không vượt được qua số phiếu ủng hộ tại Nghị viện, Thủ tướng Anh có thể sẽ kêu gọi cuộc bỏ phiếu thứ 2.
Tuy nhiên việc thất bại tại Nghị viện cũng đồng nghĩa làm gia tăng khả năng nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận - triển vọng có thể khiến nền kinh tế Anh chao đảo và đặt Thủ tướng Theresa May trước sức ép phải từ chức.Thất bại tại Nghị viện cũng tạo ra nhiều khả năng Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 về việc tiếp tục rời hay ở lại EU. Với những viễn cảnh mà nước Anh phải đối mặt nếu rời EU không có thỏa thuận, Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove tin tưởng rằng chính phủ có thể thắng trong cuộc bỏ phiếu về Thỏa thuận Brexit vì không có lựa chọn nào khác tích cực hơn:
“Tôi biết sẽ là rất khó khăn nhưng thực sự quan điểm của tôi đó là nước Anh sẽ đối mặt với nguy cơ hiện hữu nếu Nghị viện Anh không thông qua thỏa thuận này. Khi đó khả năng sẽ có một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 diễn ra. Nếu Thỏa thuận không được thông qua chúng ta sẽ không có thỏa thuận nào tốt hơn cái mà chúng ta đã đạt được với EU".
Đã có một số đề cập về một Thỏa thuận Brexit ôn hòa hơn, với việc Anh sẽ rời EU trên cơ sở của Thỏa thuận sơ bộ đã đạt được với EU. Tuy nhiên sẽ có những điều khoản cụ thể hơn đó là kết thúc quá trình chuyển giao, Anh sẽ tái tham gia vào Hiệp hội thương mại tự do châu Âu, gia nhập Khu vực kinh tế châu Âu và thị trường chung. Ngoài ra, Anh sẽ vẫn ở trong liên minh thuế quan với Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên trong một tuyên bố cứng rắn, Thủ tướng Theresa May cho biết sẽ không có sự thay đổi nào đối với kế hoạch Brexit mà bà đã nhất trí với các lãnh đạo khác của EU. Thủ tướng cũng bác bỏ tin đồn rằng bà có thể từ chức nếu dự thảo kế hoạch Brexit không nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội trong cuộc họp ngày 11/12 tới.
Phạm Hà/VOV