Theo dõi trên

“Báo chí công dân” - hãy là một “nhà báo” có trách nhiệm

18/06/2021, 09:43

BT- Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc kết nối thông tin trong xã hội dễ dàng hơn rất nhiều. Ai cũng có thể cung cấp và tiếp nhận thông tin ở nhiều nguồn khác nhau chỉ qua một thiết bị điện tử thông minh. Nhờ vậy, một loại hình báo chí mới: “Báo chí công dân” và “Nhà báo công dân” đang có xu thế phát triển mạnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của loại báo chí này cũng kéo theo một vấn nạn rất đáng báo động - tin giả. 

“Báo chí công dân” - xu thế tất yếu

“Báo chí công dân” là một thuật ngữ chỉ một loại hình báo chí mà thông tin được thu thập phân tích và phổ biến bởi những người dân bình thường (nhà báo công dân) chứ không phải là nhà báo chuyên nghiệp. Sau khi Internet phát triển rộng rãi, các phương tiện kỹ thuật số, mạng xã hội “bùng nổ”, việc truyền dữ liệu từ điện thoại di động đến điện thoại di động, hay việc post thông tin lên các website ngày càng đơn giản là tiền đề để giúp các “nhà báo công dân” có đất phát huy năng lực của mình.

Các trang mạng xã hội đang là một phương tiện hữu ích giúp “Báo chí công dân” phát triển dưới các hình thức Block, twitter, Facebook, Zalo… Trong tương lai, xu hướng này sẽ vẫn còn tiếp tục phát triển.

Tin giả

Việc mọi người có thể dễ dàng đẩy lên mạng xã hội ngay lập tức một thông tin mà không cần phải biên tập, không cần kiểm chứng, khiến mức độ tin cậy của thông tin mà những “nhà báo công dân” đưa ra luôn có một dấu hỏi lớn về độ xác thực. Điều này, cũng đặt ra nhiều thách thức đối với xã hội và các cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực báo chí. Nhiều nguồn thông tin xuất hiện mang tính bịa đặt, không chính xác, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, xã hội hay đôi khi có cả sự kích động, chống phá Nhà nước. Hay như hiện nay, trong khi cả nước đang nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19, thì không ít đối tượng đã đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt lên mạng xã hội nhằm câu view, câu like nhằm trục lợi bất chính.    

Tại Bình Thuận, thời gian qua đã có rất nhiều đối tượng bị xử lý vì tung tin giả, thất thiệt gây hoang mang dư luận. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh tăng cường công tác theo dõi, rà soát, kiểm tra và xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thông tin các nội dung sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác...; chấn chỉnh, nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm và viết cam kết không tái phạm đối với nhiều chủ tài khoản facebook cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Bên cạnh xử lý, xử phạt, sở cũng đang đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử gỡ bỏ nhiều tin giả, thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên các tài khoản facebook, youtube khác.

Có  thể nói, Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan là công cụ hữu hiệu để xử lý các thông tin xấu độc trên mạng. Trong thời đại phát triển công nghệ thông tin hiện nay, việc “Báo chí công dân”, “nhà báo công dân” phát triển là một xu thế tất yếu. Nó giúp cho xã hội ngày càng minh bạch hóa thông tin hơn. Vấn đề đặt ra là việc quản lý, kiểm soát “Báo chí công dân” như thế nào cho hiệu quả, vừa ngăn chặn được những thông tin xấu độc, không tốt vừa phát huy được sức mạnh, hiệu quả giám sát xã hội. Đồng thời, mỗi công dân hãy là một “nhà báo” có trách nhiệm để cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. 

 Đình Nhượng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Báo chí công dân” - hãy là một “nhà báo” có trách nhiệm