Theo dõi trên

65 năm ấy biết bao ân tình

19/04/2025, 12:11

Đồng lòng kết nghĩa tình sâu nặng/Bình Thuận, Tuyên Quang nghĩa đậm đà”, ngày 3/4/1960 - 3/4/2025 đánh dấu 65 năm 2 tỉnh Tuyên Quang và Bình Thuận kết nghĩa. Cán bộ, nhân dân 2 tỉnh hân hoan, tự hào, xúc động ôn lại kỷ niệm về ngày chính thức trở thành “anh em một nhà”.

Trục đường Bình Thuận tại thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quốc Việt

“Là cây một cội, là con một nhà”

Hưởng ứng phong trào kết nghĩa Bắc - Nam do Trung ương phát động, tháng  3 năm 1960 Trung ương Đảng chấp thuận cho Nhân dân 2 tỉnh Tuyên Quang và Bình Thuận kết nghĩa anh em.

Xác định đây là một sự kiện chính trị quan trọng, Tỉnh ủy Tuyên Quang yêu cầu phải phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng. Đồng thời đẩy mạnh công tác và sản xuất, nhằm vào các trọng tâm công tác trước mắt, tạo một không khí sôi nổi chuẩn bị cho việc tổ chức lễ kết nghĩa.

Trục đường Bình Thuận là một trong những tuyến phố sầm uất nhất thành phố Tuyên Quang hiện nay.​ Ảnh: Quốc Việt

7 giờ sáng ngày 3-4-1960, tại Hội trường lớn tỉnh Tuyên Quang, lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Tuyên Quang - Bình Thuận được tổ chức trong không khí hân hoan, phấn khởi. Đây cũng chính là mốc son mở đầu cho mối quan hệ gắn bó keo sơn, son sắt, nghĩa tình giữa Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh.

Tiếp đó, lễ kết nghĩa giữa các huyện, thị xã được tiến hành. Cụ thể: thị xã Tuyên Quang kết nghĩa thị xã Phan Thiết, huyện Yên Sơn kết nghĩa với huyện Hàm Thuận, huyện Na Hang kết nghĩa với huyện Tánh Linh, huyện Chiêm Hóa kết nghĩa với Huyện Hòa Đa (nay là huyện Bắc Bình), huyện Hàm Yên kết nghĩa với huyện Hàm Tân.

Trụ sở phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Ảnh: Quốc Việt

Ngay những ngày đầu kết nghĩa, tỉnh Tuyên Quang đã phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất để chi viện cho miền Nam, cho Bình Thuận. Điển hình trong đó phải kể đến các phong trào, hoạt động: “Ngày làm đường nối liền Tuyên Quang – Bình Thuận”, “Vì miền Nam ruột thịt, vì Bình Thuận kết nghĩa, vì sự thống nhất Tổ quốc”, “Tháng thi đua lao động sản xuất vì miền Nam”, “Ngày lao động cao điểm, làm ra sản phẩm, lấy tiền ủng hộ phụ nữ Bình Thuận”... Nhiều trường học, tổ đội sản xuất, cửa hàng, tên đường ở Tuyên Quang mang tên Bình Thuận, Phan Thiết. Ở Bình Thuận cũng có những ngôi trường, con đường mang tên Tuyên Quang.

Đặc biệt, trên mặt trận nông nghiệp, quân và dân Tuyên Quang đã ra sức thi đua với khí thế "Ta tiến công ra đồng ruộng như đồng bào Bình Thuận xông vào đồn giặc”. Cũng từ đây mà những đợt thóc từ hậu phương Tuyên Quang đã liên tục được chuyển ra tiền tuyến, bất chấp những năm thiên tai địch họa hay đói kém.

Trên mặt trận văn hoá, Tuyên Quang, Bình Thuận hoà làm một. Trong đó có tập thơ văn “Vì miền Nam ruột thịt” do các cây viết xứ Tuyên sáng tác. Tác phẩm ra đời trong tuần đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, đẩy mạnh sản xuất, ủng hộ đồng bào Miền Nam và đồng bào Bình Thuận từ 15-12-1963 đến 25-12-1963.

Trục đường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) hiện nay. Ảnh: Quốc Việt

Tác phẩm được gửi vào chiến trường miền Nam đã góp phần “thắp lửa” cho tiền tuyến. Các tác phẩm tiêu biểu như: “Vinh dự” và “Nếu anh hiểu có gì kinh khủng” của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Hoài Quang, “Tặng anh chiến sỹ quân giải phóng” của nhà thơ Gia Dũng,  “Liệng ma hỏm” của Nông Ngọc Thuận…

Với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh gắn bó bền chặt bên nhau, tiếp cho nhau sức mạnh chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà, non sông liền một dải.

