Theo dõi trên

9 tháng năm 2021: Nông nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch

07/10/2021, 07:44

BT- Trong 9 tháng năm 2021, Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid - 19 gắn với khôi phục, phát triển kinh tế địa phương. Quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với sự quyết tâm, linh hoạt, vượt khó của các sở, ngành, các địa phương, một số lĩnh vực kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, phát triển khá ổn định là sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

Thu hoạch lúa hè thu đạt năng suất 57 tạ/ha. Ảnh: Đình Hòa

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển

Trong 9 tháng năm 2021, mặc dù toàn tỉnh phải căng mình đối phó với dịch bệnh nhưng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lại diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Nông dân toàn tỉnh đã gieo cấy đạt 112.093,8 ha, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2020, tăng tập trung ở các loại cây như cây lúa, đậu phụng. Trong đó diện tích cây lúa đạt 79.443,1 ha, tăng 20,76%; diện tích cây bắp đạt 10.351 ha, tăng 2,12%. Sản lượng lương thực trong 9 tháng ước 560.939 tấn, đạt 70,3% kế hoạch cả năm, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó sản lượng lúa đạt 489.742,4 tấn, tăng 23,55% so với cùng kỳ năm 2020, năng suất đạt 61,6 tạ/ha, tăng 2,31% so với cùng kỳ năm 2020. Để phát phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 8.184 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn.

Riêng vụ hè thu, đến nay đã kết thúc thu hoạch, diện tích gieo trồng vụ hè thu đạt 65.144,8 ha. Trong đó diện tích cây lương thực sơ bộ đạt 49.980,7 ha. Sản lượng lương thực vụ hè thu sơ bộ đạt 244.661,1 tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2020, năng suất sơ bộ đạt 57 tạ/ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với việc thu hoạch vụ hè thu các địa phương tiến hành xuống giống vụ mùa, nhìn chung vụ mùa năm nay gặp thuận lợi về thời tiết, nguồn nước tưới được đảm bảo so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 9/2021, diện tích xuống giống vụ mùa đạt 26.767,1 ha, tăng 5,1 lần so với cùng kỳ năm 2020; trong đó cây lúa đạt 21.200 ha, tăng 5,7 lần; cây bắp đạt 1.709,5 ha, tăng 4,9 lần; rau các loại đạt 1.174,8 ha, tăng 2,8 lần; đậu các đạt 1.308,2 ha, tăng 9,5 lần.

Đối với cây lâu năm, tổng diện tích đạt 109.880 ha, tăng 1,39% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, diện tích cây ăn quả đạt 44.588,4 ha, tăng 3,3%; cây công nghiệp đạt 64.419,9 ha, tăng 0,2%. Diện tích, sản lượng một số cây lâu năm của tỉnh trong 9 tháng năm 2021 như sau:

Cây thanh long có tổng diện tích 33.500 ha, tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thu hoạch đạt 532.420 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Cây điều có tổng diện tích 17.650 ha, tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thu hoạch đạt 12.800 tấn, tăng 5,42% so với cùng kỳ năm 2020. Cây cao su có tổng diện tích 42.400 ha, diện tích không đổi so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng đạt 38.200 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhìn chung trong 9 tháng năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá ổn định; không chỉ phát triển về diện tích canh tác mà còn tăng về sản lượng, năng suất thu hoạch ở đa số các loại cây trồng.

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đều tăng

Trong 9 tháng năm 2021, điều kiện thời tiết, ngư trường trên vùng biển của tỉnh diễn biến thuận lợi nên hoạt động khai thác hải sản tương đối ổn định. Các nghề lưới rê, lặn, mành chà, mành mực, lưới kéo, lồng bẫy hoạt động hiệu quả. Một số loài thủy sản có sản lượng đánh bắt cao như: cá trích, cá nục, cá ngừ, cá bạc má, ghẹ, mực, bạch tuộc… Mặc dù, từ tháng 7/2021 đến nay dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh, 2 địa phương nghề cá trọng điểm của tỉnh là thị xã La Gi và TP. Phan Thiết đã triển khai áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ làm cho hoạt động khai thác, tiêu thụ hải sản bị ảnh hưởng đáng kể.

Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng tăng so cùng kỳ năm 2020 (ảnh tư liệu). Ảnh: Đình Hòa

Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng đạt 166.875,1 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó khai thác biển ước đạt 166.426 tấn, tăng 1,1%. Hoạt động sản xuất tôm giống gắn với công tác kiểm dịch, phân tích xét nghiệm mẫu được duy trì thường xuyên. Sản lượng giống sản xuất tôm giống trong 9 tháng đạt 18,7 tỷ con, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tình hình nuôi trồng thủy sản 9 tháng qua thuận lợi, không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra. Diện tích nuôi trồng thủy sản đã thu hoạch 9 tháng đạt 1.973,5 ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó diện tích nuôi cá đạt 798 ha, tăng 2,3%; diện tích nuôi tôm đạt 1.157,7 ha, tăng 2,6%). Sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng ước đạt 8.852,6 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó cá các loại đạt 3.401 tấn, tăng 2,3%; tôm nuôi nước lợ đạt 5.394,5 tấn, tăng 1,9%.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ. Hoạt động tuần tra, kiểm soát, quản lý tàu cá hoạt động trên biển và tại cảng cá được tăng cường đẩy mạnh, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển. Tiếp tục thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá. Đến nay toàn tỉnh có 1.814/1.925 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Công tác đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên, tính đến ngày 3/9, đã đăng kiểm 1.510/3.861 tàu, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa.

Sản xuất nông nghiệp và thủy sản là 2 lĩnh vực kinh tế quan trọng, tác động khá lớn đến đời sống của người dân Bình Thuận. Với những kết quả tích cực đạt được như trên, không chỉ phản ảnh sự lao động chăm chỉ, nỗ lực vượt khó của đại bộ phận nông - ngư dân mà còn có sự nỗ lực của các sở, ngành, chính quyền các cấp trong chỉ đạo và quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trên địa bàn tỉnh.

Huỳnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
9 tháng năm 2021: Nông nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch