Theo dõi trên

50 năm sau giải phóng (17/4/1975-17/4/2025): Tuy Phong – vùng của kết nối và hội tụ

17/04/2025, 05:13

Tuy Phong bây giờ đã phát triển rõ nét 3 trụ cột kinh tế mà điều đặc biệt, trụ cột công nghiệp với ngành công nghiệp sản xuất điện ở huyện với các loại hình như nhiệt điện, điện gió, mặt trời chiếm tỷ lệ lớn, đóng vai trò quan trọng tác động tăng trưởng GRDP của tỉnh.

1. Thông tin chính thức sáp nhập Bình Thuận và 2 tỉnh Tây nguyên là Lâm Đồng và Đắk Nông ngày 13/4/2025 loan ra khiến không ít người dân ở huyện Tuy Phong hy vọng tuyến đường Phan Dũng - Lâm Đồng sẽ sớm khởi công. Đây là tuyến đường đặt ra đã 3 nhiệm kỳ qua nhưng chưa thể thực hiện, vì nhiều lý do, dù hình dáng đã được phác họa với điểm đầu nối vào tuyến huyện lộ Liên Hương – Phan Dũng đi qua những cánh rừng sản xuất và rừng phòng hộ dài hơn 30 km, bề rộng nền đường 9m, đường cấp III…Nhưng theo thời gian, với nhu cầu khám phá cung đường lạ, cung đường kết nối giữa đại ngàn của Lâm Đồng xuống vùng biển đẹp đến vỡ òa khi chạm mặt ở Tuy Phong của bao dân phượt khắp mọi miền dồn về đã tạo ra đường bởi vì nhiều người đi lại mà thành.

lan_2238.jpg
Đường giao thông Liên Hương - Phan Dũng
_lan2766.jpg
Đường giao thông Liên Hương - Phan Dũng chạy dọc hồ thủy lợi Sông Lòng Sông
du-lich-da-ngoai-tuyen-duong-xuyen-rung-ta-nang-phan-dung-anh-n.-lan-11-.jpg
Du khách đi phượt mạo hiểm xuyên rừng tuyến đường Tà Năng - Phan Dũng
lan_6736.jpg
Hòn Cau Tuy Phong
20191003_145501.jpg
Đường QL 28B

Không chỉ mở ra một tour du lịch hấp dẫn mới cùng các dịch vụ đi kèm, làm phong phú thêm sắc màu du lịch vùng biển, với đảo gần có tên Hòn Cau mà còn góp phần tăng thêm lượng khách cho Tuy Phong nhiều lên theo năm một cách bất ngờ. Như năm 2022, với hơn 1,1 triệu lượt khách đến Tuy Phong thì số lượt khách ra đảo Hòn Cau gần 8.300 lượt khách; số lượt khách theo tuyến Tà Năng - Phan Dũng gần 6.300 lượt khách. Sang năm 2023, con số này tăng lên với hơn 12.000 lượt khách ra đảo Hòn Cau, hơn 10.000 lượt khách theo tuyến Tà Năng - Phan Dũng, góp vào gần 1,46 triệu lượt khách của huyện. Năm 2024 cũng thế, với 1,650 triệu khách, tăng 13,35% so với cùng kỳ, trong đó có góp phần của tour, tuyến khám phá biển, đảo và đi phượt mạo hiểm, mở ra kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều du khách đến Tuy Phong trong thời gian đến.

Điều đáng chú ý, tuyến đường kết nối hình tượng 2 vùng là biển và hoa trên, trong thâm tâm bao người đang mơ một triển vọng có thể mở thêm 1 lối nữa cho hàng hóa Tây nguyên xuống Cảng Quốc tế Vĩnh Tân có thể gần hơn Quốc lộ 28B. Đây là hướng ra biển của Tây nguyên xuống tại địa phận thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình trước khi ra Cảng quốc tế Vĩnh Tân đang cải tạo, nâng cấp sẽ hoàn thành trong năm 2026. Có mơ ước đó, bởi trước kia, khi dự án Boxit Tây Nguyên rầm rộ, tuyến đường này được hoạch định sẽ vận chuyển boxit xuống Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Nhưng rồi không thành, còn Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã hình thành và trước mắt mấy năm nay đang phục vụ những chuyến tàu chở tro xỉ của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, chở những vật liệu, thiết bị cho việc thi công các dự án điện gió, điện mặt trời góp phần tạo nên hình dáng trung tâm năng lượng quốc gia trên địa bàn huyện như hiện tại. Riêng việc vận chuyển hàng hóa thương mại vẫn đang bỏ ngỏ …