Hoà bình lập lại, tình kết nghĩa Bình Thuận, Tuyên Quang càng thêm sâu đậm, keo sơn. Tuyên Quang tiếp tục tăng cường cho Bình Thuận nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý và chi viện lương thực, thực phẩm, giống cây, giống con để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân; gửi tặng cuốn sách báo.

Một góc Lâm trường Tuyên Bình, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) hiện nay. Ảnh: Quốc Việt

Đặc biệt tháng 9- 1993, cán bộ, đảng viên và nhân dân Tuyên Quang đã tổ chức lễ rước cây đa từ Tân Trào tặng quê hương Bình Thuận. Món quà mang tính biểu tượng thiêng liêng, ý nghĩa nặng ân tình đã được người dân nơi đây đón nhận trong sự kính trọng, nâng niu. Ngày nay, cây đa Tân Trào đã được trồng trong khuôn viên trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bình Thuận.                 

Thương nhau chia ngọt, sẻ bùi…

Suốt 65 năm qua, nhân dân 2 tỉnh Tuyên Quang, Bình Thuận không ngừng gìn giữ, chăm lo và ngày càng làm sâu sắc hơn mối tình kết nghĩa keo sơn. Mối tình này đã bám rễ ăn sâu vào tâm thức, chảy trong huyết quản của các thế hệ cán bộ, người dân 2 tỉnh, trở thành giá trị tinh thần vô giá.

Nhiều năm tháng qua, để vun đắp cho mối quan hệ kết nghĩa thủy chung ngày càng bền chặt, để cùng nhau xây dựng lại quê hương giàu đẹp, lãnh đạo 2 tỉnh và các huyện kết nghĩa thường xuyên thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Chủ tịch Hội thiện nguyện Lan tỏa yêu thương tỉnh Bình Thuận tặng quà cho người dân xã Tân Long (Yên Sơn) bị thiệt hại do mưa lũ.

Đồng chí Nguỵ Văn Thận, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang kể lại rằng, trong những năm tháng ông công tác, ông vinh dự nhiều lần đón đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận đến thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang. Kỷ niệm ông nhớ nhất, có lần đoàn Hội Cựu chiến binh Bình Thuận đến tỉnh. Trong đó có một cựu chiến binh vì yêu thích mảnh đất Tuyên Quang mà tự đi khám phá và bị lạc lên tận xã Lang Quán (Yên Sơn). Sau khi được tìm thấy, đồng chí ấy còn mong muốn được ở lại vài ngày vì người Tuyên Quang ở đâu cũng thân thiện, nhiệt tình. Đến đây như là được trở về nhà, thân quen vô cùng.

Không chỉ là người Bình Thuận cảm mến, yêu thương mảnh đất Tuyên Quang mà người Tuyên Quang đến với Bình Thuận cũng có những cảm xúc như thế. Đồng chí Nguỵ Văn Thận nói thêm: “Đoàn Tuyên Quang cứ vào miền Nam là phải đến thăm Bình Thuận bởi đó là quê hương, là nhà của mình rồi”.

Các ngành giáo dục, nông nghiệp, văn hoá, Tỉnh đoàn, báo chí.. của 2 tỉnh đều có nhiều hoạt động hỗ trợ, gắn bó, giao lưu thắt chặt thêm tình đoàn kết, keo sơn.  Điển hình nhất là việc trao đổi cán bộ làm việc, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Ngôi trường mang tên mảnh đất Tuyên Quang tại Bình Thuận.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạch, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang chia sẻ: “Năm 1997, Báo Tuyên Quang và Báo Bình Thuận thực hiện chương trình trao đổi phóng viên giữa 2 tỉnh. Trong khoảng thời gian 2 tháng, 2 phóng viên Báo Tuyên Quang là cố nhà báo Đỗ Hùng và nhà báo Ngô Thị Thu Hà vào Báo Bình Thuận tác nghiệp, làm việc. Còn Báo Bình Thuận cũng cử 2 phóng viên đến công tác, làm việc tại Báo Tuyên Quang. Đây thực sự là một chương trình có ý nghĩa nhằm giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực tế, thực hành ngay tại báo bạn nên rất hiệu quả để các nhà báo nâng cao tay nghề”.

