Sau 3 năm tái lập, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã vận dụng linh hoạt chức năng tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính và PCTN dù Quy định 183/QĐ-TW của Ban Bí thư không có điều khoản quy định quyền hạn của Ban Nội chính. Do đó, Ban Nội chính đã chủ động đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy chương trình kiểm tra giám sát toàn khóa và hàng năm về công tác nội chính và PCTN. Bình quân mỗi năm sẽ có 6 đoàn kiểm tra, giám sát nội chính và PCTN tại 12 địa phương, đơn vị và 5 cá nhân người đứng đầu. Bên cạnh đó, Ban Nội chính còn thường xuyên tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành nghiêm túc thực hiện việc tự kiểm tra nhất là trên lĩnh vực PCTN. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan dân cử tăng cường công tác giám sát theo chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật quy định. Đặc biệt, để công tác kiểm tra, giám sát có hiệu quả, Ban Nội chính đã tự mình hoặc chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát đối với các huyện, thị, thành ủy và một số cơ quan nội chính trên địa bàn.
Trong 3 năm, Ban Nội chính đã tiến hành 19 cuộc kiểm tra, giám sát tại 7 huyện, thị, thành ủy và 10 sở, ngành liên quan về trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với việc giải quyết các khiếu kiện phức tạp, tồn đọng kéo dài. Ban Nội chính đã chủ trì giám sát có hiệu quả, đạt nhất trí cao trên 30 vụ việc, vụ án (nội chính 10 vụ, tham nhũng 20 vụ). Ngoài ra, hàng năm, lãnh đạo ban đã thành lập các tổ công tác do phòng theo dõi công tác PCTN chủ trì trực tiếp đi làm việc nắm tình hình, kiểm tra và hướng dẫn cụ thể cho cơ sở về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, kê khai tài sản thu nhập. Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, việc tăng cường kiểm tra, giám sát đã chấn chỉnh được nhiều sai sót, khắc phục những khuyết điểm, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành góp phần tạo chuyển biến tốt hơn về công tác nội chính và PCTN. Ngoài ra, sẽ kịp thời phát hiện, khắc phục những vụ oan sai bỏ lọt tội phạm; phát hiện những sơ hở trong chỉ đạo quản lý và có văn bản tham mưu chấn chỉnh kịp thời công tác thanh tra hay văn bản tăng cường bảo vệ người tố cáo…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhìn nhận: “Từ ngày được tái lập đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã thực hiện khá tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính. Bên cạnh đó, Ban Nội chính đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo xử lý hiệu quả các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, tham nhũng, lãng phí được kiềm chế…” Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đặc thù, do đó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Nội chính phải xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm, hội đủ 5 yếu tố “kiên quyết về nguyên tắc, mềm dẻo trong thái độ, sắc bén trong lý lẽ, chặt chẽ trong văn bản và linh hoạt về phương pháp”. Có như vậy, Ban Nội chính Tỉnh ủy sẽ đạt được nhiều kết quả hơn trong thời gian tới.
M.V