Theo dõi trên

Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi: Giao khoán người dân giữ rừng

29/09/2016, 08:31

BT- Ông Ngô Công Thanh - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi cho biết: “Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) giúp đơn vị chủ động hơn trong việc triển khai các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt trong công tác tuần tra và các hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Nguồn kinh phí từ DVMTR đã giúp đẩy mạnh được việc giao khoán rừng cho cộng đồng, hộ gia đình bảo vệ rừng”.

Tổng diện tích rừng tự nhiên Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận Đa Mi đã đưa vào giao khoán bằng nguồn chi trả DVMTR nằm trong lĩnh vực thủy điện Hàm Thuận Đa Mi và lưu vực Trị An và bắt đầu thực hiện chi trả từ năm 2014 là 15.885 ha/450 hộ dân. Ngoài diện tích giao khoán cho người dân, đơn vị tự tổ chức quản lý số diện tích rừng tự nhiên còn lại trong lưu vực là 1.535 ha.

Thời gian qua, công tác giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên từ nguồn chi trả DVMTR đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đồng bào dân tộc, cộng đồng dân cư. Bởi qua việc nhận khoán, người dân có thêm một khoản thu nhập ổn định. Để hoạt động giao khoán bảo vệ rừng thật sự mang lại hiệu quả, các hộ nhận khoán được tổ chức thành từng tổ, mỗi tổ có từ 7-8 hộ dân, có bầu tổ trưởng từng tổ chịu trách nhiệm phân công các thành viên trong tổ tuần tra bảo vệ khu vực rừng nhận khoán dưới sự hướng dẫn của các Trạm bảo vệ rừng của đơn vị. Đơn vị chỉ đạo các trạm, chốt thường xuyên giám sát chặt chẽ đối với các tổ, nhóm nhận khoán và báo cáo kết quả về Ban để theo dõi chỉ đạo. Hàng quý thông qua trả tiền giao khoán, tổ chức họp kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện. Hàng năm, Ban tranh thủ các nguồn kinh phí tổ chức tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các chỉ thị, văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng cho các hộ nhận khoán. Đây là giải pháp hiệu quả trong việc khôi phục lại rừng và tạo điều kiện thuận lợi cho rừng tự nhiên phát triển. Công tác giao khoán duy trì ổn định trên diện tích các lâm phần được giao khoán cũng hạn chế được nạn phá rừng trái phép, đời sống của các hộ nhận khoán được cải thiện.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, khó khăn hiện nay phần lớn các hộ nhận khoán là người dân tộc thiểu số, nhận thức về chính sách chi trả DVMTR còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện phải đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên. Mặt khác, điều kiện địa lý, vị trí rừng nhận khoán của các hộ khá xa nơi ở, nhận rừng khác địa phương vì thế tính gắn kết giữa người dân với rừng chưa cao. Diện tích rừng rộng lớn, địa thế hiểm trở nên việc tuần tra, bảo vệ, giám sát gặp nhiều khó khăn. Việc quản lý bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh tuy đã có quy chế phối hợp giữa các địa phương, nhưng thực tế trong quá trình triển khai vẫn còn có những bất cập. Cụ thể, thời gian đi thăm rừng của bà con còn thấp, bình quân 3 ngày/tháng nên tình hình lâm tặc lợi dụng lấy cắp lâm sản vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, chi trả tiền lương các hộ nhận khoán bảo vệ rừng còn thấp, chưa đủ khuyến khích, gắn kết giữa lợi ích kinh tế, môi trường với trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng.

T.Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi: Giao khoán người dân giữ rừng