Theo dõi trên

Áp lực vụ cá nam

03/05/2019, 08:33

 BT- Vụ cá nam chính thức “mở biển” từ đầu tháng 4, nhưng ngư dân hiện đang đối mặt với nhiều áp lực, chủ yếu là do chi phí tăng và khan hiếm nguồn lao động đi biển.

                
Lao động trẻ tuổi không muốn kế nghiệp nghề    biển. Ảnh: Đ.Hòa

 Chi phí tăng

Sau khi giá xăng, dầu và điện điều chỉnh tăng, các mặt hàng phục vụ khai thác hải sản như đá cây, nước uống, gas cũng tăng mạnh.

Có mặt tại cảng cá Phan Rí Cửa (Tuy Phong) những ngày cuối tháng 4, ghe thuyền không tấp nập như thường thấy dù đã vào chính vụ. Thường thì sau khi kết thúc vụ bấc, bà con ngư dân lại tất bật vào vụ cá nam từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch. Đây là vụ cá chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa tây nam, nhiệt độ nước biển tăng lên, cá nổi di chuyển từ ngoài khơi vào gần bờ. Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi nên hoạt động của ngư dân trên biển sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên những tháng đầu vụ cá nam, nhiều ngư dân tỏ ra buồn bã vì sản lượng khai thác đạt thấp. Ngư dân Lê Văn Hải (khu phố Hải Tân) chia sẻ: “Tàu chúng tôi đi 2 ngày liên tục nhưng chỉ thu về 2 tấn cá các loại, nếu trừ chi phí xăng dầu là lỗ. Phí tổn ngày càng tăng trong khi việc khai thác lại bấp bênh do nguồn lợi hải sản giảm, giá cả cũng thường xuyên biến động”.

Những ngư dân khác cho biết, từ đầu vụ đến nay đa số tàu thuyền đánh bắt sản lượng thấp hơn so với mọi năm. Đi 10 chuyến thì chỉ có khoảng 2 - 3 chuyến có lãi. Nguyên nhân khiến sản lượng đánh bắt vụ cá nam giảm sút, do ngư trường đang có xu hướng ngày càng cạn kiệt làm cho ngư dân thất thu. Những loại hải sản truyền thống mọi năm đánh bắt được khá phong phú có giá trị kinh tế cao như mực nang, mực ống, cá thu, cá ảo… thì năm nay một số loại vắng bóng. Thay vào đó nhiều loại cá nục nhỏ, cá cơm, cá chỉ… nhưng những loại này bán giá thấp nên khó đem lại lợi nhuận cao cho ngư dân. Mặt khác, giá dầu tăng, các mặt hàng phục vụ khai thác cũng tăng theo, bạn thuyền lại khó tìm, khiến cả chủ tàu lẫn lao động đều kém vui vì thu nhập thấp.

 Thiếu lao động

Thiếu lao động đi biển là một trong những khó khăn lớn nhất của ngư dân trong 5 năm trở lại đây, nhất là vào mùa cao điểm. “Thông thường, những tàu khai thác hải sản xa bờ trên 15 ngày cần 10 - 12 lao động, nhưng do không tìm được người, nên đôi lúc chỉ có 5 - 7 lao động cũng phải xuất bến, dù biết hiệu quả sản xuất không cao”, chủ tàu Nguyễn Văn Thanh cho biết. Vì thiếu lao động, kéo theo thời gian bám biển phải dài hơn so với kế hoạch, nên ảnh hưởng đến chất lượng và giá bán sản phẩm. “Chúng tôi đỏ mắt mới kiếm đủ bạn đi biển. Khi lên tàu, phải mất nhiều thời gian để hướng dẫn thao tác cho người mới vào nghề. Những chuyến đầu, họ làm việc chậm chạp, hiệu quả thấp, dễ làm cá giảm chất lượng, rách lưới. Sau vài chuyến, do chủ tàu lỗ, được chia tiền ít, họ nghỉ làm” - ông Thanh bộc bạch.

Nhiều ngư dân cho biết thêm các tàu “khát” lao động đến mức trước khi ra biển phải ứng trước tiền cho bạn từ 5 - 7 triệu đồng để “giữ” chân. Đặc biệt là bạn lặn ứng rất nhiều, hơn chục triệu đồng/ người. Nhiều trường hợp sau khi nhận tiền, mượn cớ không đi làm nhưng lại không trả tiền ứng trước. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, tình trạng thiếu lao động nghề cá đang là vấn đề nan giải, nhưng ngành thủy sản cũng lực bất tòng tâm. Phần vì lực lượng lao động trẻ tuổi không muốn kế nghiệp nghề biển, mà muốn tìm việc trên bờ; phần do e ngại, vì chủ tàu chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới để tăng mức độ an toàn và hiệu quả sản xuất.

Để giải quyết vấn đề này, các lực lượng chức năng cần củng cố hoạt động của các tổ, đội tham gia đánh bắt hải sản, để hỗ trợ nhau trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nâng cao chất lượng kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, đảm bảo kịp thời và hiệu quả thông tin giữa tàu cá và đất liền, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn. 

    
    Thông   thường, những tàu khai thác hải sản xa bờ trên 15 ngày cần 10 - 12 lao   động, nhưng do không tìm được người, nên đôi lúc có chỉ 5 - 7 lao động   cũng phải xuất bến, dù biết hiệu quả sản xuất không cao...

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Bình Thuận tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp
BTO-Chiều 15/1, UBND tỉnh tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; Trả lời những vấn đề được phóng viên quan tâm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã chủ trì buổi họp báo cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và đại diện các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực vụ cá nam