Ai Cập và Qatar vừa nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bước đi tích cực này được thực thi theo khuôn khổ thỏa thuận đã ký tại Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 41 được tổ chức mới đây tại thành phố Al-Ula, Saudi Arabia, chính thức khép lại cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ kéo dài suốt 3 năm rưỡi qua tại khu vực vùng Vịnh.
Ảnh: Reuters
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ: “Liên quan đến các bước đi nhằm thực thi những cam kết chung quy định trong Tuyên bố Al-Ula, Cộng hòa Arab Ai Cập và Nhà nước Qatar ngày 20/1 đã trao đổi công hàm chính thức, theo đó hai bên nhất trí để khôi phục quan hệ ngoại giao”.
Đầu tuần này, các chuyến bay thẳng đầu tiên giữa Qatar với Ai Cập đã được nối lại. Sân bay quốc tế Cairo của Ai Cập ngày 18/1 chính thức tiếp nhận chuyến bay đầu tiên từ Doha sau khi quốc gia Bắc Phi này chấm dứt lệnh cấm vận hàng không đối với Qatar, cho thấy thành công bước đầu mà Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 41 của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đem lại. Sự hòa giải giữa các quốc gia vùng Vịnh được đánh dấu bằng việc ký kết một thỏa thuận hướng tới "sự đoàn kết và ổn định" mang tên Tuyên bố Al-Ula.
Đánh giá về thỏa thuận mang tính bước ngoặt chấm dứt sự tẩy chay của Bộ Tứ Arab với Qatar, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud không quên nhắc tới vai trò của Ai Cập trong giải quyết căng thẳng trong khu vực.
“Với nỗ lực chung của các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh và các nhà lãnh đạo Ai Cập, mọi khác biệt đã được giải quyết và các mối quan hệ ngoại giao sẽ được khôi phục hoàn toàn. Tất cả những điều này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa các nước liên quan và cũng là một nhân tố quan trọng, đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực”, ômh Al Saud nói.
Về phía Qatar, nước này khẳng định hội nghị thượng đỉnh vùng Vịnh vừa qua đã chấm dứt tranh chấp, xây dựng lòng tin giữa các nước trong khu vực. Qatar tin tưởng sự thống nhất Vùng Vịnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh khu vực, nhấn mạnh “cuộc khủng hoảng không cần thiết này cần phải kết thúc dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”. Chính phủ Qatar cũng một lần nữa bày tỏ mong muốn thúc đẩy tiến trình hàn gắn quan hệ với các nước Arab trong đó có Ai Cập càng sớm càng tốt, nhất là trong thời điểm quốc gia này đang chuẩn bị đăng cai World Cup 2022.
Liên tiếp các tín hiệu tích cực xuất hiện thời gian gần đây khi một loạt nước nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao với Qatar, mà mới nhất là Ai Cập, càng củng cố thêm hy vọng rằng những bế tắc và chia rẽ lâu nay ở vùng Vịnh sẽ tạm thời chấm dứt, mở ra thời kỳ hợp tác mới vì lợi ích chung của các nước trong khu vực vốn luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Phương Anh/VOV