Dù cách xa nhau hơn 1.000 cây số nhưng các hoạt động kết nghĩa, củng cố mối quan hệ hợp tác chặt chẽ luôn được các cơ quan, đơn vị, địa phương của 2 tỉnh duy trì, phát triển tốt. Trong lĩnh vực Văn hóa - Thể thao - Du lịch, 2 tỉnh có nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn phục vụ đời sống văn hoá tinh thần cho người dân; kết nối giao lưu quảng bá văn hoá, du lịch địa phương đến bạn bè 2 tỉnh.

Ủy ban MTTQ 2 tỉnh thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Tỉnh đoàn 2 địa phương duy trì các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, tham gia bảo đảm an sinh xã hội. Hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ thường xuyên được tổ chức...

Các trường học mang tên những địa danh tỉnh bạn hết sức quen thuộc. Như: tại Tuyên Quang có trường Tiểu học Phan Thiết, trường Tiểu học Bình Thuận, THCS Bình Thuận;  tại Bình Thuận có trường Tiểu học Tuyên Quang. Thầy trò 2 tỉnh thường xuyên có những hoạt động kết nghĩa, giao lưu trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, học tập.

Học sinh Bình Thuận vui học tập dưới mái trường Tiểu học Tuyên Quang.

Các huyện của 2 tỉnh kết nghĩa cũng có nhiều hoạt động thể hiện sự kết nối bền chặt, ấm áp tình cảm giữa 2 địa phương. Huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) và huyện Bắc Bình (Bình Thuận) thường xuyên có những hoạt động giao lưu, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng chí Ma Doãn Tài, Bí thư Huyện đoàn Chiêm Hóa chia sẻ, đoàn Thanh niên 2  huyện tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa như: hàng năm, xây dựng công trình Vì đàn em thân yêu "Vòng tay kết nối Chiêm Hoá - Bắc Bình", công trình thư viện ngoài trời tại các trường học của 2 huyện.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Tỉnh đoàn cho biết: "Dù 2 tỉnh cách xa 1.000km, nhưng tôi cảm giác mọi thứ đều rất gần gũi. Cán bộ đoàn cấp tỉnh, huyện của 2 tỉnh gần như quen biết nhau và kết nối thường xuyên, chia sẻ trong công việc, cuộc sống. Mọi người xem nhau như anh em, sẵn sàng giúp đỡ khi khó khăn”.

Các hoạt động chia ngọt sẻ bùi giữa 2 tỉnh liên tục được duy trì trong suốt những năm qua. Tuyên Quang đã hỗ trợ Bình Thuận xây dựng những căn nhà tình nghĩa, một số công trình như cầu dân sinh, hệ thống nước sạch... Mỗi khi Nhân dân Bình Thuận gặp hoạn nạn, khó khăn do mưa bão, dịch bệnh đều nhận được sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân Tuyên Quang.

 Bình Thuận cũng hỗ trợ trao nhiều phần quà, hỗ trợ xây dựng hàng chục nhà Đại đoàn kết cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn tại Tuyên Quang. Tháng 9- 2024, Tuyên Quang bị thiệt hại do bão Yagi, nhân dân Bình Thuận từ người dân, cán bộ, công chức viên chức, học sinh tham gia góp quỹ ủng hộ người dân Tuyên Quang. Các thành viên Hội thiện nguyện Lan tỏa yêu thương tỉnh Bình Thuận trực tiếp đến các xã bị thiệt hại để thăm hỏi, hỗ trợ hàng nghìn suất quà, nhu yếu phẩm, kinh phí sửa chữa nhà ở cho hàng chục hộ dân, trường học khắc phục hậu quả do mưa bão.

Trải qua thăng trầm lịch sử đã minh chứng cho sức mạnh được tạo nên từ tinh thần đoàn kết dân tộc trở thành “bức tường thành” uy nghiêm, vững bền cùng đất nước. Hoà trong khối sức mạnh vĩ đại ấy, mối quan hệ bền chặt giữa hai tỉnh Tuyên Quang, Bình Thuận đã trở thành một biểu tượng ngời sáng cho nghĩa tình thủy chung, bền chặt:“Tuyên Bình nghĩa nặng tình sâu/ Sáu lăm năm ấy đậm đà sắt son”.

BAOTUYENQUANG.COM.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tự hào 50 năm giải phóng, tiếp bước xây dựng quê hương
Cách đây đúng 50 năm, quân và dân Bình Thuận đã đồng loạt tổng tiến công giải phóng Bình Thuận (19/4/1975), góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, người dân Bình Thuận đầy tự hào và tin tưởng sẽ xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
65 năm ấy biết bao ân tình