Trang trại thanh long ở Hàm Thuận Nam. Ảnh: N.Lân |
Về một số chỉ tiêu chủ yếu, giai đoạn 2021 - 2025: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,8 - 3,3%/năm; năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân từ 7 - 8%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 5%/năm.
Đến năm 2025, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 22 - 23% trong giá trị tăng thêm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm. Diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ phân bón hữu cơ đạt trên 15% tổng phân bón được sử dụng trên địa bàn; giữ ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng 43% và nâng cao chất lượng rừng. Thu hút số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 50% so với năm 2020; trên 70% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 64%. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt khoảng 130 triệu đồng.
Nghị quyết nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện quy hoạch và cơ cấu lại sản xuất các lĩnh vực. Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến. Đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của người dân…
K.Hằng