Theo dõi trên

Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy: Triển khai phương án chống phá rừng trong mùa khô

17/01/2022, 06:11

BT- Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy (RPH) được giao quản lý, bảo vệ 24.110 ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp. Đa số diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn giáp ranh với các huyện Di Linh, Đức Trọng (Lâm Đồng) và Hàm Thuận Bắc.

Địa bàn quản lý rừng phòng hộ trải dài qua 6 xã, trong đó có 3 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số là Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến. Địa hình rừng núi đồi dốc hiểm trở, nên công tác tuần tra, kiểm soát hết sức khó khăn. Nhất là khu vực rừng giáp ranh với Lâm Đồng được xác định là điểm nóng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và lấn chiếm đất lâm nghiệp.

go.jpg.jpg
Ban quản lý RPH Sông Lũy đã tịch thu lâm sản của các đối tượng phá rừng.

Nhận thấy được khó khăn đó, ngay từ đầu năm 2022, Ban quản lý RPH Sông Lũy, Bắc Bình đã triển khai phương án phòng, chống phá rừng trong mùa khô. Tiếp tục củng cố duy trì 5 Trạm bảo vệ rừng, 1 Tổ cơ động chống phá rừng, 7 Tổ chốt bảo vệ rừng có sự tham gia của những hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại các vị trí xung yếu. Đơn vị đã chỉ đạo các Trạm bảo vệ rừng, Tổ cơ động, Tổ chốt bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát rừng trên lâm phần giao quản lý và phối hợp với lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ các xã kiểm tra, truy quét tại các điểm nóng phá rừng. Xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng từng tháng, từng quý theo tình hình diễn biến phá rừng và xác định các nhiệm vụ, nội dung cần tập trung thực hiện. Tổ chức lại lực lượng tổ hộ nhận khoán bảo vệ rừng, phân công cụ thể cho nhân viên bảo vệ rừng tại các trạm, tổ đội nhận khoán bảo vệ rừng để chủ động phối hợp tuần tra rừng. Kiên quyết nhổ bỏ cây trồng trái phép trên diện tích đất lấn chiếm, phá rừng, tạo điều kiện cho rừng tái sinh lại. Lãnh đạo và cán bộ của đơn vị thường xuyên đi kiểm tra rừng và kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các trạm, tổ chốt bảo vệ rừng. Qua đó đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp và chấn chỉnh những sai sót của lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Đồng thời lập danh sách các đối tượng có xe hoán cải, xe máy độ chế cư ngụ tại huyện Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng) để làm việc với công an địa phương về việc cam kết không thực hiện hành vi phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực rừng giáp ranh. Tăng cường phối hợp với các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh, Bảo Thuận, Tam Hiệp (Lâm Đồng) trong công tác tuần tra, truy quét các đối tượng phá rừng và thường xuyên trao đổi thông tin với nhau. Rà soát, bổ sung quy chế phối hợp với Trung đoàn 994 về công tác bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa hai tỉnh.

Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2021 – 2022 trình Ban Chỉ huy bảo vệ rừng – PCCCR huyện phê duyệt để làm căn cứ thực hiện. Củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy bảo vệ và phát triển rừng của đơn vị và thành lập 7 tổ phòng cháy chữa cháy rừng tại các chốt, trạm bảo vệ rừng trên địa bàn các xã để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Đơn vị đã thiết kế, thực hiện công trình đốt chần phòng, chống cháy rừng mùa khô trên địa bàn các xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến. Tổ chức cho 300 hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại xã Phan Sơn, Phan Tiến làm bản cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Triển khai chế độ trực ban 24/24 tại các chốt, trạm bảo vệ rừng và thực hiện chế độ báo cáo tình hình bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng hàng ngày để đơn vị nắm bắt chỉ đạo kịp thời.

TUẤN ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quản lý, bảo vệ và ngăn chặn tình trạng phá rừng giáp ranh
BT- Trong năm 2021, tình hình khai thác, vận chuyển gỗ, phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp. Đặc biệt trên lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy thuộc các tiểu khu 58, 68 (khu vực giáp ranh với xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng), nổi lên tình trạng trồng cây mới trên diện tích đất rừng thuộc rẫy cũ của người dân.
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy: Triển khai phương án chống phá rừng trong mùa khô