Theo dõi trên

6 việc cần làm để phòng chống cháy, nổ ở gia đình

10/09/2016, 10:43

BTO- Thời gian gần đây tình hình cháy nổ diễn biến hết sức phức tạp, nhiều vụ cháy ở gia đình gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Có thể điểm lại một số vụ nghiêm trọng xảy ra từ đầu 2016 đến nay trong cả nước như: Vụ cháy tại gác lững của ông Trần Văn Ôi ở Đà Nẵng vào ngày 8/3/2016 làm ông bị chết ngạt; vụ phát nổ tại phòng trọ chị Định Thị Trang ở quận 8 - TP. Hồ Chí Minh vào ngày 31/3/2016 làm bỏng nặng 2 người; vụ cháy nhà số 423- Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh vào ngày 10/6/2016 làm 4 người chết; vụ cháy nhà bà Đoàn Thị Liên ở Biên Hòa (Đồng Nai) vào ngày 27/6/2016 làm 4 người chết; vụ cháy nhà số 91- Phan Bội Châu, TP. Cà Mau ngày 31/7 làm 6 người thiệt mạng; vụ cháy nhà anh Bùi Quang Thái (Đông Hưng, Thái Bình) làm 1 người chết, 4 người bị thương và  mới đây nhất là vụ cháy ngôi nhà 5 tầng của hộ Nguyễn Chi Lăng (Hà Đông, Hà Nội) vào ngày 22/8/2016 khiến 1 người chết 1 người bị bỏng nặng…

Ở Bình Thuận từ đầu năm đến nay xảy ra 31 vụ cháy, trong đó có 18 vụ cháy nhà làm 1 người bị thương, thiệt hại tài sản gần 1,3 tỷ đồng. Qua thống kê cho thấy tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh luôn chiếm tỷ lệ cao và có chiều hướng gia tăng, không loại trừ có thể xảy ra những vụ nghiêm trọng như trên. Vì thực tế Bình Thuận cũng có rất nhiều nhà hình ống, nhà ở kết hợp làm kho chứa, kinh doanh buôn bán hàng quần áo, vải, đệm, mút, đồ gỗ gia dụng, tạp hóa, vàng mã, dung môi, hóa chất, xe máy… Đây là những mặt hàng rất dễ cháy, khi xảy ra tốc độ lan nhanh, tỏa ra nhiều khói, khí độc nếu không kịp thời phát hiện và không có sự chuẩn bị cũng như những kỹ năng nhất định thì khó có thể thoát nạn.

Đề chủ động phòng ngừa cháy nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, các hộ gia cần làm 6 việc như sau:

1. Các hộ gia đình cần hướng dẫn thống nhất cho các thành viên trong gia đình phương án thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại nhà mình. Cần đặt ra tình huống như: Cháy tại phòng khách; cháy bình gas bếp; cháy tại phòng ngủ… cháy ban ngày, cháy ban đêm khi cửa bị khóa… thì xử lý thế nào, thoát nạn ở đâu để mọi người có thể hình dung và có kỹ năng cần thiết ứng phó hữu hiệu.

2. Khi thiết kế nhà các hộ nên chú ý ngay từ đầu bố trí lối thoát thứ 2 (ngoài cửa chính) để phòng khi có sự cố. Mỗi hộ cần kiểm tra khả năng thoát nạn của ngôi nhà mình. Những nhà nhiều tầng nếu có một lối duy nhất là cửa chính thì cần tạo ra lối thoát thứ 2 hoặc phải chuẩn bị sẵn dụng cụ như búa tạ, xà beng, kìm cộng lực, ghế, thang dây để ở chỗ thích hợp trong nhà khi cần thiết có thể dùng phá dỡ để thoát nạn.

3. Các vật dụng sinh hoạt, hàng hóa trong nhà là không thể thiếu và luôn tồn tại, do đó việc cần làm là phải ngăn chặn không cho nguồn nhiệt xuất hiện hoặc trong trường hợp nguồn nhiệt có phát sinh thì cũng không thể bén cháy vào các vật dụng gia đình. Theo đó chú ý bố trí bảng điện, ổ cắm, thiết bị điện, dây dẫn điện, bàn thờ ông địa… cách ít nhất 0,5 m với các vật dụng, đồ dễ cháy hoặc có biện pháp che chắn bằng các tấm không cháy; sắp xếp hàng hóa thuận lợi cho việc di chuyển, thoát nạn; đặc biệt chú ý việc tồn chứa các dung môi, xăng dầu phải cách xa thiết bị sinh nhiệt.

4. Khi phát hiện có cháy hãy bình tĩnh báo động cho các thành viên trong gia đình biết và tổ chức thoát nạn, kêu cứu các hộ xung quanh và gọi điện ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp qua số máy 114. Sử dụng mền nhúng nước trùm lên người để băng qua khu vực cháy khi thoát nạn. Sử dụng nước, mền nhúng nước, bình chữa cháy để dập lửa. Cúi thấp xuống sàn khi di chuyển, sử dụng khẩu trang hoặc khăn ướt hạn chế khói độc. Nếu không thế thoát ra lối cửa chính hãy nhanh chóng thoát ra lối cửa phụ hoặc sử dụng các vật dụng đã trang bị như búa, xà beng phá dỡ tại các vị trí mái, thông gió, cửa sổ, giếng trời… đồng thời kêu cứu người ngoài hỗ trợ. Trong trường hợp mắc kẹt không thể ra khỏi ngôi nhà thì cần tìm nơi cầm cự (có thể là một phòng, khu vực cuối hành lang, ban công hay vị trí thuận tiện bên ngoài có thể tiếp cận cứu trợ) để kéo dài thời gian cầu cứu.

5. Khi phát hiện thấy mùi khí gas trong nhà cần cảnh báo cho các thành viên gia đình di dời ra khỏi nhà, đồng thời mở tất cả các cửa để thông gió. Tuyện đối không tháo tác công tắc, cầu dao điện, mở bếp, diêm, quẹt hay bất cứ dụng cụ phát sinh tia lửa nhiệt nào. Nếu có thể tiếp cận thì tháo bình gas đưa ra nơi an toàn, nếu không hãy báo cho nơi cung cấp bình gas đến xử lý.

6. Mỗi gia đình nên trang bị từ 1 đến 2 bình chữa cháy; khẩu trang lọc độc, đèn pin, đèn xạc và các điều kiện sẵn sàng xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Gia đình có điều kiện có thể lắp thêm hệ thống báo cháy tự động loại đầu báo cháy tại chỗ, đầu báo có dây hoặc vô tuyến sẽ giúp phát hiện, cảnh báo cháy sớm ngay từ khi đám cháy mới phát sinh.

T. NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
6 việc cần làm để phòng chống cháy, nổ ở gia đình