Hồ chứa nước Đá Bạc (Tuy Phong). |
Nhiều hồ chứa hư hỏng, xuống cấp
Toàn tỉnh hiện có 48 hồ chứa thủy lợi đang khai thác sử dụng, trong đó có 17 hồ chứa lớn, 10 hồ chứa vừa và 21 hồ chứa nhỏ. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các địa phương khai thác hồ chứa thủy lợi trong tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Trong đó, kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước 36/48 hồ và lập, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa 16/48 hồ chứa. Đồng thời, kiểm tra và đánh giá an toàn đập, hồ chứa 48/48 hồ.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đến thời điểm này toàn bộ 48 đập, hồ chứa đã được kiểm tra, đánh giá. Kết quả có 29/48 hồ chứa hoạt động bình thường. Còn lại 19 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn khi tích nước. Hiện nay đã bố trí nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp 6 hồ gồm Đá Bạc, Hộc Tám, Cẩm Hang, Tân Lập, Tà Mon, Trà Tân, thuộc Tiểu dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Còn lại 13 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp chưa bố trí được kinh phí để đầu tư nâng cấp, tu sửa gồm Sông Móng, Cà Giây, Bo Bo, Năm Heo, Sông Mao, Suối Trâm, Suối Đá, Cà Giang (xã Hàm Hiệp), Giếng Cỏ, Ba Bàu, Núi Đất, Lâm trường Sông Dinh, Đaguiry. Đơn cử các hạng mục công trình bị hư hỏng như đập tại hồ Cà Giây có hiện tượng thấm với mức độ nhẹ tại vị trí tiếp giáp vai đập với tràn xả sâu, sạt lở mái đập và sạt lở mái hạ lưu đập. Ngoài ra, tràn xả lũ chưa được gia cố bằng bê tông hoặc đá xây là hồ Bo Bo và hồ Sông Mao. Đáng lưu ý, các cống bị hư hỏng nặng gồm cống lấy nước hồ Lâm trường Sông Dinh, huyện Tánh Linh và cống lấy nước hồ Suối Đá, huyện Hàm Thuận Bắc…
Cần nâng cấp, sửa chữa
Phần lớn các hồ chứa thủy lợi hiện có tại Bình Thuận đầu tư xây dựng trong điều kiện về nguồn vốn, kỹ thuật thi công, năng lực thiết kế, tài liệu phục vụ tính toán còn nhiều hạn chế. Mặt khác, thời gian khai thác sử dụng các hồ chứa trải qua hàng chục năm nhưng do điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên đến nay chưa cân đối được kinh phí để nâng cấp, tu sửa các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, việc nâng cấp, sửa chữa được coi là giải pháp cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn cho công trình, nâng cao khả năng chống lũ theo các quy chuẩn thiết kế mới, tránh để xảy ra sự cố vỡ đập, bảo vệ an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân, các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng ở vùng hạ du hồ chứa.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện toàn tỉnh có 13 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao khi tích nước. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ Bình Thuận để nâng cấp, sửa chữa các công trình hồ chứa đang bị hư hỏng nghiêm trọng này.
Ngoài ra, trong số 48 hồ chứa, hiện nay các địa phương đang khai thác 3 hồ, gồm Đaguiry, Đatrian, Salound, tuy nhiên lực lượng cán bộ làm công tác quản lý khai thác hồ chứa thủy lợi của các địa phương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không đáp ứng năng lực chuyên môn theo quy định. Do vậy các địa phương đã có đề xuất giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi khai thác 3 hồ chứa do địa phương khai thác. Dự kiến các công trình này sẽ hoàn thành thủ tục bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý vận hành trong mùa mưa lũ năm nay.
Kiều Hằng