Dù vậy, các công trình hạ tầng giao thông khác xoay quanh Cảng quốc tế Vĩnh Tân, đến thời điểm này đã thấy xôm tụ. Như Trung tâm Logistics Bình Thuận (đã đổi tên thành Trung tâm Vận tải đa phương thức và dịch vụ hậu cần Vĩnh Tân) gắn kết với Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã được xây dựng giai đoạn 1, đã đi vào hoạt động. Như Ga Vĩnh Tân cũng thế, bên cạnh, ngành đường sắt đầu tư mới Ga Phong Phú và sửa chữa, cải tạo Ga Sông Lòng Sông và Ga Vĩnh Hảo như tạo thêm vệ tinh. Rồi gần đó, đường bộ cao tốc (Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Vĩnh Hảo – Cam Lâm) đoạn qua địa bàn huyện Tuy Phong cũng hình thành. Bây giờ, người dân Tuy Phong đi lại 2 đầu giáp ranh của huyện như đi chợ hàng ngày, khi các tuyến xe buýt nối Bắc Bình - Phan Rí Cửa - Chí Công - Liên Hương - Vĩnh Hảo - Vĩnh Tân - Phan Rang (Ninh Thuận) luôn hoạt động. Còn dưới nước thì Sở Giao thông Vận tải đã cấp giấy phép hoạt động Bến thủy nội địa cho doanh nghiệp phục vụ khách du lịch ra Hòn Cau.

_lan2979.jpg
Đường bộ cao tốc (Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Vĩnh Hảo – Cam Lâm)
untitled_1.1.52.jpg
Cảng tổng hợp quốc tế Vĩnh Tân
lan_6727.jpg
Tàu chở khách ra Hòn Cau của Công ty TNHH Hoàng Phúc Bình Thuận

2. Nhận định mở giao thông là mở nội lực rất đúng với Tuy Phong, khi bây giờ, nơi đây không còn cảnh chân đi trên đường cát lún, không còn bụi đất bay mù trời mỗi khi gió cuốn thốc lên vốn dĩ rất đặc trưng như tên gọi. Tuy Phong bây giờ đã phát triển rõ nét 3 trụ cột kinh tế mà điều đặc biệt, trụ cột công nghiệp với ngành công nghiệp sản xuất điện chiếm tỷ lệ lớn đóng vai trò quan trọng, tác động tăng trưởng GRDP của tỉnh. Thế nên, chỉ cần dịch chuyển trong phát điện ở khu vực Tuy Phong đã tạo ra ảnh hưởng tức thì mà câu chuyện tăng trưởng GRDP quý 1/2025 của tỉnh là một ví dụ. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng ở thế triển vọng của trỗi dậy, khi hiện tại trên địa bàn không chỉ có khu công nghiệp Tuy Phong, các cụm công nghiệp Hòa Phú, Vĩnh Tân mà sắp tới huyện còn được bổ sung quy hoạch khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Thuận với diện tích khoảng 500ha tại khu vực Láng Trống, xã Hòa Minh.

dien-gio-tuy-phong-anh-n.-lan-2-.jpg
Điện gió Tuy Phong
dsc_0297.jpg
Điện mặt trời Tuy Phong
lan_2327.jpg
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.
khu-cong-nghiep-tuy-phong-anh-n.-lan-2-.jpg
Khu công nghiệp Tuy Phong

Trong khi đó, nông nghiệp đã chuyển một bước dài, từ chỗ khan hiếm nước sang có nước, nhờ trên địa bàn có 3 hồ chứa nước ở thế bổ sung cho nhau, nhất là hồ Phan Dũng trên cao, trữ và chuyển nước về dưới đồng bằng khi cần. Hơn thế, cuối năm 2024, vùng đất Tuy Phong có thêm nguồn nước khác, khi có tuyến kênh chuyển nước từ hồ Cà Giây (Bắc Bình) ra. Tuy nhiên, với vùng khí hậu khắc nghiệt này, người dân ở đây hiểu có nước đó nhưng cũng sẽ nhanh hết ngay nên từ đó, lựa chọn sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước. Thành ra, Tuy Phong có diện tích đất rộng nhưng những cánh đồng trồng lúa chỉ hơn 400 ha, còn lại là cây ăn trái như táo, nho, thanh long được trồng trong nhà lưới, áp dụng kỹ thuật tiến bộ, bảo đảm đạt năng suất và chất lượng trong điều kiện khắc nghiệt. Từ đây không chỉ tạo ra sản phẩm OCOP đặc trưng mà còn tạo thế cho dịch vụ mới xuất hiện như dịch vụ du lịch nhà vườn.

