Bãi rác Bình Tú. Ảnh: N.L |
“Sống chung” với rác
Phần lớn trẻ em, người già ở thôn Tiến Bình đều mắc bệnh viêm đường hô hấp do hít mùi hôi từ bãi rác Bình Tú ngay tại thôn. 30 năm, người dân sống trong cảnh chịu đựng với mùi ô uế từ bãi rác. Ban ngày, các xe chở rác đổ vào sâu bên trong bãi. Khi về đêm, các xe này đổ tràn ra đường đi, làm cho 30 hộ trồng thanh long tại khe Bà Màng không thể vận chuyển thanh long, phân rơm. Vì vậy, các hộ này tự vệ sinh để có đường thông thoáng. Bởi đây là con đường duy nhất nối từ thôn Tiến Bình tới khe Bà Màng giáp xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam). Đó là phản ánh của ông Đặng Xuân Lang (trưởng thôn Tiến Bình, Tiến Thành).
Nhiều người dân khác phản ánh: Ruồi nhặng bay đầy trong nhà, quanh năm, phải ngồi trong mùng để tránh ruồi khi ăn cơm. Mưa đến, nước thải đen ngòm từ trong bãi rác chảy xuôi ra nhà dân, bốc bùi hôi thối. Bằng mắt thường, nhìn màu nước giếng đào khá trong, nhưng khi ngửi lại có mùi hôi khó chịu. Vì thế, các gia đình phải mua nước nơi khác về sử dụng. Hơn thế nữa, tình trạng xe chở rác đổ rác tràn xuống đường; thậm chí đổ vào trong đất của người dân. Chị Nguyễn Thị Thu Hoa, người sống tại thôn, cho biết: “Người dân thường xuyên tự đốt, quét dọn số rác tràn ra đường. Do quá bức xúc, họ đã chặn xe chở rác; các tài xế hứa hẹn dọn ủi, nhưng đâu lại vào đấy!”
Quá tải
Ghi nhận của phóng viên, men theo con đường dẫn vào bãi rác, rác tràn ra đường đi nội bộ, mới thấy hết được nỗi thống khổ và sức chịu đựng của người dân thôn Tiến Bình suốt bao năm qua. Rác tập kết về đây cao ngất ngưởng, không được phân loại xử lý; chủ yếu bằng hình thức chôn lấp và đốt nên không thể giải quyết triệt để vấn đề môi trường. Khoảng cách từ bãi rác đến nhà dân quá gần nên khói nghi ngút, mùi hôi thối nồng nặc, côn trùng dày đặc.
Ông Tống Duy Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành, thừa nhận: Thôn Tiến Bình có hơn 520 hộ; trong đó 130 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp từ bãi rác Bình Tú. Đến thời điểm này, lượng rác tại bãi đã quá tải, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, nguồn nước cũng như đời sống sinh hoạt của các gia đình sống tại thôn. Thời gian qua, người dân bức xúc và kiến nghị nhiều lần đến UBND các cấp và các kỳ tiếp xúc cử tri.
Theo Phòng Kinh doanh - kỹ thuật (Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận), trung bình, mỗi ngày lượng rác thải của toàn thành phố Phan Thiết từ 550 - 600 m3. Riêng dịp lễ và tết, lượng rác thải này trên 600 m3/ngày. Và bãi rác Bình Tú là nơi tập trung rác thải của cả thành phố Phan Thiết. Những lúc trời mưa gió, xe chở rác dễ bị lún bùn khi vào bên trong, nên đổ phần sát ranh giới của bãi. Tuy nhiên, công ty cho xe ủi vào bên trong và xử lý enzim vào sáng hôm sau. Số rác đổ tràn đường đi của người dân là do các xe tư nhân đổ lén.
Mong chờ đóng cửa bãi rác
Nhiều người dân thôn Tiến Bình nói rằng: “Chúng tôi đang mong chờ từng ngày đóng cửa bãi rác. Cách đây 2 năm, UBND xã nói sẽ đóng cửa bãi rác sớm. Thực tế, bãi rác vẫn kéo dài hoạt động và không biết đến khi nào người dân mới được ở trong môi trường vệ sinh, không khí trong lành”.
Theo ông Mạnh, nhờ UBND tỉnh và thành phố kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác thải, Công ty TNHH Nhật Hoàng làm chủ đầu tư và được cấp giấy chứng nhận phê duyệt dự án đầu tư nhà máy xử lý rác tại thôn Tiến Bình nằm sâu bên trong cách khu dân cư 7 - 8 km. Đến nay, dự án này đã hoàn thành được 80% và dự kiến, cuối năm 2019, nhà máy sẽ đưa vào vận hành. Một khi nhà máy đi vào hoạt động, thì bãi rác Bình Tú sẽ bị đóng cửa. Đồng thời, UBND xã cũng kiến nghị UBND thành phố và tỉnh xử lý bãi rác này không còn ô nhiễm nhằm đảm bảo mỹ quan, môi trường trong thời gian sớm nhất.
Trang Hiếu