Để tiêm được số liều vắc xin “nhiều người mơ ước” này, ông Brahmadev Mandal, một cựu nhân viên bưu điện ở làng Chausa, phía Đông bang Bihar đã sử dụng nhiều chứng minh nhân dân và số điện thoại khác nhau của bà con họ hàng để đăng ký trên cổng thông tin Chính phủ.
Ông vừa bị nhân viên y tế phát hiện khi đi tiêm mũi thứ 12. Trong khi đó Chính phủ Ấn Độ chỉ cho phép mỗi người dân tiêm 2 mũi. Và đang bắt đầu chuẩn bị tiêm mũi tăng cường cho lực lượng tuyến đầu và người lớn tuổi dễ bị tổn thương do Covid-19.
Theo lịch tiêm của ông Mandal, vào tháng 1 năm ngoái ông đăng ký trên cổng thông tin Chính phủ CoWin khi Chính phủ phát động chương trình tiêm chủng cho người lớn tuổi.
Ngày 13/2, ông bắt đầu tiêm mũi 1 trước khi tiếp tục tiêm các mũi kế tiếp, có ghi chú ngày tháng và địa điểm tiêm mỗi liều. Theo đó, số mũi tiêm còn lại lần lượt vào tháng 3, 5, 6, 7 và 8. Đến tháng 9, ông tiêm 3 mũi, 2 mũi vào tháng 11 và lần cuối cùng đăng ký tiếp tục tiêm vào 30/12 thì bị phát hiện.
“Vắc xin đã mang lại lợi ích cho tôi. Mọi người nên tiêm vắc xin. Chính phủ đã đem lại điều tuyệt vời. Tôi đã bị đau lưng và không đi lại được, nhưng giờ đã khỏi. Tôi không bị ho hoặc cảm lạnh nữa” - ông Mandal nói với các kênh tin tức địa phương.
Sự việc phơi bày lỗ hổng trong hệ thống theo dõi tiêm chủng Quốc gia, hay còn gọi là sổ theo dõi tiêu chủng online. Giới chức trách Ấn Độ đang điều tra xem làm thế nào ông Mandal tiêm chủng được nhiều như vậy.
Ấn Độ thành công trong việc quản lý gần 1,48 tỷ liều vắc xin cho dân số của mình, nhưng xảy ra một số trường hợp cá biệt vì trục trặc hệ thống CoWin, bao gồm cấp sai giấy chứng nhận cho người chưa được tiêm chủng.
“Ông Mandal sử dụng nhiều chứng minh nhân dân khác nhau, thay đổi tên và địa chỉ đặt chỗ tiêm. Ông ấy không có phản ứng phụ gì với vắc xin và hoàn toàn khỏe mạnh”, Amrendra Pratap Shahi, một bác sĩ phẫu thuật nói với tờ The Natonal.
Pratap Shahi còn nói thêm: “Chúng tôi đã yêu cầu một cuộc điều tra để tìm ra sự thật. Thăm dò sẽ tìm ra cách ông ấy nhận được nhiều mũi tiêm vắc xin Covid-19”.