lan_2169.jpg
Hồ thủy lợi Phan Dũng
_lan1769.jpg
Tuyến kênh chuyển nước từ hồ Cà Giây (Bắc Bình) ra Tuy Phong
nho-1.jpg
Vườn nho ở xã Phước Thể.
_lan2617.jpg
Cánh đồng lúa xã Phong Phú

Thực tế, dịch vụ cứ nảy sinh theo nhu cầu như thế, cộng thêm trong giai đoạn 2021-2025, Tuy Phong triển khai “Đề án đẩy nhanh tốc độ phát triển dịch vụ, nhất là thương mại và du lịch” nên lĩnh vực dịch vụ nói chung đã có kết quả vượt bậc. Theo báo cáo của UBND huyện Tuy Phong, chỉ riêng lĩnh vực thương mại, ngoài siêu thị Co.op mart, cửa hàng Bách hóa xanh, các cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng nhanh theo thời gian, đến nay có khoảng 3.160 cơ sở. Cụ thể, nếu năm 2021, trên địa bàn huyện có 115 cơ sở, năm 2022 có thêm 161 cơ sở thì năm 2023 có thêm 198 cơ sở, năm 2024 thêm 230 cơ sở. Đó là chưa nói hệ thống chợ truyền thống ở trung tâm huyện và các xã đã được sửa chữa, xây mới. Bên cạnh, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng đã hình thành và đi vào hoạt động. Trên tuyến đường Liên Hương - Bình Thạnh-Chí Công-Phan Rí Cửa và nhiều tuyến đường trục chính của nội thị thị trấn Liên Hương, thị trấn Phan Rí Cửa, việc kinh doanh, buôn bán đông đúc; thương mại, dịch vụ có thể nói là sầm uất. Từ đây lan tỏa những đổi thay ra những vùng nông thôn có lợi thế.

20250414_152615.jpg
Nhiều cơ sở kinh doanh trên các tuyến đường ở Phan Rí Cửa, Tuy Phong
20250414_153429-0-.jpg
Hàng hóa phong phú được bày bán trong các siêu thị
20250414_154501.jpg
Nhiều cơ sở dịch vụ du lịch ven tuyến đường Liên Hương - Bình Thạnh - Chí Công - Phan Rí Cửa

Nhờ phát triển rõ nét 3 trụ cột kinh tế, Tuy Phong không chỉ có thêm nhiều hộ dân giàu, khá giả mà còn xóa được nhiều hộ nghèo. Kết quả từ thực hiện Nghị quyết số 08 của Huyện ủy (khóa IX) về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Tuy Phong đã giảm được 531/779 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.

5 năm gần đây, thu ngân sách của Tuy Phong năm sau cao hơn năm trước, đều vượt dự toán được giao, có năm tăng đến 60% với tổng thu ngân sách 1.750,5 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2021 thu ngân sách hơn 300,8 tỷ đồng, đạt 161,8%; còn năm 2024 thu 345 tỷ đồng đạt 103,1%, dù có khó khăn trong thu tiền sử dụng đất, vì vướng giá đất cụ thể ... Nhưng sang quý 1/2025, thu tiền sử dụng đất của huyện ước đạt 11.000 triệu đồng, góp vào nguồn thu chung 85 tỷ đồng.

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Căn cứ Tỉnh ủy Bình Tuy – Dấu ấn lịch sử trong kháng chiến chống đế quốc
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, ác liệt, sự ra đời và hoạt động của Tỉnh ủy Bình Tuy là một minh chứng sống động cho tinh thần kiên cường, ý chí quật cường của Đảng bộ, quân và dân Bình Thuận. Căn cứ Tỉnh ủy Bình Tuy không chỉ là nơi ghi dấu những quyết sách chiến lược trong cuộc kháng chiến mà còn là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và truyền thống cách mạng của quê hương Bình Thuận.
Nổi bật
Thành tựu Bình Thuận sau 50 năm ngày giải phóng
Bình Thuận, một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Sau ngày giải phóng, Bình Thuận đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển đầy ấn tượng. Từ một vùng đất có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đánh bắt hải sản, Bình Thuận đã chuyển mình thành một tỉnh có nền kinh tế trọng điểm, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước... Đổi thay ấy là công sức của bao thế hệ lãnh đạo cùng với với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
50 năm sau giải phóng (17/4/1975-17/4/2025): Tuy Phong – vùng của kết nối và hội tụ